Thứ tư, 18/09/2024

Giải Đáp 100 Vấn Nạn Về Đức Tin (12 - 32)

Cập nhật lúc 10:41 03/02/2018

(100 QUESTIONS SUR LA FOI – JEAN-MICHEL DI FALCO / Centurion 1993) 


II.


12- Thưa Cha, theo Kinh Thánh, Thiên Chúa đã tạo dựng Ađam và Eva để sinh nở khắp cùng mặt đất. Cốt truyện nầy co thể tin được không? Giáo Hội nghĩ gì về thuyết tiến hóa của Darwin?

Trước hết, bạn nên nhớ rằng Kinh Thánh bao gồm nhiều tác phẩm khác nhau, được biên soạn trong nhiều thế kỷ. Những tập sách khác nhau nầy tường thuật việc Thiên Chúa từ từ thành lập một dân riêng, để yêu mến Ngài và theo chân Ngài trong suốt cuộc hành trình trên dương thế. Các cốt truyện đều mang những sắc thái văn chương riêng biệt của từng thời kỳ. Vì vậy, không thể đọc cốt truyện trong sách Sáng Thế, cũng như các cốt truyện khác, theo sát mặt chữ. Cốt truyện liên quan đến Ađam và Eva đề cao sự thống nhất của nhân loại và nguồn gốc của mọi người.
 
Giáo Hội đã ghi nhận những khám phá khoa học của thế kỷ XX nhằm làm sang tỏ quá trình phát triển trong vũ trụ, trong thế giới động vật và trong thế giới nhân sinh. Điều đó hoàn toàn không phương hại gì đến ý niệm về sự tạo dựng của Thiên Chúa, ngay vào bước khởi đầu của quá trình phát triển, mà còn tạo them ý nghĩ và phương hướng cho vấn đề đó.
 
Đức tin và khoa học, mỗi bên có cách đặt vấn đề khác nhau. Sách Sáng Thế quan tâm đến vấn đề “tại sao”, theo nghĩa của mỗi sự việc. Khoa Học đặt vấn nạn “bằng cách nào”, truy tìm những quy luật thống trị vũ trụ. Đức Tin không thể và cũng không nên chối bỏ Khoa Học, hay ngược lại.
 
13- Thưa Cha, danh xưng của Thiên Chúa trong Kinh Thánh là gì?
 
Trong sách Xuất Hành, chương 3, Thiên Chúa sai Môsê đi làm nhiệm vụ. Môsê thưa với Chúa: “Con phải dung danh nào để nói về Chúa cho dân Israel”. Thiên Chúa đáp lại: “Người nói với con cái Israel thế này: “Chúa (….) sai tôi đến với anh em” (câu 15). Thực ra, danh xưng “Chúa” được phiên âm từ tiếng Do Thái thành Giavê. Nhưng vì tôn kính tính siêu việt của Thiên Chúa, tín hữu Do Thái không phát âm danh xưng đó. Để thế lại, họ dung từ Adonai theo ngôn-ngữ hy- bá- lai, dịch thành “Kyrios” theo hy ngữ và có nghĩa là “Chúa”.
 
14- Thưa Cha, phải hiểu theo nghĩa nào, tiếng “nghèo” trong Kinh Thánh?
 
Nên phân biệt hai nghĩa. Trước hết, người nghèo, như người đàn bà góa và kẻ mồ côi, là người bần cũng cần được giúp đỡ (Sách Lê- vi, chương 19, câu 1; Đệ Nhị Luật, chương 15, câu 7- 11). Còn người nghèo, trong Cựu Ước và Tân Ước, ám chỉ kẻ khiêm nhu trong lòng, biết từ bỏ mọi sự dư thừa, như “người khiêm nhu trên trần gian” đang thực thi luật Chúa của tiên tri Sophônia (chương 2, câu 3).
 
Bản thân Chúa Kitô đã sống cuộc đời của người nghèo. Ngài mời gọi những ai muốn theo Ngài nên sống như vậy… Điều đó, các Tông đồ đã nghiêm chỉnh chấp hành khi từ bỏ mọi của cải và nghề nghiệp. Cái nghèo nầy không vì bất đắc dĩ, mà được đón nhận như hệ quả của việc lựa chọn, việc dấn than. Đối với cậu thanh niên giàu có muốn sống đời thiện hảo, Chúa Kitô đề nghị nên bán hết gia sản để được kho báu trên trời (Mátthêu 19,21). Và trong các mối phúc thật, Chúa Kitô hứa ban nước Trời cho những người nghèo “phúc cho những ai khó nghèo tại tâm, vì Nước Trời là của họ” (Mátthêu 5,3).
 
