Thứ hai, 09/09/2024

Những Kinh Thường Đọc

Cập nhật lúc 07:40 06/01/2015
Kinh và ý nghĩa những kinh thường đọc
KINH BAN SÁNG NGÀY THƯỜNG
 
1. Kinh Làm Dấu Thánh Giá Đơn
Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen.
Ý NGHĨA
Khi làm dấu: “Nhân Danh Cha, Con và Thánh Thần” là ta nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi để làm một việc gì đó. Vì lấy tên Thiên Chúa mà làm việc gì thì phải làm cho tốt, làm đến nơi đến chốn.
Nhân Danh Chúa còn có nghĩa là cậy dựa vào quyền năng Chúa để cứu chữa ta trong những khi gian nan khốn khó về phần xác cũng như phần hồn. Vì thế không được kêu danh Chúa theo thói quen, nhưng có ý thức và hết lòng cậy trông.
 
2. Kinh Truyền Tin
Đức Chúa Trời sai Thiên Thần truyền tin cho Rất Thánh Đức Bà Maria.
Và Rất Thánh Đức Bà chiụ thai bởi phép Đức Chúa Thánh Thần.
- Kính mừng Maria đầy ơn phúc ...
- Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời...
Này tôi là tôi tá Đức Chúa Trời, tôi xin vâng như lời Thiên Thần truyền.
- Kính mừng Maria đầy ơn phúc...
- Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời...
Chốc ấy Ngôi Thứ Hai xuống thế làm người.
Và ở cùng chúng con.
- Kính mừng Maria đầy ơn phúc...
- Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời...
 Lạy Rất Thánh Đức Mẹ Chúa Trời, xin cầu cho chúng con, đáng chịu lấy những sự Chúa Kitô đã hứa.
Lời nguyện
Lạy Chúa, chúng con xin Chúa ban ơn xuống trong chúng con, là kẻ đã nhờ lời Thiên Thần truyền, mà biết thật Chúa Kitô là Con Chúa đã xuống thế làm người, thì xin vì công ơn Con Chúa chịu nạn chịu chết trên cây Thánh Giá, cho chúng con ngày sau khi sống lại được đến nơi vinh hiển, cũng vì công nghiệp Đức Giêsu Kitô là Chúa chúng con. Amen.
Ý NGHĨA
Kinh này tóm tắt việc Thiên Chúa sai Thiên sứ Ga-bri-en báo tin cho Đức Maria chịu thai Đức Giêsu - Ngôi Hai Thiên Chúa, xuống thế làm người. Khi nghe lời chào Đức Maria bỡ ngỡ và thắc mắc, nhưng khi biết ý định của Thiên Chúa thì Đức Mẹ đã sẵn sàng tin cậy, phó thác để cộng tác vào công trình của Thiên Chúa một cách quảng đại: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên Thần truyền”. Nhờ lời xin vâng của Đức Maria mà Ngôi Hai Thiên Chúa làm người để cứu chuộc chúng ta.
 
3. Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng
(Đọc trong mùa phục sinh)
Lạy Nữ Vương Thiên Đàng hãy vui mừng. Hallêluia.
Vì Đức Mẹ đã đáng cưu mang trong lòng. Hallêluia.
Người sống lại thật như lời đã phán hứa. Hallêluia.
Xin cầu cùng Chúa cho chúng con. Hallêluia.
Lạy Nữ Đồng Trinh Maria hãy hỷ hoan vui mừng. Hallêluia.
Vì Chúa đã sống lại thật. Hallêluia.
Lời nguyện
 Lạy Chúa, là Đấng đã làm cho thiên hạ được vui mừng quá bội, bởi Đức Giêsu Con Chúa, cùng là Chúa chúng con đã sống lại, xin vì Đức Nữ Đồng Trinh Maria là Thánh Mẫu Người, nguyện cầu cho chúng con được hưởng phúc vui vẻ hằng sống đời đời. Vì công nghiệp Đức Giêsu Kitô là Chúa chúng con. Amen.
Ý NGHĨA
Chúa Giêsu đã sống lại thật, thân xác Người linh thiêng: hiện ra với các Tông Đồ khi cửa đóng kín, nhưng đồng thời thân xác ấy đúng là Đức Giêsu đã sống trước khi chịu khổ hình. Chúa sống lại mở ra một thế giới sống lại, làm cho thiên hạ vui mừng quá bội, vì trước còn mịt mù không biết con người chết rồi sẽ ra sao. Vì thế Chúa Kitô Phục Sinh là một lời giải đáp cho những băn khoăn thắc mắc của con người sau khi chết.
Sau khi Chúa chịu chết, các Tông Đồ hoang mang, nhưng riêng về Đức Mẹ vẫn vững vàng tin cậy. Đức Giêsu sống lại trước hết đi viếng Đức Mẹ. Cho nên Đức Mẹ là người vui mừng đầu tiên. Chúng ta xin được vui mừng cùng Người và được sống lại với Chúa.
 
4. Kinh Đức Chúa Thánh Thần
Chúng con lạy ơn Đức Chúa Thánh Thần thiêng liêng sáng láng vô cùng, chúng con xin Đức Chúa Thánh Thần xuống đầy lòng chúng con là kẻ tin cậy Đức Chúa Trời, và đốt lửa kính mến Đức Chúa Trời trong lòng chúng con. Chúng con xin Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh Thần xuống, sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con. Chúng con cầu cùng Đức Chúa Trời, xưa đã cho Đức Chúa Thánh Thần xuống soi lòng dạy dỗ các Thánh Tông Đồ, thì nay chúng con cũng xin Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh Thần lại xuống, yên ủi dạy dỗ chúng con làm những việc lành, vì công nghiệp vô cùng Đức Chúa Giêsu Kitô là Chúa chúng con. Amen.
Ý NGHĨA
Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba Đức Chúa Trời hằng có đời đời. Chúa Cha đã tạo dựng vạn vật nhờ Chúa Thánh Thần. Trong đạo tự nhiên Chúa Thánh Thần soi sáng lương tâm con người làm lành lánh dữ. Trong đạo cũ Môsê Chúa Thánh Thần dùng các Tiên Tri mà phán dạy. Về đạo mới Chúa Giêsu, Ngôi Hai xuống thế làm người là nhờ Chúa Thánh Thần, lớn lên, đi giảng đạo cũng trong Chúa Thánh Thần, chết và sống lại cũng nhờ Chúa Thánh Thần; nay Chúa Giêsu lập Giáo Hội tiếp tục công trình cứu độ, thì Người cũng sai Chúa Thánh Thần cùng làm với Giáo Hội. Giáo Hội làm bề ngoài, Chúa Thánh Thần làm bề trong, cả hai hợp nhau mà làm công việc cho đến ngày tận thế.
 
5. Kinh Sấp Mình
Lạy Chúa, con sấp mình xuống trước mặt Chúa con, con tin thật Chúa ở khắp mọi nơi, thông biết mọi sự, hằng xem thấy con, hằng nghe lời con cầu nguyện. Xin Chúa rất nhân từ hãy đoái xem sự nghèo ngặt con, và nhận lời con nguyện. Lạy Chúa, xin hãy mở miệng lưỡi con ra, thì con sẽ cao rao những lời ngợi khen Chúa.
Ý NGHĨA
Kinh này còn mang tính chất đạo tự nhiên, quan niệm “Ông Trời có mắt”. Chúng ta tin Chúa ở khắp mọi nơi, thấy hết, biết hết...
Như vậy, Kinh Sấp Mình còn là đạo tự nhiên, công giáo bắt đầu đọc kinh bằng đạo tự nhiên, các kinh sau sẽ cao siêu hơn dần dần, thí dụ Kinh Lạy Cha, Kinh Tin Kính, Thương Người Có Mười Bốn Mối, Phúc Thật Tám Mối.
 
6. Kinh Vì Dấu (Dấu Kép)
Lạy Chúa chúng con, vì dấu (+), Thánh Giá (+), xin chữa (+), chúng con (+), cho khỏi (+), kẻ thù (+). Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen.
Ý NGHĨA
Kinh này vẫn còn phảng phất đạo tự nhiên, đạo cũ. Xin chữa cho khỏi kẻ thù, phần xác phần hồn. Những khi gặp khó khăn nguy nan trong đời sống, thí dụ tai nạn, ốm đau, nhất là khó khăn phần hồn, thí dụ bị cám dỗ hay mắc tội xấu thì đọc kinh này. Công giáo thì cậy nhờ vào Đức Giêsu, vì công nghiệp cứu độ của Người là cây Thánh Giá yêu thương, Người sẽ cứu chữa chúng ta như thế mạnh mẽ hơn bất cứ ai. Vì thế làm ba dấu Thánh Giá.
Chúng ta biết trong Thánh Lễ Misa cũng làm ba dấu Thánh Giá như thế khi nghe đọc Phúc Âm, ý nghĩa sâu sắc hơn nhiều, là xin Chúa Giêsu vì quyền năng Lời Người thanh tẩy và soi sáng trí tuệ (dấu Thánh Giá trên trán), thánh hoá miệng lưỡi chúng ta (dấu Thánh Giá trên miệng), và trái tim chúng ta (dấu Thánh Giá trên ngực).
 
