Thứ hai, 09/09/2024

Chủ đề mục vụ giới trẻ tháng 5: Đức Giê-su Ki-tô – Đường Chữa Lành

Cập nhật lúc 08:13 02/05/2020
Photo by: GettyImages

Chương trình mục vụ giới trẻ 2020-2022
Mỗi tháng một hình ảnh hay tước hiệu Đức Giê-su Ki-tô (5)

ĐƯỜNG CHỮA LÀNH– ĐỨC GIÊ-SU KI-TÔ 
Chủ đề học hỏi và suy niệm tháng 5 năm 2020

Gm. Phêrô Nguyễn Văn Viên

 
Các bạn trẻ thân mến,
Chúng ta đang trong Mùa Phục Sinh và chúng ta biết rằng Đức Giê-su Phục Sinh là Biến Cố kỳ diệu nhất trong lịch sử nhân loại. Nhờ Người, niềm hy vọng chữa lành trọn vẹn của con người, tức là vượt qua sự chết và được sống muôn đời, trở thành hiện thực. Trong tháng Tư vừa qua, chúng ta cùng nhau suy niệm chủ đề 'Đức Giê-su - Đường Tình Yêu'. Tháng Năm này, chúng ta suy niệm chủ đề 'Đức Giê-su - Đường Chữa Lành'. Người đã đi Đường Chữa Lành đến với con người, đồng thời, mang lấy tất cả đau khổ của con người vào chính bản thân mình mà đưa lên cây thập giá và đã sống lại để ban sự sống vĩnh cửu cho tất cả mọi người.
Đau khổ là một trong những mầu nhiệm lớn đối với con người. Tùy không gian và thời gian, mỗi người trải qua những hình thức đau khổ khác nhau và đau khổ nhất là sự chết. Các hình thức chết cũng rất đa dạng, trong đó, chết vì dịch bệnh được xem là một trong những hình thức chết khủng khiếp nhất, bởi vì số người chết rất nhiều và mức độ lây nhiễm lớn, lan rộng trong không gian và trải dài trong thời gian. Kinh Thánh Ki-tô Giáo đề cập một số chủ đề liên quan dịch bệnh, chẳng hạn như Xh 5,1-5; Xh 9,13-34; Đnl 28,59; 2 Sm 24,10-17; 2 Sb 7,13-15; Lc 21,11; Kh 6,8; Kh 18,8. Lịch sử nhân loại trải qua hàng chục đại dịch khác nhau, đặc biệt, trong thiên niên kỷ vừa qua có hai đại dịch khủng khiếp. Đại dịch thứ nhất vào thời Trung Cổ có tên là Cái Chết Đen (the Black Death), cao điểm vào khoảng 1346-1351, giết chết hơn một phần ba dân số châu Âu. Gần 200 năm sau, dân số châu Âu mới hồi phục. Đại dịch thứ hai có tên là cúm Tây Ban Nha (1918-1920), với khoảng 500 triệu người bị nhiễm bệnh (gần một phần ba dân số thế giới thời bấy giờ), trong đó 50 triệu người chết.
Hơn bốn tháng nay, mọi người trên thế giới đều sợ hãi vì đại dịch có tên là Covid-19. Tới cuối tháng 4 năm 2020, theo ước tính có hơn 3 triệu người nhiễm bệnh và hơn 220 ngàn người chết. Đại dịch này lan rộng khắp nơi, hơn 210 quốc gia và vùng lãnh thổ bị ảnh hưởng. Covid-19 không phân biệt môi trường địa l‎ý, dân tộc, màu da, tôn giáo, kẻ giàu, người nghèo, kẻ già, người trẻ, kẻ khỏe mạnh, người đau yếu. Với Covid-19, tất cả mọi người đều bình đẳng. Với Covid-19, Vạn Lý Trường Thành hay bất cứ bức tường nào mà con người có thể dựng nên đều trở thành vô nghĩa. Trực tiếp hay gián tiếp, Covid-19 đã 'đụng chạm' đến tất cả mọi người trên thế giới. Ai cũng sợ mắc phải Covid-19, bởi vì, mắc phải Covid-19 có thể dẫn tới chết chóc, chia lìa hay tổn thất khủng kiếp.