15- Thưa Cha, Pharisiêu là gì?
 
Ngày nay, từ ngữ này trở nên thông dụng: Pharisiêu chỉ một con người khoe khoang cách giả dối nhân đức và lòng mộ đạo của mình. Vào thời Chúa Giêsu, có nhiều người pharisiêu rất đạo đức, cẩn thận giữ Lề Luật như kỷ cương cho cuộc sống. Họ quan tâm nghiên cứu học hiểu Luật và tích cực trung thành tuân giữ. Trái ngược với người sađốc, người pharisiêu tin vào sự sống lại. Dân chúng rất trọng vọng họ. Còn người sađốc xuất thân từ những gia đình quý tộc, thuộc hàng tư tế, phục vụ Đền thờ, thường lại cộng tác đắc lực với chính quyền đô hộ. Người Pharisiêu tự chuốc lấy những lời chỉ trích của Chúa Giêsu, Ngài phê phán họ quá chăm chú vào từng nét, từng chữ trong Kinh Thánh và chê trách vài người trong họ hay phô trương, thậm chí giả dối trong mọi hành vi đạo đức.
 
16- Thưa Cha, các con số tượng trưng trong Kinh Thánh có ý nghĩa gì? Ví dụ như số 666 trong sách Khải Huyền?
 
Việc sử dụng các con số trong Kinh Thánh thường mang một ý nghĩa thần học. Ví dụ 7 là con số thánh như sự toàn hảo của Thiên Chúa (Thiên Chúa dựng nên vũ trụ trong 7 ngảy); số 6 là con số của loài người (con người được tạo dựng vào ngày thứ 6); và hai lần 6=12, là con số của Dân Chúa (có 12 chi tộc Israel, mười hai tong đồ vì ngay cả khi Giuđa chết, các tông đồ chọn Mátthias thay thế Giuđa).
 
Các con số 666 xuất hiện trong sách Khải huyền (13,18), Thánh Gioan viết rằng: “Đây là lúc cần phải có sự khôn ngoan. Ai có trí thông minh hãy tính ra số của tên Con Thú, vì đó là số của tên một người, và số của tên người ấy là sáu trăm sáu mươi sáu.
 
Để hiểu ý nghĩa của con số đó, ta nên nhớ rằng, sách Khải huyền được viết trong thời kỳ loạn lạc và các Kitô hữu bị quân La Mã bách hại. Con vật tượng trưng thế lực, cường quyền mà con người sử dụng hòng chống lại Thiên Chúa. Vài nghiên cứu còn đi xa hơn, theo tiếng hy- bá- lai, mỗi chữ cái được cấp cho một chữ số, phù hợp với vị trí của nó trong mẫu tự. Như vậy, khi ta đem cọng các chữ số của một danh xưng, ta có được một con số. 666, là số tổng cộng phù hợp với danh xưng Néron.
 
17- Thưa Cha, khi đọc Tin Mừng, ta thường gặp dụng ngữ “Nước Thiên Chúa”. Ý nghĩa chính xác của dụng ngữ này là gì?
 
Nước Thiên Chúa là một hình ảnh diễn đạt sự hiện diện, tác động của Thiên Chúa trên dân Ngài. Đó không phải là một phần thưởng để dành sau khi chết. Nếu nước Thiên Chúa chưa đến, thì nước ấy hiện diện đây rồi. Điều đó có nghĩa là gì? Một phần, nên biết rằng nước Chúa chỉ đến vào ngày tận thế. Các môn đệ hỏi Chúa Giêsu khi nào Ngài mới thiết lập nước Ngài (Cv 1,6). Chúa Giêsu trả lời: “Các con không được biết ngày và giờ mà quyền năng Cha ta đã định”. Nhưng mà, phần khác, Chúa Giêsu loan báo rằng Nước Thiên Chúa đã bắt đầu: “Tin Mừng của Nước Trời được loan truyền, ai cũng phải cố gắng hết sức mới vào được”. (Lc 16,16).
Chúng ta có thể nói rằng chúng ta sẽ biết nước Thiên Chúa khi Ngài tự tỏ mình ra cho mọi người, trong sự sung mãn của Ngài. Trong khi chờ đợi, chúng ta tích cực làm cho nước Thiên Chúa mau đến, không cần phô trương ồn ào, nhưng bằng một đời sống mới, đời sống thiêng liêng.
 