7. Kinh Sáng Danh
Sáng danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần. Như đã có trước vô cùng, và bây giờ, và hằng có, và đời đời chẳng cùng. Amen.
Ý NGHĨA
Kinh này rõ ràng là một kinh của đạo công giáo: Có Ba Ngôi Thiên Chúa, lại chỉ xin cho Danh Chúa mà thôi, hôm qua, hôm nay, và mãi mãi, hoàn toàn vô tư, không cầu lợi cho mình, nếu không là vì ta yêu Chúa, muốn Chúa được sáng danh. Công giáo là thế đấy. Hiện nay ta biết Chúa chưa được tất cả mọi người biết mà ngợi khen, ta đau lòng, và mong đợi cũng phải làm sao cho Danh Chúa được sáng khắp mọi nơi và mọi thời. Như vậy kinh này tôn vinh Chúa, đồng thời cũng dạy ta phải hành động cho tốt để làm sáng danh Chúa nữa.
 
8. Kinh Thờ Lạy
Lạy Chúa, con là vật phàm hèn, cùng là không trước mặt Chúa. Con hết lòng thờ lạy và nhận thật: Chúa là đầu cội rễ mọi sự, là cùng sau hết mọi loài. Chúa đã dựng nên con, cùng thật là Chúa con nữa, thì con xin dâng linh hồn và xác, cùng mọi sự trong ngoài con ở trong tay Chúa. Amen.
Ý NGHĨA
Kinh này dạy chúng ta biết thân phận mình là tạo vật, Thiên Chúa mới là cao cả. “Đầu mọi sự” nghĩa là dựng nên mọi sự cho có, cả chính chúng ta, và là “cùng sau hết mọi loài”, nghĩa là mọi sự rồi qua đi hết, chúng ta cũng sẽ chết, nhưng Chúa vẫn tồn tại đời đời, và mọi sự đều phải về trước mặt Chúa để chịu phán xét. Khi đọc kinh này phải hình dung được sự ấy trong lòng trí chúng ta, và vì vậy ta có tâm tình thờ lạy Chúa, nhận Thiên Chúa là Chúa ta. Ta chỉ là tạo vật, Thiên Chúa là Chúa ta, Chúa cao cả nên ta tôn thờ, và ta phó thác tất cả trong Chúa: linh hồn, thân xác ta, mọi sự của ta hết thay thảy. Chúa quyền năng sẽ gìn giữ ta trong quyền năng của Người.
 
9. Kinh Đội Ơn
Lạy Chúa, chúng con đội ơn Chúa vì những ơn lành Chúa đã ban cho con xưa nay, nhất là đã dựng nên con, và cho Con Chúa chịu nạn chịu chết mà cứu chuộc con, lại chọn con làm con Hội Thánh nữa. Amen.
Ý NGHĨA
Đạo công giáo dạy con người phải biết ơn. Biết ơn cha mẹ sinh thành nuôi dưỡng. Biết ơn xã hội vì những điều đã nhận trong cuộc sống. Khi nhận được điều lành, trong gia đình cũng như ngoài xã hội, phải biết nói: cám ơn, và trong lòng phải có tâm tình cám ơn thật. Không những phải cám ơn bề trên, mà bề trên cũng phải cám ơn bề dưới, cha mẹ cũng phải biết cám ơn con cái khi các em làm cho mình điều gì, dù là bổn phận em phải làm, vợ chồng cũng cần phải cám ơn nhau. Ta cần xây dựng một xã hội biết cám ơn nhau, biết các việc lành đã làm cho ta, xã hội như thế sẽ sống thú vị, êm đềm, hạnh phúc biết bao.
Nhưng trước hết ta phải cám ơn Thiên Chúa vì mọi ơn lành Chúa đã ban cho từ xưa đến nay, những ơn trọng đại mà không ơn nào của trần gian sánh được. Khi chúng ta có tâm tình đội ơn Chúa, thì Chúa sẽ dạy chúng ta biết cám ơn người. Kinh Đội ơn nhắc chúng ta ba điều đáng tạ ơn nhất, đó là: dựng nên ta, cứu độ ta nhờ Chúa Giêsu yêu thương ta chết vì ta, và cho chúng ta làm con Giáo Hội.

10. Kinh Tin
Lạy Chúa, con tin thật có một Đức Chúa Trời, là Đấng thưởng phạt vô cùng. Con lại tin thật Đức Chúa Trời có Ba Ngôi, mà Ngôi Thứ Hai đã xuống thế làm Người, chịu nạn chịu chết mà chuộc tội cho thiên hạ. Bấy nhiêu điều ấy, cùng các điều Hội Thánh dạy, thì con tin vững vàng, vì Chúa là Đấng thông minh, và chân thật vô cùng, đã phán truyền cho Hội Thánh. Amen.
Ý NGHĨA
Dạy ta biết, Thiên Chúa là Đấng thông minh, và chân thật vô cùng. Thiên Chúa thì vượt trên hết mọi loài. Vì thế những Lời Chúa phán, dạy ta là lời chân thật, chắc chắn chẳng bao giờ sai được. Cho nên tin vào Thiên Chúa vững chắc hoàn toàn, gấp trăm vạn người thường dù tốt đến đâu. Tin vào Thiên Chúa, nhà đạo gọi là Tin Kính, nghĩa là vừa tin vừa kính, vì là Thiên Chúa đáng kính vô cùng.
Trong những điều cần phải tin, phải kể đến ba điều này, một là: tin Thiên Chúa là Đấng thưởng phạt vô cùng; hai là: tin Thiên Chúa Ba Ngôi; ba là: tin Ngôi Hai xuống thế làm người cứu rỗi loài người. Đấy hẳn là điều cốt yếu, còn những điều khác Hội Thánh dạy nữa.
 
11. Kinh Cậy
Lạy Chúa, con trông cậy vững vàng: vì công nghịêp Đức Chúa Giêsu, thì Chúa sẽ ban ơn cho con giữ đạo nên ở đời này, cho ngày sau được lên thiên đàng, xem thấy mặt Đức Chúa Trời hưởng phúc đời đời. Vì Chúa là Đấng phép tắc, và lòng lành vô cùng, đã phán hứa sự ấy chẳng có lẽ nào sai được. Amen.
Ý NGHĨA
Cậy, như Thánh Phao-Lô nói là về những điều mình tin thật, nhưng chưa thấy, còn mong đợi, còn trông mong. Thí dụ như việc giữ đạo nên ở đời này, việc được rỗi linh hồn, việc Nước Chúa sẽ thành công, Trời Mới Đất Mới sẽ đạt được, ta sẽ được hưởng phúc đời đời. Những sự ấy còn ở tương lai. Nhưng chúng trông cậy vào quyền năng Chúa. Chúng ta cậy vì lòng Chúa thương ta vô cùng, nhất định sẽ thành. Thánh Phao-Lô nói: lại có Thần Trí giúp đỡ ta nữa. Sự dữ hoành hành, kẻ dữ gây muôn vàn cản trở, chúng ta thì kém cỏi yếu đuối, nhưng Chúa phép tắc, Chúa thương, có ánh sáng Chúa soi và giúp sức, tạo điều kiện, thay đổi tình thế, ta sẽ vượt được hết: Cậy là như vậy.
 
12. Kinh Kính Mến
Lạy Chúa, con kính mến Chúa hết lòng hết sức, trên hết mọi sự, vì Chúa là Đấng trọn tốt trọn lành vô cùng, lại vì Chúa thì con thương yêu người ta như mình con vậy. Amen.
Ý NGHĨA
Đọc kinh này nên chú ý ba điều này:
Một là: ta yêu Chúa vì Chúa tốt lành, vì Chúa là Tình Yêu. Chúa yêu ta, ta yêu Chúa, chứ không chỉ giới hạn như lòng biết ơn của ta đối với người làm ơn cho ta.
Hai là: tôi yêu người khác như mình tôi vậy. Chúa bảo ta đói ngươi cho ăn, yêu người là yêu chính Chúa. Người khác là chính Chúa. Chúa dạy ta yêu người như chính Chúa.
Ba là: người công giáo yêu người như chính Chúa vì Chúa dạy thế, và vì mọi người chúng ta là hình ảnh Thiên Chúa, trong mọi người có Chúa. Cho dù người ấy tốt với ta, hay không tốt với ta, ta cũng yêu như Chúa yêu ta.
 