Covid-19 rất yếu, yếu đến nỗi nếu ở trên bề mặt nào đó, thì chỉ dùng xà phòng cọ rửa là nó tiêu tan. Tuy nhiên, Covid-19 cũng rất mạnh, mạnh đến nỗi hàng chục ngàn máy bay hay tàu du lịch hạng sang như World Dream, Diamond Princess, Ruby Princess hay những tàu sân bay lừng lẫy như USS Theodore Roosevelt của Mỹ, Charles de Gaulle của Pháp đều trở thành 'nạn nhân' của nó. Những nơi sang trọng và nhộn nhịp như London, Paris, Rome, Hong Kong, New York đều trở nên vắng lặng. Nhiều thành phố trên thế giới trở thành 'sa mạc', điều đó khó tin, nhưng có thật. Sự thiệt hại về tinh thần, vật chất do Covid-19 rất lớn và chưa biết đến bao giờ mới chấm dứt được.
Với Covid-19, tự do của con người bị hạn chế. Chúng ta có thể nói rằng, cho đến hôm nay, chưa bao giờ nhân loại chứng kiến một quyền lực nào trong lịch sử có thể 'tước quyền tự do' của con người như vậy. Với Covid-19, bậc thang các giá trị bị đảo lộn. Những gì thường ngày chúng ta cho là quan trọng, thiết yếu lại trở nên ít quan trọng, thứ yếu. Quả thực, phòng tránh Covid-19 để ngăn ngừa chết chóc tang thương và các hệ lụy khác là điều cần thiết phải làm trong bối cảnh hiện tại. Khắp nơi, mệnh lệnh 'giãn cách xã hội' (social distancing) lan truyền. Xa nhau thường mang nghĩa tiêu cực, nhưng trong bối cảnh đại dịch, thì lại tích cực. Các phương tiện truyền thông lặp đi lặp lại những câu như 'xa nhau là tôn trọng nhau', 'xa nhau là yêu nhau', 'xa nhau là để gần nhau'.
Covid-19 'nhắc nhở' chúng ta rằng trong khi chúng ta quan tâm đến nó, thì cũng phải quan tâm đến những nguyên nhân và hình thức chết chóc khác nữa do con người gây nên, chẳng hạn như hàng triệu em bé không có cơ hội chào đời mỗi năm vì nạn phá thai hay hàng triệu người chết dần chết mòn vì nghèo đói, tai nạn giao thông và nhiều bệnh tật khác mà con người có thể cộng tác với nhau để giảm thiểu tầm mức nguy hại. Chúng ta thường quan tâm đến những cái chết bất thường hay số đông người chết trong khoảng thời gian nào đó, nhưng lại lãnh đạm với những cái chết khủng khiếp đã và đang diễn ra hằng ngày. Hơn nữa, trong khi chúng ta quan tâm đến những loại vi-rút giết chết thể xác, thì cũng cần quan tâm đến nhiều loại vi-rút đang giết dần, giết mòn tâm hồn chúng ta, chẳng hạn như 'vi-rút lương tâm chai cứng', 'vi-rút tôn mình lên bằng cách hạ bệ người khác', 'vi-rút coi trọng chức năng hơn phẩm giá con người', 'vi-rút lãnh đạm, dửng dưng', 'vi-rút bất công'.
Không biết khi nào thì đại dịch Covid-19 sẽ kết thúc, nhưng dấu ấn của nó đã in đậm trong dòng lịch sử nhân loại. Theo các nhà chuyên môn, có muôn vàn vi-rút gây bệnh thể lý khác nữa đang hiện diện trong môi trường thiên nhiên và có sự ảnh hưởng lớn lao trên con người và các sinh vật khác. Trong vũ trụ này, muôn vật muôn loài lệ thuộc lẫn nhau và không có thực thể nào 'tự hữu' hay 'tự giải thích cho chính mình'. Chúng ta chỉ có thể hiểu được thực thể này trong tương quan với các thực thể khác. Đồng thời, chúng ta có được kinh nghiệm rằng tất cả các thực thể trong vũ trụ này đều chịu cảnh biến đổi, chết chóc, nay còn mai mất.