Giáo Hội được Chúa Giêsu thiết lập là chủ thể của Nước Thiên Chúa đang đến. Để giải thích điều đó cho các môn đệ, Chúa Giêsu dung dụ ngôn: “Nước Thiên Chúa giống như người kia gieo giống tốt trong ruộng mình”, “Nước Thiên Chúa còn giống như lưới bắt cá” (Mt 13). Tất cả các dụ ngôn đều đề cao sự tác động không ngừng của Thiên Chúa và sự hoán cải mà con người cần có để được đón nhận vào Nước Thiên Chúa.
 
18- Chúa Ba Ngôi là gì? Làm sao hiểu được? Làm sao tin được?
 
Chính Thêôphilê ở Antiôkia, vào khoảng năm 180, đã dùng từ “Ba Ngôi” để diễn tả mầu nhiệm Thiên Chúa cho các tín hữu.
 
Nên hiểu “mầu nhiệm” theo nghĩa thần học ”mầu nhiệm là một thực tạo không thể giải thích bằng lý lẽ, nhưng được Thiên Chúa mặc khải để cho con người hiểu biết nhờ đức tin”.
Quả thực, từ “Ba Ngôi”, ở số ít, chỉ định rõ ràng chỉ có một Thiên Chúa duy nhất cho mọi tín hữu. Theo nguyên ngữ (từ số con số ba theo nghĩa hy ngữ) thì sự duy nhất không có nghĩa là một khối chặt chẽ: đó là sụ duy nhất tình yêu giữa Ba Ngôi cũng một bản tính, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
 
Giáo lý về Ba Ngôi Thiên Chúa được hình thành từ đầu thế kỷ thứ II và trong thế kỷ thứ III, để giúp đỡ các tín hữu, bởi vì lúc bấy giờ, chỉ nhờ vào một đức tin hết sức chân chất mà các tín hữu đầu tiên kinh nghiệm được sự hiện diện của Thiên Chúa Ba Ngôi, đơn nhất trong Ba Ngôi Vị.
 
19- Điều gì đã xẩy ra sau khi Chúa Giêsu Kitô chịu chết? Có chúng cứ về Chúa sống lại không? Có thể là Kitô hữu mà không tin vào sự sống lại không?
 
Không ai có thể là Kitô hữu mà không tin vào việc Chúa Kitô sống lại.
Như Thánh Phaolo đã nói, nếu Chúa Kitô không sống lại, thì đức tin của tôi hóa nên vô ích. Sụ Phục Sinh của Chúa Giêsu là trung tâm điểm của Đức tin chúng ta. Bước theo Chúa Giêsu, chúng ta được mời gọi, sau khi chết, tiến đến cuộc sống tình yêu của Chúa Cha. Các sách Tin Mừng không kể lại điều gì đã xảy ra đúng vào lúc Chúa Giêsu sống lại. Các Thánh sử chỉ tường thuật: vào sáng sớm Phục Sinh, các phụ nữ, rồi các tông đồ, chạy đến mộ Chúa như thế nào và họ thấy mộ Chúa trống rỗng. Chúa Giêsu hiện ra sau đó cho Bà Mađalêna với dáng vẻ người làm vườn, rồi Chúa lại hiện ra cho các môn đệ trên đường Emmaus và cho nhiều môn đệ khác nữa.
 
Các đoạn Tin Mừng tường thuật lại những cuộc hội ngộ này là bài học phong phú cho đức tin của chúng ta. Nếu đọc cho thật kỹ, chúng ta sẽ khám phá ra rằng không phải các tông đồ hay các chị phụ nữ đi tìm Chúa Giêsu để nhận ra Ngài đang sống. Chính Ngài hiện ra cho họ. Thoạt đầu, không ai nhận biết Ngài. Chính Chúa Giêsu nhắc lại những sự kiện đã xảy ra trong đời Ngài, gợi lại cái chết của mình dưới ánh sáng Thánh Kinh, tham dự bữa ăn, bẻ bánh. Chính nhờ lời nói và việc làm của Ngài mà họ nhận biết Ngài. Lúc bấy giờ, mọi việc đều rõ. Họ tin. “Lúc bấy giờ, mắt họ liền mở ra và nhận biết Ngài” (Lc 24,31). Tất cả các môn đệ nhận biết Chúa Giêsu đang sống, và chính Ngài sai họ đi loan báo Tin Mừng.
 