13. Kinh Lạy Cha
Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện Danh Cha cả sáng. Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày, và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con, xin chớ để chúng con sa trước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen.
Ý NGHĨA
Kinh Lạy Cha có bẩy lời nguyện xin:
Ba điều liên quan đến Thiên Chúa và bốn điều liên quan đến chúng ta. Chúng ta Gọi Thiên Chúa là Cha, đây là điều kỳ lạ độc đáo trong đạo Công giáo. Tiếng Ap-ba trong Phúc Âm Luca là tiếng trẻ thơ gọi bố “cha ơi”, rất thân thiết âu yếm. Vậy ta phải tin yêu Chúa một cách thân thiết như thế.
Ba điều về Thiên Chúa là: Danh Cha cả sáng; Nước Cha trị đến, nghĩa là mở rộng thêm, ta phải truyền giáo, làm tông đồ;  Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời: các Thiên Sứ trên trời thi hành Ý Chúa thế nào thì ta cũng phải làm tốt như thế. Dưới đất này, Thiên Chúa có một chương trình, là làm cho trần gian nên như phác thảo đời sau, loài người thành Thân Thể Chúa là Giáo Hội.
Bốn điều về chúng ta, ta phải nguyện xin thật lòng, nhất định Chúa sẽ cho ta thực hành kỳ được, là: Lương thực hàng ngày, chúng ta phải lao động và sống xứng đáng làm con cái Chúa; xin được tha thứ vì, chúng ta tội lỗi nhiều, nhất định Chúa là Đấng bảo vệ sẽ tha thứ cho ta, để được Thiên Chúa tha thứ thì chúng ta phải tha thứ cho nhau; xin chớ để chúng con sa trước cám dỗ, là điều rất cần để tránh xa những tệ nạn xã hội ngày nay. Chúng ta cầu nguyện và Chúa cho chúng ta tinh tường, khôn ngoan mà tránh, cho chúng ta nghị lực mà chống trả thành công những cơn cám dỗ ấy. Còn những tai nạn, tai họa xảy đến phần hồn phần xác, mọi sự ấy, xin Chúa cứu chữa chúng ta khỏi mắc phải.

14. Kinh Kính Mừng
Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ.
Thánh Maria Đức Mẹ Chúa trời cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử. Amen
Ý NGHĨA
Kinh Kính Mừng gồm hai phần: phần thứ nhất là lời Thiên Sứ cùng lời bà Elisabét chào chúc Đức Maria; phần thứ hai là lời cầu xin của chúng ta.
Lời của Thiên Sứ: Bà hãy vui lên, hỡi bà Maria, Thiên Chúa ở cùng Bà, có ý nói Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế đến cứu độ làm cho chúng ta được vui mừng. Ta đọc kinh này cùng vui mừng với Đức Maria và giục lòng tin vào ơn Cứu Độ của Đức Giêsu.
Lời chào của bà Elisabét: Bà có phúc lạ hơn mọi phụ nữ. Chúng ta cùng hợp ý với bà Elisabét ngợi khen Đức Maria, vì Mẹ đã tin vào Lời Chúa dạy. Chúng ta noi gương Đức Mẹ mà tin và xin được tin vào Lời Chúa như Đức Mẹ.
Phần hai là phần của chúng ta cầu xin: Chúng ta là kẻ có tội nên van xin. Xin cho khi nay, nghĩa là bây giờ, lúc này. Ta nghĩ đến phần hồn phần xác có nhiều điều khốn khó, hay nghĩ đến những khốn khó ấy mà xin Đức Mẹ thương giúp ta. Lại đặc biệt xin ơn lành khi chúng ta chết, được chết lành trong tay Mẹ.
 
15. Kinh Tin Kính
Tôi tin kính Đức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất. Tôi tin kính Đức Chúa Giêsu Kitô là Con Một Đức Chúa Cha, cùng là Chúa chúng tôi. Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai, sinh bởi Bà Maria đồng trinh, chịu nạn đời quan Phong-xi-ô Phi-la-tô, chịu đóng đinh trên cây Thánh Giá, chết và táng xác, xuống ngục tổ tông, ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại, lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng, ngày sau bởi trời lại xuống phám xét kẻ sống và kẻ chết. Tôi tin kính Đức Chúa Chúa Thánh Thần. Tôi tin có Hội Thánh hằng có ở khắp thế này, các Thánh thông công, tôi tin phép tha tội, tôi tin xác loài người ngày sau sống lại, tôi tin hằng sống vậy. Amen.
Ý NGHĨA
Kinh này gồm ba phần: phần thứ nhất về Đức Chúa Cha, phần thứ hai về Đức Chúa Con là Chúa Giêsu, phần thứ ba là về Chúa Thánh Thần.
Về Đức Chúa Cha: Chúng ta tin Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất.
Về Đức Chúa Con: Người là Ngôi Hai, là Con Chúa, là Chúa Con, cùng là Chúa như Chúa Cha, sinh ra, sống và giảng đạo, khai mạc xây dựng Nước Trời, chịu chết và sống lại, lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha và sẽ trở lại phán xét ngày cuối cùng. Chúa Giêsu đã vâng lời Chúa Cha đến chết trên cây Thập Giá để sửa lại tội không vâng lời xưa của tổ tông loài người. Vì thế Chúa Cha thưởng công cho sống lại, lên trời lấy lại chức năng là Chúa như trước khi xuống thế làm người.
Về Đức Chúa Thánh Thần: cả phần ba nói về Chúa Thánh Thần. Đức Chúa Thánh Thần làm cho Giáo Hội sống động và trẻ trung. Chính Người tha tội, cho người ta sống lại và được sống đời đời.
 
16. Kinh Thú Nhận
Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa toàn năng, và cùng anh chị em, tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm, và những điều thiếu sót. Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng. Vì vậy tôi xin Đức Bà Maria trọn đời đồng trinh, các Thiên Thần, các Thánh, và anh chị em khẩn cầu cho tôi trước toà Thiên Chúa, Chúa chúng ta. Amen.
Ý NGHĨA
Kinh Thú Nhận là xưng tội ra trước mặt Chúa, vì thế trước đấy phải xét mình. Thấy tội rồi thú nhận tội ấy với Chúa. Trong tư tưởng, lời nói, việc làm, mình đã phạm tội gì, nhớ lại rồi thú nhận cùng Chúa. Nhất là những điều mình thiếu sót không làm, những tội này cũng nhiều lắm: thí dụ bổn phận làm con đối với cha mẹ phải làm mà mình không làm, bổn phận với xứ đạo mà mình không làm, bắc ái  Kitô giáo ra không giữ. Ta thú nhận với Chúa và xin Đức Maria, các Thiên Thần, các Thánh và mọi người có mặt xin Chúa tha thứ cho chúng ta.

17. Kinh Ăn Năn Tội
Lạy Chúa, Chúa là Đấng trọn tốt trọn lành vô cùng, Chúa đã dựng nên con, và cho Con Chúa ra đời chiụ nạn chiụ chết vì con, mà con đã cả nghịch lỗi nghĩa cùng Chúa, thì con lo buồn đau đớn, cùng chê ghét mọi tội con trên hết mọi sự, con dốc lòng chừa cải, và nhờ ơn Chúa thì con sẽ tránh xa dịp tội, cùng làm việc đền tội cho xứng. Amen.
Ý NGHĨA
Ta đọc kinh này trước kinh thú nhận. Ta thấy tội, ăn năn tội rồi ta thú nhận. Ăn năn tội là điều chính yếu. Tội được tha hay không là do ăn năn tội nên hay không. Phải nhận mình là tội lỗi và khiêm tốn thống hối. Tôi phải lo buồn, đau đớn, ghét tội, quyết tâm chừa cải và đền tội tôi. Chú ý đến các giai đoạn của sự ăn năn: trong lòng phải có đau buồn thực sự. Rồi ghét tội, phải thấy nó xấu xa và ghê tởm nó, ghê tởm với chính mình đã xấu xa như thế, và vì thế mà ghét nó, quyết tâm thôi không phạm như thế nữa. Cũng phải làm việc gì mà đền tội ấy, đền cũng có mục đích là xóa nó khỏi đời ta, hết vết tích tội trong ta. Kinh còn dạy phải lánh xa dịp tội: nên thôi không đến những nơi, những người dẫn ta đến phạm tội.

