Thứ hai, 02/12/2024

Tử đạo hay sống tinh thần tử đạo?

Cập nhật lúc 16:21 30/07/2018
Chuyện xưa và nay
Đọc lại chuyện Các Thánh Tử Đạo Việt Nam không khỏi rợn người vì những khổ hình dã man mà con người thời đó bắt những người tin theo Chúa Kitô phải chịu. Cũng khó lòng tin rằng con người ngày nay có thể nghĩ ra và dùng những nhục hình bất nhân ấy để cấm cản việc tin và sống đức tin của người có đạo. Không mã tấu, gươm đao. Không chém đầu. Không có voi giầy nát thân. Không có vạc dầu sôi… Nhìn như vậy, tử đạo không phải đã trở thành câu chuyện cổ tích rất xa lạ với người Việt Nam hôm nay rồi sao? Vào những năm xưa ấy, khi Kitô Giáo đến với đất nước Việt Nam, đời sống và tổ chức xã hội lúc ấy còn phôi thai. Người tin vào Thiên Chúa chịu rửa tội, sống đạo theo tôn chỉ thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự. Việc cấm đạo diễn ra qua hình thức quen thuộc được kể lại: Quan quyền ra chiếu chỉ buộc những người tin theo Chúa Kitô phải chối đạo. Họ bị ép buộc phải bước qua thập giá như một cách nhục mạ Kitô giáo, chối bỏ đạo, chối bỏ Thiên Chúa.

Thế giới hôm nay thì khác hẳn. Ngoại trừ những nhóm quá khích, thường đánh phá thánh đường và sát hại người tin vào Thiên Chúa, không có một chính quyền nào công khai chủ trương phá thánh đường, đập tượng ảnh. Ngược lại, người có đạo còn được phép xây cất những thánh đường thật đẹp, thật lớn. Thánh giá được dựng lên oai nghi trên tháp chuông cao. Hình ảnh này cho thấy ngày nay không còn cấm đạo nữa. Các Thánh cha ông ta vì muốn được “thờ phượng một Đức Chúa Trời” mà chịu bỏ mạng sống. Người có đạo hôm nay trong khi nghĩ mình đang “thờ phượng một Đức Chúa Trời” bằng cách dựng thánh đường, rầm rộ với những lễ nghi long trọng có lúc nào nghĩ rằng mình đã quên sống đạo, vì đã quên người anh em khốn khổ đang nằm lây lất đâu đó bên lề cuộc đời.
 
Bản Tuyên ngôn Đức Tin
Khi nhắc lại hoàn cảnh chính trị xã hội thời Các Thánh Tử Đạo Việt Nam vài trăm năm trước và thế giới con người thế kỷ 21, chúng ta nhận ra sự thay đổi rất lớn qua giòng lịch sử. Qua đó thấy sự khác biệt của việc sống đạo ngày trước và hôm nay. Khác biệt chính trị xã hội (không cần nói đến kỹ thuật) dẫu rất lớn nhưng có một điều ngàn năm vẫn không thay đổi mà người được rửa tội và tin theo Đức Kitô không được phép quên: Đó là bản tuyên ngôn đức tin mà Chúa Giêsu dậy: Thờ phượng, kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự và yêu thương anh em như chính mình. Một em bé khi có đủ trí khôn và chuẩn bị xưng tội rước lễ đã được học bản tuyên ngôn này. Vế đầu của bản tuyên ngôn, “Thờ phượng, kính mến một Đức Chúa Trời”, xin tạm gọi là việc giữ đạo. Việc giữ đạo thường dễ hơn vì phù hợp với nhu cầu tâm linh của con người: Tin có một Thiên Chúa, hay nói một cách chung chung theo tâm thức người Việt, tin có một ông trời và biết sợ ông trời, biết làm lành lánh dữ. Ông trời là điểm tựa tâm linh cho mình. Vế sau của bản tuyên ngôn, “Yêu người như mình ta vậy”, xin tạm gọi là việc sống đạo. Sống đạo thật khó, vì đối tượng sống đạo không còn chỉ là một Thiên Chúa vô hình, mà còn là người anh em đang hiện hữu quanh mình. Khi muốn sống yêu thương anh em, rất thường mình bị đòi buộc quên thân mình. Khi giữ đạo, con người đối diện với một Thiên Chúa vô hình, thinh lặng, nhưng là một Thiên Chúa vạn năng. Điều nầy diễn ra một cách tương đối dễ dàng, vì đó thuần là tương quan giữa con người với Thiên Chúa, đúng hơn đó là tương quan riêng giữa một người với Thiên Chúa: Thiên Chúa vạn năng, nhưng vô hình, thinh lặng và đầy yêu thương. Thiên Chúa có thể làm được tất cả. Thiên Chúa có thể cho được tất cả. Thiên Chúa không làm gì phiền hà con người. Ngược lại, khi sống đạo, con người đối diện với người anh em bằng xương, bằng thịt. Con người được mời gọi sống yêu thương, quên mình và cho đi, chịu mất đi. Trong khi khuôn mặt Giêsu qua tranh ảnh được diễn tả thật khả ái, nhân hậu, thì khuôn mặt người anh em trong cuộc đời lắm khi thật xấu xí, khó coi, nhiều khi lại bẩn thỉu nữa. Nhưng chỉ khi chúng ta sống trọn vẹn 2 vế của bản tuyên ngôn đức tin -giữ đạo và sống đạo- chúng ta mới thực sự đến gần Thiên Chúa và thực sự sống tinh thần tử đạo.
 