Không có những chứng cớ hiển nhiên về sự phục sinh của Chúa Kitô, nhưng việc đó là có thực đối với tất cả những ai tin vào các chứng nhân của Chúa Kitô và vào lời họ nói. Các chứng nhân này đã thông truyền cho mọi người biết cuộc hội ngộ của họ với Đấng phục sinh. Trong sách Phúc Âm, thánh Tôma đã muốn kiểm chứng việc Chúa Giêsu sống lại bằng cách sờ vào các dấu thánh. Chúa Kitô khuyến cáo ông: “Phúc cho ai không thấy mà tin”. Điều này áp dụng cho chúng ta, hai ngàn năm sau.
 
20- Thưa cha, Thiên Chúa đã dựng nên muôn vật, còn ai tạo nên bao nỗi bất hạnh?
 
Kitô hữu không phải là người theo thuyết nhị nguyên. Họ tin rằng Thiên Chúa tạo dựng nên điều thiện, đồng thời, lại có một đấng quyền năng tương đương, tạo nên điều ác và điều bất hạnh. Thiên Chúa là Đấng tạo thành mọi sự.
 
Thế nhưng tại sao ta có thể quả quyết rằng Thiên Chúa là Tình yêu, nếu đồng thời, Ngài cũng là nguồn gốc sự dữ? Không khéo ta lại biện hộ cho Ngài vô tội khi ta tin vào Ngài. Nhưng mà, khi làm như vậy, ta sẽ lạc lối, sai lầm.
 
Thiên Chúa không dùng sự bất hạnh như một phương cách để ta đạt đến một điều tốt lành hơn; sụ bất hạnh càng không phải là một hình phạt, như bài học để ta nhớ đời. Vậy thì tự do của chúng ta là gì? Thế nhưng, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng sự bất hạnh có thể phát sinh từ sự tự do mà ta lạm dụng. Tất cả chúng ta đều phải chịu trách nhiệm về sự thiếu thân thiện, về tính ích kỷ, về sự bất công càng ngày gây khó khăn cho cuộc sống, đó là hậu quả tội lỗi của chúng ta.
 
Nhưng phải nói làm sao về những bất hạnh tự nhiên giáng xuống trên đầu chúng ta?
 
Thay vì chú tâm tìm cho ra lẽ, đức tin mời gọi người Kitô hữu nên đối phó trước sự dữ, trước nỗi bất hạnh mà bản chất thực là vô lý đó. Đối phó với mọi biểu hiện của chúng bằng nào có thể và vượt lên trên mọi thử thách bằng cách quả quyết rằng con người được dựng nên là để hưởng thụ hạnh phúc và niềm hoan lạc. Nên xem mỗi một nỗi bất hạnh như một cái chết chuẩn bị cho sự lìa bỏ cuộc đời. Để trở về với Thiên Chúa tình yêu, ta nên “dần dần từng bước hiến mạng sống mình”. Chính lúc trở nên cơ cực, mà ta càng có khả năng yêu thương.
 
21- Tại sao trên thế gian, cáo biết bao đau khổ và bất công? Trong chương trình của Thiên Chúa, Chúa Giêsu giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi. Vậy Thiên Chúa đã dựng nên kẻ xấu và con người phải chịu đau khổ sao? Còn gì là Thiên Chúa Tình Yêu, thưa cha?
 
Từ nguyên thủy, Thiên Chúa dựng nên chúng ta, không ác hiểm, mà cũng không phải để chịu đau khổ. Ngài dựng nên con người để tự do yêu thương Thiên Chúa. Chính con người đã quay mặt khỏi Thiên Chúa. Nếu Thiên Chúa sai Con Một mình đến, là để con người được cứu rỗi và để con người có thể biết dùng tự do của mình theo gương Chúa Kitô. Các sách Tin Mừng đều cho chúng ta biết rằng Tình Yêu Thiên Chúa có thể chiếng thắng sự dữ, chiến thắng cả sự chết. Nếu chúng ta chấp nhận dùng tự do, dùng cả đời mình để phục vụ tình yêu Thiên Chúa, thì chúng ta sẽ đẩy lùi hận thù, bất công, bất hạnh…, đẩy lùi tất cả mọi sự dữ đang làm cho con người kém tự do, kém nhân phẩm.
 
Tôi rất thông cảm nỗi bức xúc của bạn trước nỗi đau, tôi hiểu rằng trước nỗi đau thì ngàn lời nói, vạn lời minh giải cũng hóa ra vô ích. Chỉ có sự thinh lặng là đáng giá, và sự thinh lặng nầy có thể trở nên lời cầu nguyện, lời mời gọi trở về cùng Thiên Chúa.
 