18. Kinh Phù Hộ
Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa, là Đấng có phép tắc vô cùng, đã thương để chúng con đến sớm mai nay, thì xin Chúa xuống ơn phù hộ cho chúng con trót ngày hôm nay khỏi sa phạm tội gì. Lại xin Chúa sửa sự lo, lời nói, việc làm, chúng con hằng nên trọn lành theo ý Chúa. Vì công nghiệp Đức Giêsu, là Đấng hằng sống hằng trị cùng Đức Chúa Cha, và Đức Chúa Thánh Thần đời đời chẳng cùng. Amen.
Ý NGHĨA
Sáng dậy, chúng ta đọc kinh này, chúng ta thấy trước cả một ngày trước mặt chúng ta, chúng ta sẽ sống ra sao đây. Kinh này giúp chúng ta cầu nguyện theo hai ý:
Một là xin ơn Chúa phù hộ giúp sức, Chúa đổ vào trong chúng ta ơn Thánh của Ngài, là sức mạnh chống lại các cơn cám dỗ, để không phạm tội nào mất lòng Chúa, luôn sống trong sạch.
Hai là, ơn Chúa soi sáng và thêm sức cho tư tưởng, lời nói, việc làm luôn tốt lành, hoàn hảo, nhiều công, nhiều phúc. Như thế ngày qua ngày đời ta phong phú hơn, ta giầu có và phúc đức hơn, đời ta đẹp hơn.
 
19. Kinh Sáng Soi
Cúi xin Chúa sáng soi cho chúng con được biết việc phải làm, cùng khi làm xin Chúa giúp đỡ cho mỗi kinh mỗi việc chúng con, từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen.
Ý NGHĨA
Kinh này là một trong những kinh đọc để cầu xin Chúa Thánh Thần. Cho nên khi đọc kinh này, chúng ta nên nhớ phải đặt tâm hồn và thể xác cậy trông vào sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Vì thế khi miệng đọc, lòng phải hướng và cậy trông vào sự soi sáng, linh hướng của Chúa Thánh Thần. Để Chúa Thánh Thần soi sáng những việc mình làm, từ ý nghĩ đến hành động được thành công tốt đẹp dưới sự hướng dẫn và thánh hóa của Chúa Thánh Thần.

20. Kinh Lạy Nữ Vương
Lạy Nữ Vương Mẹ nhân lành, làm cho chúng con được sống, được vui, đươc cậy. Thân lạy Mẹ, chúng con con cháu E-và, ở chốn khách đày kêu đến cùng Bà. Chúng con ở nơi khóc lóc than thở kêu khẩn Bà thương. Hỡi ơi! Bà là Đấng cầu bầu, xin ghé mặt thương xem chúng con. Đến sau khỏi đày, xin cho chúng con được thấy Đức Chúa Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ. Ôi khoan thay, nhân thay, dịu thay Thánh Maria trọn đời đồng trinh. Amen.
Ý NGHĨA
Kinh này rất cổ trong Hội Thánh. Chúng ta đọc kinh này khi chúng ta gặp buồn sầu trong tâm hồn và khó khăn trắc trở trong đời sống. Vì thế chúng ta cậy trông vào Đức Mẹ làm cho chúng ta được sống lại về tâm hồn, được sự bình an thể xác. Vì vậy khi đọc kinh này, chúng ta phải đặt mình trong tâm tình cậy trông vào lòng từ bi che chở, trợ giúp của Đức Mẹ. Chúng ta đến với Đức Mẹ như một đứa con thơ dại để được đôi tay mẹ ấp ủ và xoa dịu những vết thương đau và nỗi buồn của cuộc sống. Vì Đức Mẹ là người cầu bầu, xin ơn Chúa xuống cho chúng ta. Chúng ta phải tin Đức Mẹ luôn thương giúp và cầu bầu cho ta cả đời này và đời sau.

21. Kinh Cám Ơn
Con cám ơn Đức Chúa Trời là Chúa lòng lành vô cùng, chẳng bỏ con, chẳng để con không đời, mà lại sinh ra con cho con được làm người, cùng hằng gìn giữ con, hằng che chở con, lại cho Ngôi Hai xuống thế làm người, chuộc tội chịu chết trên cây Thánh Giá vì con, lại cho con được đạo thánh Đức Chúa Trời, cùng chịu nhiều ơn, nhiều phép Hội Thánh nữa, và đã cho phần xác con đêm nay được mọi sự lành (tối thì đọc: ngày hôm nay), lại cứu lấy con kẻo phải chết tươi ăn năn tội chẳng kịp. Vậy các Thánh ở trên Nước Thiờn Đàng cám ơn Đức Chúa Trời thể nào, thì con cũng hợp cùng các Thánh mà dâng cho Chúa cùng cám ơn như vậy. Amen.
Ý NGHĨA
Kinh này dạy chúng ta cảm tạ Hồng Ân Chúa đã gìn giữ ta qua một ngày hoặc một đêm được mọi sự lành, bằng an vô sự. Vì thế mỗi khi đi ngủ hay thức dậy chúng ta phải đọc kinh dâng mình để cám ơn Người về những Hồng Ân đó.
Hãy nhớ rằng Giáo Hội dạy ta cám ơn về tất cả mọi sự, nhất là cho ta được sống. Để ý các câu rất sâu sắc: chẳng để con “không” đời đời, “cho con được làm người”, “chuộc tội” ta. Được biết Đạo Chúa ta phải nhớ những điều trọng đại cao cả ấy, đừng quên tạ ơn Người. Khi tạ ơn, chúng ta phải hợp ý toàn thể các Thánh, lời chúng ta sẽ được mạnh thế và được Chúa chấp nhận.

22.  Trông Cậy
Chúng con trông cậy Rất Thánh Đức Mẹ Chúa Trời, xin chớ chê, chớ bỏ lời chúng con nguyện trong cơn gian nan thiếu thốn, Đức Nữ Đồng Trinh hiển vinh sáng láng.
Hằng chữa chúng con cho khỏi sự dữ. Amen.
Ý NGHĨA
Tất cả buổi cầu nguyện (đọc kinh), chúng ta đã xin nhiều điều cho riêng ta, cho những người xung quanh ta. Tất cả những điều chúng ta xin, chúng ta phó thác hoàn toàn trong tay Đức Mẹ. Chúng ta cậy trông Đức Mẹ sẽ cầu bầu cho chúng ta. Đức Mẹ sẽ “chẳng bỏ lời chúng ta nguyện”, trái lại chúng ta tin Đức Mẹ hiển vinh hằng chữa chúng ta khỏi mọi sự dữ.
23. Bốn Câu Lạy
- Lạy Trái Tim Rất Thánh Đức Chúa Giêsu - Thương xót chúng con.
- Lạy Trái Tim cực thanh cực tịnh Rất Thánh Đức Bà Maria - Cầu cho chúng con.
- Lạy ông thánh Giuse là bạn thanh sạch Đức Bà Maria trọn đời đồng trinh - Cầu cho chúng con.
- Lạy các Thánh Tử Đạo Việt Nam - Cầu cho chúng con.
Ý NGHĨA
Buổi cầu nguyện kết thúc bằng bốn câu lạy rất vắn tắt và tha thiết: ba câu đầu xin cùng Đức Giêsu, Đức Maria và Thánh Giuse, là Gia Đình Thánh, đã sống đời trần gian như chúng ta. Ta hãy đọc cách tha thiết và nghĩ đến gia đình chúng ta, và xin cho bố mẹ con cái được ơn che chở sống tốt như Gia Đình Thánh. Cuối cùng cầu các Thánh Tử Đạo Việt Nam, như là tổ tiên trong đức tin, các Ngài nhất định thương chúng ta là con cháu và cầu cho chúng ta được mọi sự lành hồn xác, nhất là ơn sống làm chứng đức tin mạnh mẽ như các Ngài xưa.
 
KINH BAN TỐI NGÀY THƯỜNG
 
24. Kinh Trước Khi Xét Mình
Lạy Chúa là sự sáng linh hồn con, xin soi sáng cho con được biết mọi tội lỗi con đã phạm trong ngày hôm nay. Hoặc lo, hoặc nói, hoặc làm điều gì lỗi nghĩa cùng Chúa. Con lại xin Chúa, vì công nghiệp Đức Chúa Giêsu, ban ơn cho con được ăn năn ghét tội, cùng dốc lòng chừa thật. Amen.
Ý NGHĨA
Đây là kinh xin Chúa Thánh Thần soi sáng cho ta cả về linh hồn và thể xác, soi sáng cho ta biết tình trạng đời mình. Nhờ Chúa Thánh Thần soi sáng để chúng ta kiểm điểm, xét lại đời sống của mình từ lúc bình minh tới khi chiều tà xem mình đã phạm những thiếu sót nào từ ý nghĩ, lời nói và hành động của mình đã lỗi nghĩa cùng Chúa để ăn năn tội và dốc lòng chừa. Phải đọc và xét mình, rà lại cuộc sống của mình từ sáng đến tối xem mình đã nghĩ gì, nói gì và làm gì? Những gì còn thiếu sót? Xin Chúa Thánh Thần soi sáng cho ta biết việc phải làm. Như thế dần dần chúng ta sẽ sống gắn bó với Chúa Thánh Thần và phó thác cuộc sống hằng ngày cho Chúa Thánh Thần, để Người dẫn dắt cuộc sống đức tin của ta sống tốt lành và có hiệu quả hơn.