Người ta đang tranh luận với nhau về câu hỏi 'Covid-19 do thiên nhiên hay do con người tạo nên?'. Điều chúng ta biết chắc chắn là con người không thể tạo nên Covid-19 từ hư vô (nothingness), mà chỉ có thể gây đột biến từ vi-rút có cấu trúc tương tự hoặc từ những thực thể đã có sẵn trước. Trong quá khứ có nhiều người cho rằng, với sự tiến bộ của tri thức và khoa học kỹ thuật, con người hoàn toàn có thể chế ngự thiên nhiên và giải thích mọi sự trong thiên nhiên. Thực tế cho thấy sự chế ngự của con người đối với thiên nhiên vô cùng nhỏ bé so với năng lực và sự ảnh hưởng của thiên nhiên trên con người. 'Tiếng ho của Covid-19' nhắc nhở chúng ta điều đó. Đồng thời, Covid-19 giúp chúng ta ngày càng nhận thức rằng những câu hỏi về chính mình, về thiên nhiên, về các hiện tượng, biến cố cùng các tương quan trong đó luôn vượt quá giới hạn tri thức con người cũng như sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật hôm nay và luôn mãi.
Covid-19 phơi bày những giới hạn của con người: Giới hạn về nhận thức dịch bệnh để đưa ra những quyết định đúng đắn liên quan đến cơ sở vật chất, nguồn lực tài chính, nhân sự nhằm giúp đỡ những người bệnh và những người chưa bị bệnh; giới hạn về khả năng phán đoán để đưa ra những quyết định phù hợp nhằm duy trì đời sống trong quá trình đương đầu với dịch bệnh; giới hạn về việc đánh giá tầm ảnh hưởng của dịch bệnh, cũng như không gian và thời gian của sự ảnh hưởng; giới hạn về việc lượng định sức chịu đựng của con người thuộc các lứa tuổi đối với dịch bệnh. Khi Covid-19 vừa được công bố, không ai có thể hình dung được cảnh tàn phá rộng lớn và tang thương như chúng ta chứng kiến trong bối cảnh hiện tại. Quả thật, Covid-19 đã gây đau khổ và làm đảo lộn chương trình của hàng tỷ người trên thế giới.
Covid-19 cũng là dịp cho chúng ta suy niệm về thân phận con người trong thế giới thụ tạo. Con người thật mạnh mẽ, nhưng cũng thật yếu đuối. Con người dễ bị tổn thương bởi nhiều sự vật, hiện tượng, biến cố trong thiên nhiên. Con người có thể lên tận các tinh tú, xuống tận đáy biển. Tuy nhiên, con người không bao giờ ngăn cản hay tận diệt hết các loại vi-rút trên trần gian này. Con người có thể tìm ra nhiều loại vắc-xin và nhiều loại thuốc đặc hiệu để chữa trị dịch bệnh cũng như nhiều loại bệnh tật khác. Tuy nhiên, các loại vi-rút và bệnh tật của con người luôn tiềm tàng và mạnh mẽ hơn khả năng con người có thể tạo nên các phương thức chữa trị. Con người cần 'Ai đó' giúp đỡ để ngày càng hiểu mình, hiểu thế giới thụ tạo hơn, đồng thời biết sống hòa hợp với thế giới thụ tạo hơn trong hành trình trần thế của mình.