22- Thưa Cha, người Công giáo có thể tin rằng mọi biến cố trong cuộc đời đều được Thiên Chúa biết trước, và như vậy, vượt ra khỏi ý muốn con người chăng?
 
Nhiều người đương thời với chúng ta thiên về chiêm tinh, bói toán, thần thông học, có khuynh hướng cho rằng con người bị lôi cuốn bởi quan niệm cuộc đời do những quyền lực ngoài tầm tay chúng ta định đoạt. Theo cách suy luận này, tương lai không thuộc về chúng ta, tương lai được định trước rồi, và những lời tiên đoán có thể cho chúng ta biết được kết cuộc.
 
Có quan niệm cho rằng Thiên Chúa có quyền tiền định mọi sự và chốt chặt con người trong một tương lai không thuộc quyền họ. Sách Sáng Thế mặc khải cho chúng ta nét căn bản của việc tạo dựng người nam và người nữ được Thiên Chúa tạo dựng theo hình ảnh của Ngài. Nhận biết điều này, quả là một kho báu đối với các Kitô hữu, bởi vì từ hình ảnh của Cha chúng ta trên trời mà chúng ta được tự do. Chúng ta có sứ mệnh dùng tự do này mà phục vụ muôn loài muôn vật.
Là những con người tự do, thì tiếp tục công việc của Đấng Hóa Công, đó là lý do vì sao Thiên Chúa dựng nên chúng ta. Chúng ta có bổn phận xây dựng cuộc sống mình như những con người có trách nhiệm. Tương lai nằm trong tự do của chúng ta. Nếu Thiên Chúa biết rõ kết cuộc thì Ngài cũng là một người Cha trân trọng tự do của con cái, không muốn chọn lựa thay cho chúng ta. Nhờ Con Một mình, Ngài cứu vớt chúng ta, Ngài tác động trên tự do của chúng ta khi chúng ta không biết giữ gìn nó. Cuộc sống của chúng ta được mang dấu ấn cứu chuộc như thế, quả là tuyệt vời!
 
23- Thưa Cha, từ lâu, con tự đặt câu hỏi về cùng đích đời mình, và nhất là, con tự hỏi làm cách nào, con có thể chuẩn bị đi đến cùng đích đó bằng việc làm và kinh nguyện? Xin Cha giúp con.
 
Đời là thế đấy”, đôi khi người ta nói như vậy về sự chết. Trong cụm từ ngắn gọn nầy, thâu tóm tất cả huyền nhiệm về thân phận con người mà Chúa Kitô đến làm sáng tỏ. Phải, đúng thế: chết là sống!
 
Qua suốt cả cuộc đời mình, chúng ta phải chuẩn bị để chết, không hoảng sợ, không buồn phiền. Trong Tin Mừng Thánh Mátthêu, (6,27), Chúa Kitô nói với chúng ta: “Dầu có lo lắng đi nữa, thì liệu có ai trong các con kéo dài cuộc sống của mình thêm được một vài gang tấc chăng?” Cách chuẩn bị tốt nhất, là sống theo gương Chúa Kitô, hướng về Chúa Cha và để Chúa Thánh Linh dẫn dắt. Bạn có thể suy gẫm chương 8 của thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma.
 
Được Tình Yêu Thiên Chúa chinh phục, bạn sẽ được nâng đỡ trong công việc. Yêu thương mà không cần tính toán: từ từ, bạn sẽ tiêu trừ tính ích kỷ nơi mình và sống đời sống mới. Như thế, sự chết sẽ không còn là “đối thủ” kết liễu đời bạn nữa, sự chết sẽ là sự vượt qua cần thiết dẫn đến một niềm tin hạnh phúc vĩ đại hơn.   Thánh Phanxicô Assisi, trong “Bài Ca Mặt Trời” đã hát như sau đây, trước hôm Ngài qua đời: “Chúc tụng Chúa, Lạy Chúa Trời con, vì người chị chúng con là cái chết thể xác mà không ai tránh khỏi. (…). Phúc thay những ai làm tròn thánh ý của Chúa, vì cái chết thứ hai sẽ không làm gì được họ”. Cái chết thứ hai, chính là sự xa lìa Thiên Chúa, bằng kinh nguyện và việc làm. Ngài chờ đợi bạn từ muôn thuở và Ngài đến để gặp bạn.
 
24- Thưa cha, Linh hồn là gì? Linh hồn có bất tử không?
 
Linh hồn là sinh khí của Thiên Chúa, hiện diện trong bản thể của chúng ta từ lúc thụ thai.
 