25. Kinh Hãy Nhớ
Lạy Thánh Nữ Đồng Trinh Maria là Mẹ rất nhân từ, xin hãy nhớ xưa nay chưa từng nghe có người nào chạy đến cùng Đức Mẹ, xin bầu chữa cứu giúp, mà Đức Mẹ từ bỏ chẳng nhận lời. Nhân vì sự ấy, con lấy lòng trông cậy than van, chạy đến sấp mình xuống dưới chân Đức Mẹ, là Nữ Đồng Trinh trên hết các kẻ đồng trinh, xin Đức Mẹ đoái đến con là kẻ tội lỗi. Lạy Mẹ là Mẹ Chúa Cứu Thế, xin chớ bỏ lời con kêu xin, một dủ lòng thương mà nhận lời con cùng. Amen.
Ý NGHĨA
Đây là kinh thứ hai nên đọc trong ngày cầu cùng Đức Mẹ. Kinh này là kinh cổ nhất về Đức Mẹ, có cách đây 1700 năm. Đọc kinh này ta nhớ lại từ xa xưa giáo dân đã tin cậy vào Đức Mẹ và cầu xin, xin Đức Mẹ cầu bầu và che chở.
Trong kinh này, ngoài danh hiệu Đức Mẹ là Mẹ Đấng Cứu Thế, là Nữ Đồng Trinh, Đức Mẹ còn là Mẹ chúng ta, như thế chúng ta cậy nhờ vào Đức Mẹ, chắc chắn lòng từ bi nhân hậu của Đức Mẹ sẽ thương giúp chúng ta.

26. Kinh Phó Dâng
Lạy Chúa, con xin phó dâng linh hồn và xác con ở tay Chúa. Chúa đã phù hộ con ban ngày, thì xin Chúa cũng gìn giữ con ban đêm, kẻo sa phạm tội gì mất lòng Chúa, hay là chết tươi ăn năn tội chẳng kịp, chớ gì sống chết, con được giữ một lòng kính mến Chúa luôn. Amen.
Ý NGHĨA
Đây là kinh giáo dân thường xuyên đọc vào buổi tối trước khi đi ngủ, để ta phó dâng linh hồn và xác ta trong tay Thiên Chúa. Xin Chúa gìn giữ chúng ta trong đêm được an lành hồn xác.
 
27. Kinh Dấu Đanh
Lạy ơn Đức Chúa Giêsu, xưa vào vườn Giệt-xi-ma-ni, lo buồn mồ hôi máu chảy ra, chịu những sự thương khó vì tội thiên hạ, chúng con xin vì công trọng ấy, cho những kẻ liệt đã mong sinh thì được mọi sự lành khi nay, đến sau linh hồn lìa xác, được lên ở cùng Đức Chúa Trời, thấy mặt Đức Chúa Giêsu, sống lâu vui vẻ đời đời chẳng cùng. Amen.
Lạy ơn Đức Chúa Giêsu, xưa ông thánh Giuse cất xác xuống, lấy khăn mà liệm, thấy những dấu Thánh in vào. Xin ngày sau đem chúng con lên, hưởng phúc sống lại ở trên trời. Vì công nghiệp Đức Chúa Giêsu, xưa chiụ chết và táng xác, mà nay hằng sống hằng trị cùng Đức Chúa Cha và Đức Chúa Thánh Thần đời đời chẳng cùng. Amen.
Con lạy Đức Chúa Giêsu rất nhân lành rất cam thay vô cùng, này con quì gối xuống trước mặt Chúa, đang khi con lấy lòng thương xót, và lòng kính mến, mà suy ngắm Năm Dấu Thánh Chúa, cùng tưởng nhớ lời ông thánh tiên tri Đa-vít phán xưa thay vì Chúa rằng: Chúng đã lấy đanh sắt mà đóng thâu qua chân tay Ta, và kéo dãn cả mình Ta ra đến nỗi đếm được các xương, thì con cả dám kêu van hết lòng hết sức. Xin Chúa ban ơn rất trọng này cho con: Là in sự sốt sắng nóng nảy trong linh hồn con, cho được làm sự Tin Cậy Mến, và ăn năn ghét các tội lỗi con cho thật, và dốc lòng chừa cho vững bền mãi. Amen.
Ý NGHĨA
Kinh này nhắc lại cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu (từ khi vào Vườn Giệt, chịu khổ nạn, chết và sống lại vinh quang). Nay ta đọc để suy ngắm cuộc khổ nạn của Chúa, vì yêu thương ta mà Chúa chịu cực hình như thế, để chúng ta nhìn nhận tội lỗi chúng ta, ghét tội hàng ngày. Và nhất là khi chết chúng ta được chết trong tay Chúa, được phúc sống lại với Chúa. Kinh này thường được đọc khi thăm viếng và giúp đỡ kẻ liệt, khi hấp hối. Chúng ta cũng nên đọc để cầu cho chính mình, bởi vì chúng ta không biết giờ nào, ngày nào chúng ta chết, như thế sẽ giúp chúng ta sống hàng ngày tốt hơn. Không có cách nào giúp chúng ta sống tốt hơn bằng cách hàng ngày nên nghĩ đến cái chết của chính mình.
 
28. Kinh Vực Sâu
Lạy Chúa, con ở dưới vực sâu kêu lên Chúa, xin Chúa hãy thẩm nhận lời con kêu van, hãy lắng nghe lời con cầu xin. Nếu Chúa chấp tội nào ai rỗi được. Bởi Chúa hằng có lòng lành, cùng vì Lời Chúa phán hứa, con đã trông cậy Chúa. Linh hồn con cậy vì lời hứa ấy thì đã trông cậy Chúa. Những kẻ làm dân Đức Chúa Trời đêm ngày, hãy trông cậy Người cho liên. Vì Người rất nhân lành hay thương vô cùng, sẽ tha hết mọi tội lỗi kẻ làm dân người thay thảy. Lạy Chúa, xin ban cho các linh hồn được ngơi đời đời và được sáng soi vô cùng.
Lạy ơn Đức Chúa Trời chỉ một lòng thương xót tha thứ liên mãi, chúng con sấp mình kêu xin Chúa, cho linh hồn ông bà, cha mẹ, anh em họ hàng, bạn hữu chúng con (hay là cho linh hồn nào muốn cầu nguyện cho) đã qua đời, xin Chúa chớ để các linh hồn ấy phải tay ma quỉ, đừng quên các linh hồn ấy đời đời, một khiến Thánh Thiên Thần nhận lấy đưa lên Thiên Đàng, để cho những linh hồn khi sống đã tin cậy Chúa, thì khi chết khỏi phải xuống hoả ngục, được lên Thiên Đàng, hưởng phúc vui vẻ vô cùng, vì Đức Giêsu Kitô là Chúa chúng con. Amen.
Ý NGHĨA
Là kinh nguyện cho người qua đời cách riêng và cầu cho linh hồn tổ tiên, ông bà ...  Chúng ta nhớ đến người thân đã qua đời, cầu khẩn xin Chúa tha thứ tội lỗi và cho họ được lên Thiên Đàng. Trong các nhà thờ khi đọc kinh này thường đánh chuông tiếng một, gợi lên trong lòng chúng ta một nỗi buồn rất linh thiêng, tiếng chuông gọi hồn, tiếng chuông nối linh hồn chúng ta với cha ông chúng ta. Cung giọng của lời kinh này thật thảm thiết, thật là sâu sắc để đánh động đến tận đáy tâm hồn chúng ta.
 