Trong thư công bố khai mạc Năm Thánh mừng kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã nhắc nhở chúng ta: “Thăm viếng những người đang sống trong cảnh túng nghèo quẫn bách, bệnh tật, tù đầy, già cả, cô đơn, khuyết tật, … là hành hương về với Đức Kitô.”
Một dịp khác Hội Đồng Giám Mục Việt Nam nhắc lại lời chia sẻ của Đức Thánh Cha Phanxicô: …”Ngài nhấn mạnh đến việc loan báo Tin Mừng với niềm vui, qua đó lời loan báo của chúng ta mang tính thuyết phục đối với đồng bào không cùng tôn giáo. Để lời loan báo mang lại hiệu quả, cũng cần phải có những chứng từ mạnh mẽ và cụ thể trong đời sống, trong mối tương quan với tha nhân.  (Thư Mục Vụ gởi cộng đồng dân Chúa)
 
Sống đạo khi biết phẫn nộ vì lẽ công bằng và điều chính trực
Giêsu đã sống trọn 2 vế của bản tuyên ngôn đức tin: Ngài thường xuyên cầu nguyện với Chúa Cha, giảng dạy và yêu thương con người. Có khi vì yêu thương, Giêsu đã không ngần ngại biểu lộ bất bình khi Ngài xô đổ những sạp hàng buôn bán trên đền thờ. Không chỉ vì việc bán buôn là điều bất kính nơi thánh thiêng. Việc bán buôn đó cho thấy những gian xảo và lòng tham của con người: Khi đổi chác bạc tiền, khi con buôn mua 1 bán 10 cho những khách hành hương từ xa đến, rồi chia chác với các thượng tế trong đền thờ. Giêsu không chỉ đòi lại điều công chính cho Thiên Chúa mà cả cho người anh em. Nếu Giêsu sinh vào thế kỷ này thì Ngài hẳn đã bị kết án là kẻ phá rối trật tự xã hội, trong khi Ngài thực sự muốn diễn tả một cách sống yêu thương. Dưới con mắt của những người cùng một giai cấp xã hội thì đó là trật tự. Nhưng trước mặt Thiên Chúa, đó là xảo trá, gian manh, bất chính. 2000 năm trước Giêsu đã thấy cái đối nghịch muôn đời này và đã chúc lành cho những ai muốn sống lẽ công bằng và lòng chính trực.
 
Sống đạo trước sự thinh lặng của Thiên Chúa
Khi không có một quyền lực trần thế nào cấm cản việc giữ đạo và khi hoàn toàn có tự do để sống đạo thì người có đạo lại thấy mình đứng trước một nghi vấn, một nghi vấn quá lớn và không dễ tìm thấy câu trả lời: Đâu là ý muốn của Thiên Chúa? Ngài muốn tôi làm gì? Nhất là trong những khoảnh khắc đen tối của cuộc đời khi đối diện với đau khổ, đau khổ của chính mình, đau khổ của người anh em, con người tự hỏi: Thiên Chúa đâu rồi? Sao Ngài lại để vậy? Sao một Thiên Chúa từ nhân lại không nói một lời nào? Nhận ra ý muốn của Thiên Chúa quả là điều rất khó.  Khác với hoàn cảnh xã hội thời Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, hôm nay sống trong thế kỷ 21với phương tiện kỹ thuật truyền thông hiện đại, con người dễ nao núng và ngờ vực vì lại càng không biết đâu là sự thật, đâu không phải là sự thật. Thực có khi là hư. Hư có khi là thực. Đám mây mù này làm những người tin vào Đức Kitô thêm nghi ngại và chỉ muốn quay về lối sống đạo với một tâm thức cầu an, vùi mình yên ổn dưới lớp vỏ ốc “thờ phượng một Đức Chúa Trời”. Ngay trong những khoảnh khắc mờ ảo này chúng ta không quên rằng chính các đấng bậc chủ chăn trong giáo hội cũng thường đối diện với những nghi vấn này khi muốn lắng nghe và mong nhận ra được tiếng Chúa.
 