Theo dân Hy Lạp cổ xưa, hồn và xác đối nhau. Ngày nay, chúng ta chuộng một từ khác, từ “con người”, để chỉ hữu thể duy nhất được tạo thành từ điều mà dân Hy Lạp gọi là hồn và xác.
Chúng ta tin rằng sau khi chết, sự sống con người không bị hủy diệt, mà được biến đổi. Bên kia thế giới, điều tạo nên ta thành một bản thể duy nhất, sẽ giáp mặt với Thiên Chúa, và ta sẽ gặp lại tất cả mọi người đã ra đi trước chúng ta.
 
Giáo Hội không ngừng tin rằng con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và con người không bị thu hẹp vào một thân xác như con vật. Giáo Hội tin rằng, khi thân xác con người chết đi, con người vẫn sống và chờ đợi sự phục sinh của bản thân mình, gồm cả xác và hồn. Linh mục Phanxicô Varillion, trong quyển “Tin và vui sống”, nhắc nhở chúng ta nhớ rằng: “Không bao giờ có hồn mà không có xác, cũng như không bao giờ có xác mà không có hồn, xác và hồn cùng hiện hữu trong vũ trụ”.
 
25- Thưa Cha, có Hỏa Ngục không?
 
Khi tuyên xưng đức tin, các Ki tô hữu tin vào một Thiên Chúa tình yêu. Hỏa Ngục không phải là một hình phạt của Thiên Chúa. Hỏa Ngục là hậu quả của việc con người nhất định từ chối tình yêu Thiên Chúa. Việc từ chối này ngăn trở mối hiệp thông với Thiên Chúa.
 
Đặt vấn đề hiện hữu của Hỏa Ngục, tức là tự hỏi có thể nào có một sự từ chối như vậy không. Thiên Chúa muốn con người được tự do, đủ khả năng trả lời có hoặc không. Nhưng mà Giáo Hội không quyết đoán về vấn đề có những ai trong số anh chị em của chúng ta chối từ Thiên Chúa đến cùng, hay không. Chúng ta nên tin vào lòng từ bi vô cùng của Thiên Chúa. Dù tội lỗi đến đâu, lòng con người vẫn có thể rộng mở trước tình yêu của Cha trên trời.
 
26- Thưa cha, có thể nghĩ gì về luyện ngục? Kinh Thánh có nói gì về “Luyện Ngục không?
 
Khái niệm Thần học nầy không có trong Tân Ước.
 
Từ ngữ này có nghĩa là “làm cho sạch sẽ”, “tinh luyện”.
 
Từ những thế kỷ đầu tiên, các nhà thần học đã nói đến vấn đề này. Đến thế kỷ XVI, công đồng Trentô xác nhận và minh định tín lý về Luyện Ngục.
 
Ta có thể hiểu như thế này: mọi người đều sai lỗi, nhưng Thiên Chúa thì nhận hậu vô cùng. Vậy, con người cần phải qua một giai đoạn thanh tẩy để trở nên tình yêu như Thiên Chúa.
Sự hiện hữu của Luyện Ngục làm cho lời kinh cầu của các người quá cố trở nên có ý nghĩa. Sự phục sinh bắt đầu ngay khi chết, nhưng chỉ hoàn tất trong ngày cánh chung. Chúng ta có thể cầu nguyện cho những người đã qua đời và những người hiện sống quanh ta để Thiên Chúa đón nhận tất cả vào nước Ngài.
 
Luyện Ngục là một trạng thái hơn là một nơi chốn. Chúng ta không nên tưởng tượng nhiều và hình dung luyện ngục như một phòng đợi, ở đó linh hồn phải nhẫn nại chịu đựng ít nhiều thời gian để được đoàn tụ với Thiên Chúa. Nếu chúng ta tin rằng Thiên Chúa là Tình Yêu thì chúng ta nên nghĩ rằng chỉ có tình yêu mới có thể thiêu đốt chúng ta. Sự đau khổ của chúng ta chắc chắn sẽ là tự ý thức về những yếu hèn, về sự nhỏ mọn của chúng ta trước lòng nhận hậu bao la của Thiên Chúa.
 
27- Loài vật là những thụ tạo của Thiên Chúa, chúng vô tội. Chúng có sống lại sau khi chết không? Chúng ta sẽ gặp lại chúng ở thế giới bên kia không, thưa cha?
 
Truyền thống Kitô giáo không bao giờ công nhận loài vật có một phẩm giá ngang hàng phẩm giá con người. Con người là hữu thể duy nhất được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, là hữu thể duy nhất biết tự vấn về ý nghĩa cuộc đời mình.
 