29. Kinh Nghĩa Đức Tin (kinh ngày Chủ nhật)
Ngày chủ nhật hôm nay (hoặc ngày lễ... hôm nay) chúng con hợp nhau kính lạy thờ phượng Chúa, ca khen cảm tạ Chúa, về mọi ơn lành Chúa đã ban cho chúng con, và đền tạ Chúa vì những tội lỗi chúng con đã phạm mất lòng Chúa, thì chúng con dám xin Chúa khứng ban những ơn cần kíp cho chúng con được rỗi linh hồn. Nên chúng con cả lòng tin vững vàng mọi điều đạo thánh Chúa dạy nhất là những điều cần kíp này là có một Đức Chúa Trời phép tắc vô cùng dựng nên trời đất, mà Người có Ba Ngôi, Ngôi thứ nhất là Cha, Ngôi thứ hai là Con, Ngôi thứ ba là Thánh Thần. Ba Ngôi cùng một Chúa mà thôi. Chúng con tin Ngôi thứ Hai ra đời làm người, sinh bởi Bà Maria đồng trinh đặt tên là Giêsu, ở thế gian ba mươi ba năm, đoạn chịu chết trên cây Thánh Giá mà chuộc tội cho thiên hạ, đến ngày thứ ba Người sống lại, khỏi bốn mươi ngày lên trời, đủ mười ngày lại cho Đức Chúa Thánh Thần xuống trên các thánh Tông Đồ và Hội Thánh mới lập, ai chẳng thông công cùng Hội Thánh ấy thì chẳng được rỗi linh hồn, mà linh hồn là giống thiêng liêng chẳng hề chết được, và đến ngày tận thế xác loài người ta sẽ sống lại mà chịu phán xét: kẻ lành lên Thiên Đàng hưởng phúc đời đời, kẻ dữ sa hoả ngục chịu phạt vô cùng. Mà chúng con tin các sự ấy mà thôi, thì chưa đủ cho được lên Thiên Đàng, song phải giữ Mười Điều Răn đạo Đức Chúa Trời, cùng sáu luật điều Hội Thánh và làm các việc lành phúc đức. Nhân vì sự ấy chúng con hằng phải sợ hãi và trốn tránh các tội lỗi, nhất là Bảy mối tội đầu, là căn nguyên mọi tội lỗi khác. Vậy chúng con phải ân cần lo lắng mà năng chịu các phép Bí Tích Đức Chúa Giêsu đã truyền, là những phương linh nghiệm cho chúng con được nên thánh. Có bảy phép Bí Tích mà thôi, song phép Rửa Tội, phép Mình Thánh Chúa, cùng phép Giải Tội, là ba phép cần kíp hơn cho chúng con được rỗi. Ấy vậy chúng con hằng phải ra sức lo lắng thế nào, mà năng chịu các phép trọng ấy cho nên, cùng tin thật vững vàng và giữ cẩn thận các điều trước này, thì mới được hưởng phúc thanh nhàn đời đời kiếp kiếp. Amen.
Ý NGHĨA
Kinh này tóm tắt những lời cốt yếu trong đạo, nên mọi người ít nhất phải biết. Vì thế ngày Chúa nhật và lễ trọng, giáo dân buộc phải dự lễ, và đọc lại kinh này cho mọi người ôn lại những điều cốt yếu ấy, để giáo dân nhớ và giữ lấy.
Đầu hết phải thờ phượng Chúa, ngợi khen tạ ơn Chúa về mọi sự lành đã được, tạ tội về mọi lỗi lầm của mình, xin ơn để sống tốt hơn.
Thế rồi tuyên xưng những điều cốt yếu ấy phải tin: là có một Thiên Chúa Ba Ngôi, Chúa Cha tạo dựng, Chúa Con ra đời là Đức Giêsu cứu độ ta: sinh ra, chịu nạn chịu chết, sống lại, lên trời, sai Chúa Thánh Thần xuống trên Giáo Hội, tin có linh hồn bất diệt, xác loài người ta sẽ sống lại, hoặc lên Thiên Đàng hoặc xuống Hỏa Ngục đời đời. Vì thế để được cứu độ, phải giữ mười điều răn, sáu sự răn, tránh tội lỗi, nhất là bẩy mối tội đầu, phải lãnh nhận các bí tích, đặc biệt phép Rửa Tội, Hòa Giải và phép Mình Thánh Chúa.
 
30. Kinh Mười Điều Răn
 
Đạo Đức Chúa Trời có Mười Điều Răn:
Thứ Nhất: thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự.
Thứ hai: chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ.
Thứ ba: giữ ngày Chủ nhật.
Thứ bốn: thảo kính cha mẹ.
Thứ năm: chớ giết người.
Thứ sáu: chớ làm sự dâm dục.
Thứ bảy: chớ lấy của người.
Thứ tám: chớ làm chứng dối.
Thứ chín: chớ muốn vợ chồng người.
Thứ mười: chớ tham của người.
Mười điều răn ấy tóm về hai này mà chớ: Trước kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự. Sau lại yêu người như mình ta vậy. Amen.
Ý NGHĨA
Đây nói chung là tóm tắt đạo cũ Môsê, có thay đổi chút ít, thí dụ thứ ba, không phải là giữ ngày Sabát mà là ngày Chủ Nhật kỷ niệm Đức Giêsu sống lại, và về cuối có tóm mười điều thành hai, có chỗ Đức Giêsu bảo hai điều ấy giống nhau chỉ thành một: là mến Chúa yêu người.
Sau đây chúng ta thấy giữ mười điều răn Đức Chúa Trời là chưa đủ. Thí dụ, thứ bẩy: chớ lấy của người. Tôi có thể suốt đời không lấy của ai, mà chưa đạt ý Chúa. Bởi vì: chớ lấy của người còn là đạo cũ, đạo mới đòi không những không được lấy của ai, mà còn phải cho kẻ đói ăn, kẻ khát uống, kẻ rách rưới ăn mặc. Về điều răn thứ tám cũng vậy: không những không làm chứng dối, mà còn phải làm chứng cho sự thật.
Khi Đức Giêsu nói về mười điều răn này là Chúa trả lời cho một người luật sĩ hỏi Người về đạo cũ, Người trả lời cho biết về đạo cũ, chưa phải là đạo mới của Người, đạo mới không phải là yêu người như mình ta vậy, mà là yêu người, yêu tha nhân như yêu Chúa.
 
31. Kinh Sáu Sự Răn
 
Hội Thánh có sáu điều răn:
Thứ nhất: Dâng lễ ngày chủ nhật cùng các ngày lễ buộc.
Thứ hai: Chớ làm việc xác ngày chủ nhật cùng các ngày lễ buộc.
Thứ ba: Xưng tội trong một năm ít là một lần.
Thứ bốn: Chịu Mình Thánh Đức Chúa Giêsu trong mùa Phục  Sinh.
Thứ năm: Giữ chay những ngày Hội Thánh buộc.
Thứ sáu: Kiêng thịt ngày thứ sáu cùng những ngày khác Hội Thánh dạy.
Ý NGHĨA
Giáo Hội đề ra sáu điều cụ thể, yêu cầu tín hữu giữ, chung cho tín hữu toàn cầu. Vì là cụ thể nên có điều cần tùy cơ ứng biến, do Hội Đồng Giám Mục mỗi nước quyết định theo tình hình mỗi nơi: thí dụ do hoàn cảnh giáo dân nghèo không thể kiêng việc phần xác như luật dạy, thì được tha hay làm một việc khác bù vào. Việc kiêng thịt ngày thứ sáu cũng thế, có những nơi ngày lễ buộc được chuyển sang ngày Chủ nhật gần đấy cho giáo dân tiện giữ kẻo nặng nề quá... Nói chung đây là những điều rất khôn ngoan, Giáo Hội có hai nghìn năm kinh nghiệm, ta cần tôn trọng mà giữ gìn cho đúng.
 
32. Kinh Bảy Phép Bí Tích
 
Đạo Đức Chúa Chúa Trời có bảy phép Bí Tích:
Thứ nhất là phép Rửa Tội.
Thứ hai là phép Thêm Sức.
Thứ ba là phép Mình Thánh Chúa.
Thứ bốn là phép Giải Tội.
Thứ năm là phép Xức Dầu Thánh.
Thứ sáu là phép Truyền Chức Thánh.
Thứ bảy là phép Hôn Phối.
Ý NGHĨA
Trong số bảy phép bí tích này, phép Rửa Tội là phép cần thiết nhất, là cửa ngõ dẫn vào cho các bí tích khác. Đặc biệt phép Rửa ghi ấn tín làm con cái Chúa suốt đời, ghi dấu ấn tín kể cả khi mình không có ý thức lĩnh nhận phép ấy, ơn phép bí tích này được ghi và hoạt động vì phép bí tích được làm, không chủ yếu do tình trạng ý thức người nhận. Một mặt bây giờ ta nhận phép thanh tẩy rồi, ta cần ngày càng hiểu phép ấy hơn để bí tích sinh ơn ngày càng dồi dào phong phú. Mặt khác, ta sẽ cầu mong và hoạt động để thêm người lĩnh nhận bí tích ấy.
Bảy phép bí tích như một chùm nến nhiều màu, mỗi bí tích sinh ơn đặc thù có màu sắc khác nhau cho đời sống con người Công giáo. Như một dòng sông ơn thiêng có bảy nhánh, tưới cho các hoạt động khác nhau của Dân Chúa.
 