Đức Thánh Cha Phaolô VI đã nói: “Chúng ta có thể chấp nhận để sự dữ chiến thắng và thống trị chúng ta, cuốn hút chúng ta vào vòng quyến rũ của nó và làm cho chính mình trở thành kẻ dữ không? Hay chúng ta chịu khuất phục trước tính bi quan, ù lì và để mình chìm sâu trong sự cam chịu hèn nhát. Điều này thật không phải tinh thần Kitô giáo.” (Buổi tiếp kiến chung, ngày 25.1.1978)
 
Đứng trước đau khổ và sự thinh lặng của Thiên Chúa, Đức Thánh Cha Benedictô XVI đã viết:
“Thức dậy đi, Ngài ơi! Xin đừng quên con người là tạo vật Ngài dựng nên! Tiếng kêu của chúng ta hướng về Thiên Chúa, đồng thời cũng phải là tiếng kêu vang dội vào tâm khảm chúng ta để làm  sống dậy sự hiện hữu ẩn dấu của Thiên Chúa, để quyền năng của Ngài để lại trong trong tim ta không bị phủ lấp bởi lớp bùn ích kỷ, khiếp sợ, vô cảm và trục lợi.” (Bài nói chuyện ở Auschwitz, ngày 28.5.2006)
 
Ngược lại, khi con người với thái độ tự mãn cho rằng mình đã tìm thấy đức tin và đã biết được Thiên Chúa, thì Đức Thánh Cha Phanxicô  cho rằng: ”Như thế chúng ta chỉ tìm thấy một Thiên Chúa theo mực thước của con người… Thái độ đúng đắn nhất chính là thái độ của thánh Augustinô khi ngài nói: Tìm Thiên Chúa, để thấy Ngài. Thấy được Ngài, để lại đi tìm kiếm Ngài. Chúng ta thường dọ dẫm cố tìm những gì mình đọc thấy trong thánh kinh. Cái dọ dẫm đó cũng chính là trải nghiệm của các tổ phụ đức tin và cũng là mẫu gương cho chúng ta. Trong chương 11 thơ gởi tín hữu Do Thái chúng ta đọc thấy: Abraham lên đường, mà không biết ông phải đi đâu...” (Trích trong buổi phỏng vấn dành cho tạp chí Dòng Tên, ngày 19.9.2013)
 
Nói khác đi, sống đạo trong thế giới hôm nay hoặc dẫn chúng ta đến sự tự mãn khi cho rằng tôi đã tìm thấy Thiên Chúa hoặc đưa chúng ta đến trước một câu hỏi: Thiên Chúa ở đâu khi thế giới này còn đầy dẫy sự dữ và quá nhiều đau khổ.
 
Đứng trước những nghi vấn dường như bế tắc này thánh Gioan Thánh Giá đã chia sẻ trãi nghiệm riêng của chính ngài khi ngài nói:
“Để biết được điều mình không biết, chúng ta cần sống qua cái mình không biết.
 Để biết được cái mình không có, chúng ta cần sống qua cái mình không có.
 Để biết được cái mình không phải là, chúng ta cần sống qua cái mình không phải là”.
 
Nói khác đi, khi việc sống đạo đưa chúng ta đến trước những nghi vấn mà mình không có câu trả lời, lại cũng chẳng biết Thiên Chúa muốn gì, chúng ta không dừng lại. Bước tới, để con đường lại được mở ra cho chúng ta. Như Abraham. Như Mosê.
 
“Sống tinh thần tử đạo” (thư Hội Đồng Giám Mục Việt Nam)
30 năm kể từ ngày Giáo Hội vinh danh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam là khoảng thời gian còn rất ngắn ngủi so với lịch sử ơn cứu độ, nhưng đủ dài để mỗi người công giáo Việt Nam ngẫm suy lại bản tuyên ngôn đức tin mà mình đã đón nhận và được ghi dấu trong tim.   
 
Nếu hôm nay chúng ta biết rằng trên quê hương của Các Thánh Tử Đạo Việt Nam số người tin theo Chúa Kitô giảm sút thì không hẳn vì chúng ta chưa xây đủ nhà thờ. Nếu hôm nay không có cấm đạo, không phải bước qua thập giá, thì có khi nào chúng ta tự hỏi chính lúc miệt mài dựng thánh giá trên tháp chuông cao, chúng ta vô tình đã chối đạo, vì đã chối bỏ người anh em quanh mình.
 

 
Mai Dương Hải  
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log