Tuy nhiên, có rất nhiều đoạn Kinh Thánh nói về lòng nhân từ của Thiên Chúa đối với mọi loài thụ tạo, nhất là đối với loài vật. Thiên Chúa chúc lành cho chúng sau khi dựng nên chúng. Ngài nhớ đến chúng khi còn ở trong tàu Nôê. Cựu Ước còn bắt buộc đối xử tử tế với mọi vật, Thánh Phanxicô Assisi thường tỏ ra như người bạn thân của các con vật, ngài còn trò chuyện với chúng, thậm chí còn luyện tập chúng ca ngợi tôn vinh Thiên Chúa.
 
Tình thân hữu của Thiên Chúa và của loài người dành cho loài vật, có tạo cho chúng sự sống sau khi chúng đã chết không? Không có chứng tích nào trong Kinh Thánh, cũng như trong Tông Truyền, cho phép xác quyết điều đó. Tân Ước cũng không nói gì về sự sống lại của sự vật. Trong thư gửi tín hữu Rôma (8,19- 21), thánh Phaolô đã viết: “Loài thụ tạo (….) cũng sẽ được giải phóng khởi ách nô lệ hư nát, để dự phần vào tự do và vinh quang con cái Thiên Chúa”. Đó cũng là gợi ý nằm trong câu kết của Kinh Tạ Ơn thứ tư: “Lạy Cha nhân từ, xin cho tất cả chúng con là con cái Cha được thừa hường gia nghiệp Thiên Quốc (…..) trong Nước Cha, ở đó hiệp với muôn loài thụ tạo, đã được giải thoát khỏi tình trạng hư nát vì tội lỗi và sự chết, chúng con sẽ được tôn vinh Cha”.
 
28- Thưa Cha, thiên thần là ai, và ta có thể chờ đợi gì ở thiên thần bản mệnh?
 
Từ “thiên thần” có nghĩa là “sứ giả của Thiên Chúa”. Thiên thần đều hiện diện trong Cựu Ước cũng như trong Tân Ước. Phục tùng Thiên Chúa, thiên thần chuyển giao sứ điệp của Chúa cho con người. Có ba vị mang biệt danh Gabrien, Micae và Raphaen. Thánh Kinh còn nói đến vô số các Thiên Thần vô danh.
 
Tôn kính các Thiên Thần là một việc rất quan trọng đối với dân Do Thái, họ tin rằng mỗi người đều được giao phó cho một vị thiên thần hộ mệnh. Kitô giáo tiếp nhận niềm tin này. Và từ năm 1969, Giáo Hội dành riêng một ngày trong năm phụng vụ để kính nhớ các vị Thiên Thần Bản Mệnh, đó là ngày 2 tháng 10. Ngày hôm đó, linh mục bắt đầu thánh lễ bằng ca khúc: “Hỡi các Thiên Thần của Chúa, hãy chúc tụng Chúa, hãy ca ngợi Chúa và tôn vinh Chúa muôn đời”. Nhưng mà không phải chỉ có ngày hôm đó, chúng ta mới cầu nguyện cùng với các thiên thần. Mỗi lần cử hành phụng vụ Thánh Thể, để mời gọi toàn thể cộng đoàn tham dự vào bài ca “Thánh, Thánh, Thánh”, linh mục đọc: “Cùng với toàn thể thiên thần và các thánh, chúng con đồng thanh chúc tụng vinh quang Chúa rằng”.
 
Các thiên thần không ngừng bảo vệ chúng ta, vì một trong các sứ mệnh của chư vị là tôn vinh ca ngợi Thiên Chúa. Như vậy, chư vị theo sát chúng ta trên đường gặp gỡ Thiên Chúa.
 
29- Thưa cha, ta phải hiểu sự hóa Thánh Thể như thế nào? (….)
 
Sự hóa Thánh Thể là sự thay đổi hoàn toàn bản thể Mình và Máu của Chúa Kitô Phục Sinh.
(…..)
 
30- Thưa Cha, Cha có chắc rằng mọi người Công giáo Pháp còn có chung một Kinh Tin Kính không?
 
Giáo Hội vừa công bố một quyển giáo lý chung cho toàn cầu. Các Giám mục Pháp cũng đã phát hành một quyển giáo lý dành cho người lớn. Quyển này cũng như quyển kia, đều làm sáng tỏ sự phong phú của đức tin và những điểm chuẩn chắc chắn mà đức tin đề cập đến. Cả hai quyển cho phép bạn xác minh đức tin của các Kitô hữu Pháp có thật sự phù hợp với đức tin mà các tông đồ của Chúa Kitô là những người đầu tiên đã tuyên xưng và đã sống không?
 