Chúng ta có thể dùng hình ảnh Covid-19 để diễn tả về Tội Nguyên Tổ theo mặc khải Ki-tô giáo. Chúng ta không thấy Covid-19 bằng mắt thường, nhưng tốc độ lây lan và sức tàn phá của nó thật khốc liệt. Đặc biệt, nó trực tiếp tấn công vào đường hô hấp, làm cho con người mất 'sinh khí' và 'tắt thở' nhanh đến mức không kịp chữa trị. Tội Nguyên Tổ có thể được xem như 'Vi-rút Tâm Linh' vậy. Không những chúng ta không thấy Tội Nguyên Tổ bằng mắt thường, mà các dụng cụ tinh vi của khoa học thực nghiệm cũng không bao giờ 'thăm dò' được. Tuy nhiên, nó tấn công vào đời sống con người, làm cho con người hao mòn 'nhuệ khí' và suy yếu 'thần khí' được Thiên Chúa phú bẩm trong tâm hồn. Chúng ta thấy được hậu quả của Tội Nguyên Tổ nơi mỗi người chúng ta, cũng như nơi tất cả mọi người trong mọi thời và khắp mọi nơi.
Mong mỏi lớn nhất của những người hữu trách và giới khoa học toàn cầu là tìm được người đầu tiên bị nhiễm Covid-19 và vật chủ lây bệnh cho người đó. Còn 'Vi-rút Tâm Linh' thì mặc khải Ki-tô Giáo đã cho chúng ta biết mầm mống gây bệnh là quỉ dữ và bệnh nhân đầu tiên là Nguyên Tổ của loài người, A-đam và E-và. Mục đích của việc tìm kiếm người đầu tiên nhiễm bệnh và mầm mống gây bệnh là để đẩy nhanh tiến trình tìm kiếm vắc-xin phù hợp, nhằm giúp con người phòng chống Covid-19. Tuy nhiên, Tội Nguyên Tổ, 'Vi-rút Tâm Linh' thì đã có 'Vắc-xin' rồi, đó là Đức Giê-su, Con Thiên Chúa. Trong khi vắc-xin y học chỉ có tác dụng giúp con người phòng chống vi-rút, còn Đức Giê-su tẩy trừ 'Vi-rút Tâm Linh' cũng như các hình thức tội lỗi và đau khổ, hậu quả của Vi-rút này. Đây không phải là Vắc-xin do con người tạo ra, mà là do Thiên Chúa ban tặng. Nói cách khác, với sự hiện diện của Đức Giê-su giữa lòng nhân thế, tội lỗi con người được tha thứ, các hình thức đau khổ và sự chết bị tiêu diệt.
Kinh Thánh Tân Ước cho chúng ta biết trong sứ vụ công khai của mình, ở đâu Đức Giê-su hiện diện, thì ở đó có sự chữa lành. Đối với Người, không có hình thức bệnh tật thể xác hay tâm hồn nào lại không thể cứu chữa được. Người cảm nhận được nỗi đau đớn, thống khổ của những người bệnh và chữa lành họ mà không đặt điều kiện nào. Hơn nữa, Người cũng không dùng thuốc thang hay bất cứ phương tiện nào khác để chữa trị bệnh tật. Chẳng hạn, khi chữa trị cho người con của sĩ quan cận vệ nhà vua ở Ca-phác-na-um, viên sĩ quan nói với Đức Giê-su: "Thưa Ngài, xin Ngài xuống cho, kẻo cháu nó chết mất! Đức Giê-su bảo: Ông cứ về đi, con ông sống" (Ga 4,49-50). Khi ông đang trên đường về nhà thì gia nhân đón gặp ông và nói rằng con ông sống rồi. Ông nhận ra đúng lúc Đức Giê-su nói 'con ông sống', thì con ông được khỏi bệnh. Tương tự như thế, Đức Giê-su nói với người đau ốm đã ba mươi tám năm: "Anh hãy trỗi dậy, vác chõng mà đi! Người ấy liền được khỏi bệnh, vác chõng và đi được" (Ga 5,8-9).