33. Kinh Mười Bốn Mối
 
Thương người có mười bốn mối, thương xác bảy mối:
Thứ nhất: cho kẻ đói ăn.
Thứ hai: cho kẻ khát uống.
Thứ ba: cho kẻ rách rưới ăn mặc.
Thứ bốn: viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc.
Thứ năm: cho khách đỗ nhờ.
Thứ sáu: chuộc kẻ làm tôi.
Thứ bảy: chôn xác kẻ chết.
Thương linh hồn bảy mối:
Thứ nhất: lấy lời lành mà khuyên người.        
Thứ hai: mở dạy kẻ mê muội.
Thứ ba: yên ủi kẻ âu lo.
Thứ bốn: răn bảo kẻ có tội.
Thứ năm: tha kẻ dể ta.
Thứ sáu: nhịn kẻ mất lòng ta.
Thứ bảy: cầu cho kẻ sống và kẻ chết.
Ý NGHĨA
Bảy mối thương xác, bảy mối thương linh hồn.
Đọc thương xác bảy mối ta thấy ngay là kinh này là năm mối đầu lấy ra từ Phúc Âm theo Thánh Mát-Thêu từ Lời Đức Giêsu khi nói về cuộc phán xét cuối cùng (cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc, cho khách đỗ nhờ), còn mối cuối cùng lấy của chuyện ông Tô-bít. Ông Tô-bít ngoài những việc cho kẻ đói ăn, cho kẻ rách rưới ăn mặc, còn chôn xác đặc biệt của đồng bào mình bị sát hại trong cảnh lưu đầy. Về việc chuộc kẻ làm tôi đòi nô lệ, thì là một thói quen trong Giáo hội thời nô lệ xưa, riêng thời Hồi Giáo hay bắt người Công giáo làm tù binh và nô lệ. Ngày nay, người đói còn nhiều, người rách cũng rất nhiều, người bệnh tật có lẽ lắm hơn xưa, người tù đầy cũng thế, kẻ làm tôi thì có lắm kiểu mới oái oăm lắm. Trong Giáo hội luôn khuyến khích ta làm những việc lành ấy, chúng ta hiện rất kém về phương diện này, cần bổ khuyết ngay. Những trẻ em lang thang, những cụ già bị bỏ rơi, những người tàn tật đủ thứ. Điều cần chú ý là khi làm như thế, phải nhớ, như Lời Chúa dạy, là làm cho chính Chúa đấy.
Thương linh hồn bảy mối: 
Đây là những điều mà chúng ta ai cũng có thể làm được, mà làm được hàng ngày. Ai cũng có thể lấy lời lành mà khuyên người, nhất là ngày nay nhiều kẻ hay quyến rũ làm điều xấu, ta phải can đảm nhạy bén hướng người khác về đường lành; nhiều kẻ khác do không biết bị mắc lừa, ta cần cho người ta biết. Hiểu biết là một điều quan trọng, giúp cho người ta hiểu biết, mở mắt cho người mù trí khôn, đó là một việc thiện lớn lao. Xung quanh ta, những người lo âu, buồn sầu, thường cô đơn, bị quên, bị bỏ rơi, những người tội lỗi bị khinh chê, ruồng bỏ, nhiều khi bị lương tâm cắn rứt không ai bảo ban, không biết cách bảo ban, nên cứ lún sâu hơn nữa vào sự tội, cần có người bảo ban khuyên nhủ. Có hai điều nữa Phúc Âm nói đến nhiều, là tha kẻ dể ta, nhịn kẻ mất lòng ta. Đây là những nhân đức đặc biệt Kitô Giáo. Vả lại Chúa đã bảo: không tha cho anh em thì Chúa cũng chẳng tha cho đâu.
 
34. Kinh Cải Tội Bảy Mối Có Bảy Đức
 
Cải tội bảy mối có bảy đức:
Thứ nhất: khiêm nhường, chớ kiêu ngạo.
Thứ hai: rộng rãi, chớ hà tiện.
Thứ ba: giữ mình sạch sẽ, chớ mê dâm dục.
Thứ bốn: hay nhịn chớ hờn giận.
Thứ năm: kiêng bớt, chớ mê ăn uống.
Thứ sáu: yêu người, chớ ghen ghét.
Thứ bảy: siêng năng việc Đức Chúa Trời, chớ làm biếng.
Ý NGHĨA
Trong đạo dạy có bảy mối tội đầu, nghĩa là tội gốc đẻ ra tội khác, là: Kiêu ngạo, hà tiện, dâm dục, hờn giận, mê ăn uống, ghen ghét, làm biếng. Ta hãy chú ý đến các tội này.
Kiêu ngạo: Cho mình hơn người khác, đưa mình lên, đề cao bản thân, khinh chê người ta, nói xấu, dèm pha, đè bẹp người khác. Kiêu ngạo đẻ ra nhiều thứ tội tương tự. Để chữa bệnh kiêu căng ấy, Giáo hội dạy phải học sống khiêm nhường.
Tội hà tiện: Mà theo Thánh Phao-lô cho là một thứ thờ ngẫu tượng, vì quá trọng tiền nong của cải, coi của cải như một thần, một ngẫu tượng: keo kiệt, khắt khe, nghi ngờ người ta lấy của mình, coi trọng của hơn người, tham lam, thiếu lòng bác ái, trong lòng dạ lúc nào cũng nghĩ đến của cải, coi vật chất hơn cả cha mẹ anh chị em. Để chữa bệnh hà tiện ấy, Giáo hội dạy ta phải ăn ở rộng rãi, quảng đại với anh chị em.
Dâm dục: Đúng là một tội hàng đầu, phá hoại con người, gia đình, xã hội. Ngày nay người ta nói đến mại dâm, đến căn bệnh thể kỷ, cãi cọ trong gia đình, gia đình tan tác, đến ly dị, trẻ con bụi đời vì cha mẹ bỏ nhau chẳng ai nuôi, chẳng ai dạy. Giáo hội mong muốn các Kitô hữu  phải sống trong sạch, khiết tịnh, trung thành trong các gia đình.
Tội hờn giận: Giận giỗi, giận dữ, nóng nảy, mắng chửi, rủa xả, ầm ĩ, đập  phá. Một loạt tội đi với nhau, tội nọ đẻ ra tội kia, như một chuỗi, cả họ hàng hang hốc lũ lượt lôi cuốn nhau. Để chữa bệnh hờn giận ấy, Giáo hội dạy phải biết nhịn nhục.
Tội mê ăn uống: Coi miếng ăn hơn cả con người, coi ly rượu hơn cả vợ con, không có ăn thì mắng mỏ ầm ĩ, không có rượu uống thì đập phá, bán cả đồ đạc trong nhà để mà ăn mà uống, vì miếng ăn mà phản thầy phản bạn, phản quốc hại dân, tham ô, trộm cắp, giết người cướp của để có ăn có uống, say sưa rồi dẫn đến đánh đấm hung tặc, đến dâm dục đồi bại. Đây cũng thế, xem mê ăn uống đúng là một tội đầu gốc dẫn đến bao tội khác. Giáo hội khuyên giáo hữu lấy tính kiêng bớt mà chữa tội này.
Tội ghen ghét: Là tội thù hằn, căm thù, ghét bỏ, muốn tiêu diệt đối phương, ít nhất là diệt khỏi lòng mình. Đó thật là tội ngược lại với Chúa Tình Yêu, một trong những tội nặng nhất: yêu tha nhân như chính mình. Giáo hội dạy lấy lòng yêu người mà thắng nó.
Tội làm biếng: Không những về những việc đạo, mà trong mọi phạm vi cuộc sống. Lười biếng lao động, lười biếng các việc lớn nhỏ gia đình, lười biếng chăm sóc cha mẹ hay người thân khác cả khi khỏe, nhất là khi ốm, lười dạy dỗ con cái phần hồn phần xác, lười biếng việc xứ họ đạo, việc dân làng, xã hội “và tất nhiên quan trọng nhất là việc đạo đức: đi nhà thờ, đi lễ, đi cầu nguyện, lãnh nhận các bí tích", gọi tóm là việc Đức Chúa Trời. Giáo hội lấy nhân đức siêng năng mà chữa căn bệnh này.
 