Ngày hôm nay, nói đến đức tin, là nói đến lòng tin trung thành trọn vẹn vào tất cả mọi điều được các Tông Đồ loan truyền. Lời giới thiệu quyển giáo lý của các Giám mục Pháp minh định rằng: “Có vô số Kitô hữu là nhân chứng của Tin Mừng. Họ làm chứng bằng nhiều cách, trong những môi trường xã hội và văn hóa rất khác biệt nhau, đôi khi rất khó khăn vất vả vì xem ra ngược đời, nhưng thường thì thanh thản và tin tưởng”.
 
Sự khác biệt thật sự này giữa các người công giáo không cho phép ta nghĩ rằng họ không chia sẻ cùng một Kinh Tin Kính.
 
31- Thưa cha, con buồn lòng nhận thấy rằng lễ của các vị thánh, như Lễ thánh Micae chẳng hạn, ngày càng nhạt nhẽo. Chúng ta không cần mừng lễ và khấn xin cách đặc biệt với các vị thánh quan thầy của chúng ta nữa sao?
 
Đúng là chúng ta không còn mừng Lễ các vị thánh cách long trọng như xưa kia nữa. Nhưng mà sự lưu tâm tái tạo cuộc sống như các thánh đã sống có thể đưa đến một phương cách hiện đại để cầu nguyên cùng các Ngài.
 
Tại sao bạn không đề nghị trong giáo xứ bạn, nên tìm hiểu lại đời sống của một số vị thánh được kính nhớ trong năm, và sau đó, nêu lên những ý chỉ cầu nguyện phù hợp với nếp sống của vị thánh, đã được cập nhật hóa. Chính bạn, bạn hãy ra tay hành động.
 
32- Thánh Phanxicô Assisi và nhiều thánh nam nữ khác đã lãnh nhận các Dấu Thánh Chúa Kitô. Hiện tượng này là gì và có ý nghĩa thế nào, thưa Cha?
 
Vào chính năm 1224, đang khi tĩnh tâm trên núi với vài người bạn, Thánh Phanxicô Assisi đã lãnh nhận các thương tích của Cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô. Thân xác Ngài mang những thương tích giống như những thương tích Chúa Kitô đã chịu do đinh nhọn, mão gai và lưỡi đồng của viên đại đội trưởng.
 
Giáo Hội luôn tỏ ra khôn ngoan trước các biểu hiện này. Giáo Hội khuyến khích nên vượt lên trên cái dấu vẻ “kỳ lạ” hoặc “khác thường”, để thấu hiểu ý nghĩa của các sự kiện. Thánh Bonaventura, một nhà thần học vĩ đại của thế kỷ XIII, giải thích rằng các thương tích của thánh Phanxicô là dẫu chỉ hữu hình của nỗi đau xót mà thánh nhân cảm nhận trong lòng khi chiêm ngắm Chúa Kitô chịu đóng đinh. Những thương tích là những kinh nghiệm chân thực thiêng liêng mà các nhà thần bí Kitô giáo đã trải qua.

Tuy rằng những kinh nghiệm như thế, quả là bất thường, nhưng tất cả mọi Ki tô hữu, bằng lời cầu nguyện và bằng cuộc sống thường nhật, vẫn có thể cảm nhận được cuộc khổ nạn và tình yêu của Chúa Kitô.
 
(còn tiếp)
Bản dịch của một Vị Khuyết Danh
Lm. Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang trình bày và giới thiệu
 
Trở về danh mục câu hỏi
tgphue.net
Thông tin khác:
Câu hỏi số 01 (12/12/2016)




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Cha Giuse Đỗ Văn Kiêm - Phó Giám đốc Caritas Hưng Hóa: Cầu nối thông tin hỗ trợ vùng thiên tai tại các tỉnh Tây Bắc
Cha Giuse Đỗ Văn Kiêm - Phó Giám đốc Caritas Hưng Hóa: Cầu nối thông tin hỗ trợ vùng thiên tai tại các tỉnh Tây Bắc
Xin quý vị tiếp tục đồng hành với chúng con trong lời cầu nguyện và trợ giúp chúng con về vật chất cũng như tinh thần để không chỉ hỗ trợ cho bà con vùng thiên tai trong những ngày bão lũ mà còn tiếp tục nâng đỡ họ để có thể ổn định lại cuộc sống.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log