Mặc dầu 'Vắc-xin Tâm Linh' đã được trao tặng cách dồi dào phong phú và đưa đến cho mọi người và mọi nơi, nhưng con người không thể được chữa lành nếu không có thao thức và không chịu mở rộng tâm hồn để đón nhận. Thật vậy, khi Đức Giê-su chữa lành ai đó, Người mời gọi họ đặt niềm tin vào Thiên Chúa và vào Người. Chẳng hạn, khi chữa trị đứa trẻ bị quỷ ám mắc bệnh động kinh, người cha của đứa trẻ nói với Đức Giê-su: "Nếu Thầy có thể làm được gì, thì xin chạnh lòng thương mà cứu giúp chúng tôi" (Mc 9,22). Đức Giê-su trả lời: "Sao lại nói: nếu Thầy có thể? Mọi sự đều có thể đối với người tin" (Mc 9,23). Cha đứa trẻ đáp: "Tôi tin! Nhưng xin Thầy giúp lòng tin yếu kém của tôi!" (Mc 9,24). Sau đó, Đức Giê-su đã trục xuất tên quỷ ra khỏi đứa trẻ và em được khỏe mạnh. Trong Biến Cố Truyền Tin, thánh Lu-ca trình thuật rằng sứ thần Gáp-ri-en nói với Đức Ma-ri-a: "Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được" (Lc 1,37). Như vậy, chúng ta học được hai điều trong tương quan giữa con người với Thiên Chúa: (1) Mọi sự đều có thể đối với Thiên Chúa và (2) mọi sự đều có thể đối với người tin.
Qua việc chữa lành các hình thức bệnh hoạn tật nguyền của con người, Đức Giê-su minh chứng rằng Người là Đấng được Thiên Chúa sai đến và Người thực thi chương trình của Thiên Chúa. Khi Gio-an Tẩy Giả sai các môn đệ đến hỏi Đức Giê-su về căn tính của Người: "Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?" (Lc 7,20). Đức Giê-su trả lời: "Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe: người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe tin mừng" (Lc 7,22). Tương tự như vậy, trong buổi đầu loan báo Tin Mừng, thánh Phê-rô nói với dân chúng rằng: "Đức Giê-su Na-da-rét, là người đã được Thiên Chúa phái đến với anh em. Và để chứng thực sứ mệnh của Người, Thiên Chúa đã cho Người làm những phép mầu, điềm thiêng và dấu lạ giữa anh em" (Cv 2,22). Tất cả những điều đó dẫn chúng ta tới xác tín vững chắc rằng sự hiện diện của Đức Giê-su trên trần gian là sự hiện diện của Thiên Chúa và công việc của Người cũng chính là công việc của Thiên Chúa.
Sự chữa lành của Đức Giê-su thật đa dạng, chẳng hạn như Người chữa lành mọi bệnh tật thể xác, tâm hồn, trừ quỉ, kiểm soát mãnh lực thiên nhiên, củng cố đức tin, tha thứ tội lỗi, hồi sinh người chết. Các hình thức chữa lành của Người cũng thật đa dạng, chẳng hạn như Người dùng lời nói, đụng chạm hay đặt tay. Sự chữa lành của Đức Giê-su diễn tả tình thương của Người đối với con người và quyền năng của Người trên muôn vật muôn loài, đặc biệt trên các hình thức sự dữ, đau khổ và sự chết. Tất cả các hình thức phép lạ Đức Giê-su thực hiện trong sứ vụ rao giảng nhằm chuẩn bị cho phép lạ cả thể nhất, đó là việc Người chịu đau khổ, chịu chết và sống lại.