38. Kinh Phúc Thật Tám Mối

Phúc thật tám mối:
Thứ nhất: ai có lòng khó khăn, ấy là phúc thật, vì chưng Nước Đức Chúa Trời là của mình vậy.
Thứ hai: ai hiền lành, ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được đất Đức Chúa Trời làm của mình vậy.
Thứ ba: ai khóc lóc, ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được yên ủi vậy.
Thứ bốn: ai khao khát nhân đức trọn lành, ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được no đủ vậy.
Thứ năm: ai thương xót người, ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được thương xót vậy.
Thứ sáu: ai giữ lòng sạch sẽ, ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được thấy mặt Đức Chúa Trời vậy.
Thứ bảy: ai làm cho người hoà thuận, ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời vậy.
Thứ tám: ai chịu khốn nạn vì đạo ngay, ấy là phúc thật, vì chưng Nước Đức Chúa Trời là của mình vậy.
Ý NGHĨA
Đây là kinh tiêu biểu nhất cho tinh thần Phúc Âm, rất khác tinh thần không những người đời, mà cả các tôn giáo tự nhiên, cả đạo cũ Môsê. Nghe thì rất ngược đời, nhưng thật là rất cao siêu sâu sắc, cần suy niệm kỹ mới thấy.
Có lòng khó khăn là phúc: Người đời thì bảo giàu có là phúc, theo Chúa thì bảo không đúng. Giàu mà ác, mà xấu, giàu do bóc lột tham nhũng, thì trước sau cũng bị khốn. Giàu có trong khi bao nhiêu người nghèo khổ thì tốt thế nào được. Sống phù hoa trên lưng những khốn cùng của người khác thì gọi là phúc thế nào được. Phải là kẻ có lòng khó khăn, nghĩa là có tinh thần nghèo khó, làm chủ của cải, dùng của cải làm công ích, xây dựng phúc đức rộng rãi, xây dựng nước trời, thì bấy giờ mới là phúc thật, và được Nước Đức Chúa Trời làm gia nghiệp.
Ai hiền là phúc: Người đời thì bảo ai mạnh, ai hung tặc, ai binh hùng tướng mạnh thì chiếm được trái đất, theo Chúa bảo thì không đúng. Lịch sử chứng minh: bao nhiêu kẻ hung tặc đã thất bại thảm hại. Chỉ có sự hiền hòa mới chiếm được lòng người, từ đáy lòng người, sẽ được trái đất làm gia nghiệp.
Ai khóc lóc là phúc: Người đời thì bảo: ai cười ha hả thì phúc, theo Chúa bảo thì không đúng. Một là trước mặt ta còn bao đau thương, bất công, xấu xa, cười ha hả thế nào được. Phải khóc lóc, phải đau buồn vì cái cảnh tượng ấy, để rồi cố gắng thay đổi nó đi. Hai là phải tin rằng Chúa thương riêng những người đang chịu cảnh khóc lóc ấy, mà giúp họ đổi thay, nghĩa là xây dựng Nước Trời, Chúa sẽ an ủi họ.
Ai khao khát sự công chính là phúc: Công chính trước mặt người đời, bao gồm sự công bằng và sự trung thực trong cuộc sống. công chính trước mặt Chúa là sự thánh thiện giữ giới luật Người. Ai khao khát sự ấy, lòng luôn hướng, đời luôn hoạt động theo hướng ấy, thế thì là phúc thật. Sự khao khát ấy sẽ được Chúa đáp trả, lòng khao khát ấy sẽ được thưởng công và sẽ được no thỏa tràn trề. Chúa sẽ là gia nghiệp của họ.
Thương xót người là phúc: Có những kẻ chẳng thương xót ai: thấy người nghèo khó cứ mặc, thấy kẻ sầu khổ trong tâm hồn cũng kệ. Nhưng kẻ biết thương xót, thấy những cảnh như thế thì thương xót và xót trong lòng rồi dẫn đến giúp đỡ, thế thì Chúa bảo là phúc thật. Và Chúa sẽ thương xót kẻ ấy đời này và đời sau.
Sống tâm hồn trong sạch là phúc: Con người thanh khiết thì tâm hồn trong sáng, con mắt trong sáng thấu lòng người, thấu tới trời và nhìn thấy Chúa, Chúa bảo: thế là phúc thật. Con người nhơ bẩn thì mắt đã mờ đi chẳng trông thấy gì là thật là đúng nữa. Như kẻ đeo kính râm thì mọi sự đều đen.
Gây dựng hòa bình là phúc: Chúa bảo thế là phúc thật và được gọi là con cái Thiên Chúa. Còn kẻ xúi dục chia rẽ, đâm bị thóc chọc bị gạo, gây bất hòa, ở bất cứ phạm vi nào chỉ có thể là con cái quỉ dữ.
Chịu khốn nạn vì đạo ngay là phúc: Ta hiểu ngay đến các Thánh Tử Đạo, đúng là các Ngài được phúc. Các Ngài tin và hiểu biết như thế, nên ngay lúc ấy Chúa đã cho được hưởng phúc. Ta thấy các Ngài hân hoan đón phúc tử đạo.
Không cần nói đến các Thánh Tử Đạo, ngay chúng ta, đôi khi ta được chịu khốn nạn vì đạo ngay, một tí thôi, thế mà ta cũng cảm thấy được phúc rồi đấy. Thực sự, chịu khổ vì đạo ngay, chính là chịu khổ vì Chúa. Chúa đã chịu khổ vì ta, ta chịu khổ vì Chúa là hạnh phúc thật rồi.
 
NGẮM
 
NĂM SỰ VUI
Thứ nhất thì ngắm: Thiên Thần truyền tin cho Đức Bà chịu thai, ta hãy xin cho được ở khiêm nhường.
Thứ hai thì ngắm: Đức Bà đi viếng Bà Thánh I-sa-ve, ta hãy xin cho được lòng yêu người.
Thứ ba thì ngắm: Đức Bà sinh Đức Chúa Giêsu nơi hang đá, ta hãy xin cho được lòng khó khăn.
Thứ bốn thì ngắm: Đức Bà dâng Đức Chúa Giêsu trong trong Đền Thánh, ta hãy xin cho được vâng lời chịu luỵ.
Thứ năm thì ngắm: Đức Bà tìm được Đức Chúa Giêsu trong Đền Thánh, ta hãy xin cho được giữ nghĩa cùng Chúa luôn.
 
NĂM SỰ THƯƠNG
Thứ nhất thì ngắm: Đức Chúa Giêsu lo buồn đổ mồ hôi máu, ta hãy xin cho được ăn năn tội nên.
Thứ hai thì ngắm: Đức Chúa Giêsu chịu đánh đòn, ta hãy xin cho được hãm mình chịu khó bằng lòng.
Thứ ba thì ngắm: Đức Chúa Giêsu chịu đội mạo gai, ta hãy cho được chịu mọi sự sỉ nhục bằng lòng.
Thứ bốn thì ngắm: Đức Chúa Giêsu vác cây Thánh Giá, ta hãy xin cho được vác Thánh Giá theo chân Chúa.
Thứ năm thì ngắm: Đức Chúa Giêsu chịu chết trên cây Thánh Giá, ta hãy xin cho đựoc đóng đánh tính xác thịt con vào Thánh Giá Chúa.
 
NĂM SỰ MỪNG
Thứ nhất thì ngắm: Đức Chúa Giêsu sống lại, ta hãy xin cho được sống lại về phần linh hồn.
Thứ hai thì ngắm: Đức Chúa Giêsu lên trời, ta hãy xin cho được ái mộ những sự trên trời.
Thứ ba thì ngắm: Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống, ta hãy xin cho được lòng đầy dẫy mọi ơn Đức Chúa Thánh Thần.
Thứ bốn thì ngắm: Đức Chúa Trời cho Đức Bà lên trời, ta hãy xin cho được ơn chết lành trong tay Đức Mẹ.
Thứ năm thì ngắm: Đức Chúa Trời thưởng Đức Mẹ trên trời, ta hãy xin Đức Mẹ cho ta được hưởng cùng Đức Mẹ trên trên Nước Thiên Đàng.
 
NĂM SỰ SÁNG
Thứ nhất thì ngắm: Đức Chúa Giêsu chịu Phép Rửa tại sông Gio-đan. Ta hãy xin cho được sống xứng đáng làm con Chúa.
Thứ hai thì ngắm: Đức Chúa Giêsu làm phép lạ tại tiệc cưới Ca-na. Ta hãy xin cho được noi gương Đức Mẹ mà vững tin vào Chúa.
Thứ ba thì ngắm: Đức Chúa Giêsu rao giảng Nước Trời và kêu gọi sám hối. Ta hãy xin cho được vững tin vào lòng Chúa thương xót và siêng năng lãnh nhận Bí Tích Giao Hoà.
Thứ bốn thì ngắm: Đức Chúa Giêsu biến hình trên núi.  Ta hãy xin cho được biến đổi nhờ Chúa Thánh Thần.
Thứ năm thì ngắm: Đức Chúa Giêsu lập Bí Tích Thánh Thể. Ta hãy xin cho được sốt sắng tham dự Thánh lễ và rước Mình và Máu Thánh Người.
Đức ông Quynh - Gp Hải Phòng




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Ngày thành lập Giáo Hội Việt Nam 09/9/1659?
Ngày thành lập Giáo Hội Việt Nam 09/9/1659?
Nữ tu Marie Fiat Trần Thị Tuyết Mai, Hội dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm phỏng vấn Cha Maurice Vidal, chuyên viên Giáo hội học về đề tài liên quan đến buổi đầu của Giáo hội Việt Nam với sự bổ nhiệm hai vị Đại diện Tông tòa tiên khởi.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log