Mang lấy bản tính con người, Đức Giê-su nối kết bản tính chúng ta với bản tính Thiên Chúa. Với sự quan tâm ân cần, Người chữa trị chúng ta khỏi sự lãnh đạm. Với tình yêu vô điều kiện, Người chữa trị chúng ta khỏi sự hận thù. Với niềm tín thác vào Thiên Chúa Cha, Người chữa trị chúng ta khỏi sự nghi ngờ. Với tinh thần biết ơn Thiên Chúa Cha, Người chữa trị chúng ta khỏi sự vô ơn. Với sự trung tín, Người chữa chúng ta khỏi sự phản bội. Với sự trút bỏ chính mình, Người chữa trị chúng ta khỏi sự tham lam vô độ. Với sự khiêm tốn, Người chữa trị chúng ta khỏi sự tự cao tự đại. Với niềm hy vọng chân thành, Người chữa trị chúng ta khỏi sự thất vọng. Với niềm vui loan báo Tin Mừng, Người chữa trị chúng ta khỏi sự buồn sầu trong cuộc sống. Với việc mở mắt cho người mù loà, Người chữa trị chúng ta khỏi sự tăm tối tâm linh. Khi bị treo trên thập giá, Người cứu chúng ta khỏi tội lỗi. Khi sống lại, Người dẫn chúng ta vượt qua vực thẳm sự chết. Khi mang lấy những yếu tố của thế giới thụ tạo, Người đổi mới thế giới thụ tạo thành trời mới đất mới.
Chúng ta được chữa lành bởi những vết thương của Đức Giê-su. Khoảng 700 năm trước Biến Cố Đức Giê-su, ngôn sứ I-sai-a đã viết về vai trò 'gánh tội trần gian' của Người: "Chính Người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành" (Is 53,5). Điều này được thánh Phê-rô diễn tả cách rõ ràng và cụ thể hơn trong thư của ngài (1 Pr 2,24). Đức Giê-su không chỉ mang tội lỗi cho một số người nào đó, trong một khoảng không gian, thời gian nào đó, mà mang tất cả tội lỗi của tất cả mọi người trong dòng lịch sử. Nói cách khác, hành trình trần thế của Đức Giê-su, đặc biệt, sự đau khổ, sự chết và sống lại của Người trở thành Biến Cố 'một lần cho tất cả' để tái tạo con người và muôn vật muôn loài mọi nơi và mọi thời.
Qua việc chữa lành, Đức Giê-su giúp người bệnh và tất cả những người chứng kiến hướng tới sự chữa lành quan trọng hơn, đó là sự chữa lành đời sống tâm linh, đời sống trong tương quan giữa con người với Thiên Chúa, với tha nhân và với thế giới thụ tạo. Hơn nữa, khi chữa lành cho ai, Đức Giê-su mời gọi tất cả mọi người đang hiện diện hướng về sự sống dồi dào trong Nước Thiên Chúa. Đó là l‎ý do giải thích tại sao tác giả sách Tin Mừng thứ tư (thánh Gio-an) không dùng từ 'phép lạ' để nói về những việc kỳ diệu Đức Giê-su làm, mà dùng từ 'dấu lạ'. Thánh nhân muốn nhắc nhở mọi người biết nhìn sâu hơn, nhìn xa hơn và nhìn rộng hơn những gì họ chứng kiến hoặc nghe người khác thuật lại.
Trong khi Đức Giê-su thực thi các điềm thiêng, dấu lạ cho nhiều người để nâng đỡ họ, Người đã không thực thi điềm thiêng dấu lạ cho chính mình. Điều này đã được đám đông xung quanh Người trong Biến Cố Thập Giá làm chứng: "Hãy cứu lấy mình đi! Nếu mi là Con Thiên Chúa, thì xuống khỏi thập giá xem nào!...Hắn cứu được thiên hạ, mà chẳng cứu nổi mình…Hắn là Vua Ít-ra-en! Hắn cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi, chúng ta tin hắn liền" (Mt 27,40-42). Đức Giê-su, Đường Chữa Lành đã không chiến thắng đau khổ theo cách con người suy nghĩ hay tưởng tượng. Trái lại, Người chiến thắng đau khổ và sự chết bằng việc gánh lấy đau khổ và sự chết của tất cả mọi người. Đường Chữa Lành của Người là Đường vượt qua đau khổ và sự chết để tiêu diệt hoàn toàn đau khổ và sự chết để đem lại sự sống đích thật cho tất cả mọi người.
Chúng ta cần nhận thức rằng những phép lạ hay dấu lạ Đức Giê-su thực hiện không ngược lại trật tự tự nhiên, nhưng là khôi phục trật tự tự nhiên vốn có ngay từ buổi đầu tạo dựng, bởi vì "Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp" (St 1,31). Với sự vô ơn và tự do lăng loàn của con người, tội lỗi, sự dữ đã xâm nhập trần gian và hậu quả là các hình thức đau khổ, bệnh tật, sự chết 'đã lan tràn đến hết mọi người' (Rm 5,1-12). Hơn nữa, qua những phép lạ hay dấu lạ, Đức Giê-su diễn tả lời hứa cứu độ của Thiên Chúa (St 3,15). Đồng thời, những phép lạ hay dấu lạ đó giúp con người nuôi dưỡng niềm hi vọng vào sự chữa lành trọn vẹn khi Thiên Chúa qui tụ muôn vật muôn loài trong Người.
Căn tính, đời sống và sứ mệnh của Đức Giê-su trong hành trình trần thế cho phép chúng ta nhận thức rằng Người vừa là Thầy Thuốc, vừa là Thuốc Chữa cho tất cả mọi người. Chúng ta, ai cũng có kinh nghiệm rằng khi chữa bệnh, thầy thuốc và thuốc chữa là hai thực thể khác nhau. Trong trường hợp Đức Giê-su, Người chữa bệnh cho người khác mà không cần bất cứ thứ thuốc nào, bởi Người là Thuốc Chữa trị mọi thứ bệnh, kể cả sự chết. Người không chỉ hiện diện 33 năm trong lịch sử, mà còn hiện diện với gia đình nhân loại mọi ngày cho đến tận thế (Mt 28,20). Người hiện diện theo nhiều cách thức khác nhau, chẳng hạn như Lời Người, ân sủng Người hay qua các bí tích trong Giáo Hội. Đặc biệt, Người hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể, để trở nên Của Ăn và Thuốc Chữa hữu hiệu nhất cho đời sống tâm linh của con người trong hành trình trần thế.
Mỗi người chúng ta ai cũng bị thương tích tâm hồn và thể xác. Tuy nhiên, sự nhìn nhận của mỗi người đối với thương tích của mình khác nhau. Có người sẽ từ chối rằng mình bị thương tích. Có người cho rằng thương tích của mình là không đáng lo lắng. Có người nhận ra thương tích của mình nghiêm trọng, nhưng thời gian mình còn dài, mình sẽ tìm cách chữa trị khi thuận tiện. Có người sử dụng những liều thuốc an thần để tạo cảm giác dễ chịu bên ngoài, nhưng thực ra bệnh tật ngày càng trầm trọng bên trong. Nói cách khác, có bao nhiêu người thì có bấy nhiêu phản ứng khác nhau về những thương tích của bản thân. Đức Giê-su, Đường Chữa Lành, luôn mời gọi tất cả mọi người hãy đến với Người trong mọi nơi, mọi lúc để được Người chữa lành tận căn và ban ân sủng. Do đó, vấn đề chính là sự đáp trả của mỗi người đối với lời mời gọi của Đức Giê-su.
Với kinh nghiệm được chữa lành, nhất là sự yêu thương và lòng khoan dung tha thứ của Đức Giê-su, các môn đệ của Người đã từ bỏ tất cả, đặc biệt từ bỏ chính mình, để cộng tác đắc lực với Đức Giê-su Phục Sinh, tiếp tục chương trình chữa lành của Người. Quả thật, Đức Giê su đã sai các môn đệ thi hành chính sứ vụ chữa lành thể lý và tinh thần cho dân chúng mà Người đã thực hiện: “Đức Giê-su gọi mười hai môn đệ lại, để ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền” (Mt 10,1). Sách Công Vụ Tông Đồ trình thuật rằng trong buổi đầu loan báo Tin Mừng, người ta mang đến cho Phê-rô và Gio-an một người què từ khi lọt lòng mẹ. Anh ta chăm chú nhìn các ngài và mong được bố thí. Phê-rô nói với anh: "Vàng bạc thì tôi không có; nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây: nhân danh Đức Giê-su Ki-tô người Na-da-rét, anh đứng dậy mà đi!" (Cv 3,6). Với lời đó, anh ta trở thành người bình thường, "vừa đi vừa nhảy nhót và ca tụng Thiên Chúa" (Cv 3,8). Đây là sự bố thí hào phóng nhất. Từ nay, anh ta thoát cảnh què quặt, thoát cảnh cậy nhờ vào người khác để sống qua ngày. Hơn thế nữa, vì được chữa lành nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, từ nay anh ta trở thành nhân chứng cho anh chị em mình về Đức Giê-su, Đường Chữa Lành.
Thánh Phao-lô cũng vậy, trước khi gặp Đức Giê-su Phục Sinh, ngài lùng bắt các Ki-tô hữu. Biến cố Đa-mát khiến ngài mù mắt. Sau 3 ngày, ngài được sáng mắt nhờ Đức Giê-su Phục Sinh cứu chữa qua trung gian người môn đệ Đức Giê-su là Kha-na-ni-a. Khi được Đức Giê-su sai đến gặp Phao-lô, Kha-na-ni-a nói: "Anh Sa-un, Chúa đã sai tôi đến đây, Người là Đức Giê-su, Đấng đã hiện ra với anh trên đường anh tới đây. Người sai tôi đến để anh lại thấy được và để anh được đầy Thánh Thần. Lập tức có những cái gì như vảy bong ra khỏi mắt ông Sao-lô, và ông lại thấy được. Ông đứng dậy và chịu phép rửa. Rồi ông ăn và khoẻ lại" (Cv 9,17-19). Đức Giê-su Phục Sinh không chỉ chữa lành mắt thể l‎ý của Phao-lô và cho ngài được thấy, mà còn chữa lành mắt tâm hồn Phao-lô để ngài thấy được Đức Giê-su là Đường Chữa Lành. Từ đó, Phao-lô trở thành môn đệ Đức Giê-su, Đường Chữa Lành và minh chứng cho Người bằng đời sống hi sinh, gian khổ cho đến hơi thở cuối cùng.

Qua những điểm trình bày ở trên, chúng ta có thể tóm lược chương trình của Thiên Chúa được Đức Giê-su, Đường Chữa Lành thực hiện vào 5 điểm chính như sau: (1) Nhờ Đức Giê-su và trong Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa sáng tạo con người và muôn vật muôn loài trong tình trạng tốt lành. (2) Nguyên Tổ đã phạm tội và hậu quả là mọi người trong gia đình nhân loại đều mang thân phận tội lỗi cũng như các hình thức đau khổ và bệnh tật thể xác, tâm hồn. (3) Đức Giê-su vừa là Thầy Thuốc, vừa là Thuốc Chữa được Thiên Chúa tặng ban cho tất cả mọi người. (4) Đức Giê-su đã mang lấy tội lỗi, đau khổ, bệnh tật và sự chết của con người mà đưa lên cây thập giá và đã sống lại để ban sự sống vĩnh cửu cho tất cả mọi người. (5) Tất cả chúng ta được mời gọi luôn kết hợp với Đức Giê-su để được chữa lành, đồng thời, đi Đường Chữa Lành của Người để đến với mọi người và muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo này.

 
Nguồn: Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Ngày thành lập Giáo Hội Việt Nam 09/9/1659?
Ngày thành lập Giáo Hội Việt Nam 09/9/1659?
Nữ tu Marie Fiat Trần Thị Tuyết Mai, Hội dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm phỏng vấn Cha Maurice Vidal, chuyên viên Giáo hội học về đề tài liên quan đến buổi đầu của Giáo hội Việt Nam với sự bổ nhiệm hai vị Đại diện Tông tòa tiên khởi.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log