Thứ sáu, 26/04/2024

Mục vụ tết Bính Thân của Đức cha phụ tá Anphong tại Tuyên Quang và Hà Giang (1/5)

Cập nhật lúc 13:51 15/02/2016

Trong 6 ngày, từ 06.02 đến 11.02.2016 (tức 28 tháng Chạp đến mùng 4 Tết Bính Thân), đức cha phụ tá Anphong Nguyễn Hữu Long, cha Piô Ngô Phúc Hậu, cha Phanxicô Nguyễn Văn Thái và thầy Giuse Nguyễn Tiến Thành đã thực hiện một chuyến “du-mục”, vừa du xuân, vừa làm mục vụ các xứ họ tại hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang. Chọn thời điểm này có nhiều thuận lợi : gặp gỡ giáo dân đông đủ hơn, bầu khí vui tươi hơn, đồng thời để giúp giáo dân sống mùa Xuân của Năm Thánh và khai mở mùa Chay.
Cha Piô thật là một kiện tướng, dù ngoài 80, nhưng vẫn nhanh nhẹn và dẻo dai. Đây là lần đầu đến Hà Giang, có lẽ vì thế mà cha không cảm thấy mệt mỏi. Những mẩu chuyện dí dỏm trên bước đường truyền giáo trước kia ở miền Nam được cha thuật làm cho mọi người cười vui suốt chuyến hành trình. Cha Thái thì không xa lạ với hai tỉnh này vì đã từng lăn lộn các giáo họ. Thầy Thành lái xe rất lão luyện. Cả hình trình đi và về hơn 700 cây số, một tay thầy cầm lái an toàn.
 
Ngày 28 Tết (thứ bảy 06.02.2016) : Chúng tôi lên đường khi trời vừa rạng sáng, không khí vẫn se lạnh, nhưng tiết xuân đã tỏa lan khắp nơi làm nao nức lòng người. Dọc đường, nhất là khi ngang qua các thị trấn hay thị tứ, người sao mà đông thế, dường như ai cũng hối hả sắm tết kẻo muộn. Chúng tôi ghé thăm và chúc tết cha già Giuse Phí Đình Sự đang nghỉ hưu tại giáo họ Bạch Quê, xứ Đồng Đam. Ở tuổi 75, nhưng trông cha vẫn mạnh khỏe. Cha luôn sẵn sàng giúp các cha trong vùng khi có yêu cầu. Chúng tôi cũng thăm cha Giuse Nguyễn Đình Dậu, quản xứ Đồng Đam. Giáo xứ này được thành lập từ năm 1910, hiện có 2.251 giáo dân trong 9 giáo họ : Đồng Đam, Đức Ký, Tân Đức, Quế Lâm, Phúc Khuê, Tân Tích, Bạch Quê, Cửu Tích và Thanh Liên.
Đáng lẽ chúng tôi ghé thăm cha Giuse Kiều Oanh quản xứ Hán Đà, và cha Giuse Nguyễn Chí Thanh quản xứ Yên Bình, nhưng hai cha vắng nhà, nên đành chờ dịp khác.
Đến Phú Lâm thì đã qua trưa. Sau khi dùng bữa, chúng tôi bắt đầu đi thăm giáo xứ Mỹ Bằng. Giáo xứ có 1.165 giáo dân, chia làm 3 họ : 
- Tâm Bằng là họ nhà xứ với 325 giáo dân. Ngôi nhà thờ khá xinh xắn, mới được khánh thành năm 2014, nhưng tiếc là nhỏ bé, chỉ dung nạp được khoảng 200 giáo dân.
- Đầu Núi có 570 giáo dân. Họ này được lập từ năm 1933. Ngôi nhà nguyện bị cháy rụi năm 1945 trong chiến tranh, mãi đến năm 1994 mới dựng lại được, nhưng nay quá nhỏ bé và xuống cấp, trông tồi tàn. Cần sớm làm nhà nguyện mới cho giáo dân có chỗ tham dự thánh lễ.
- Phù Hiên có 270 giáo dân. Họ này đã có hơn trăm năm, rồi điêu tàn tưởng chừng tan rã, và chỉ mới khôi phục năm 1980. Cũng như các nơi kia, nhà nguyện quá nhỏ bé và xuống cấp, cần làm mới.
Trời đã về chiều, nhưng để tranh thủ thời gian, chúng tôi thăm hai họ Suối Đát và Suối Khoáng thuộc xứ Phú Lâm. Nhà nguyện của các họ này cũng nhỏ, không đủ dung nạp giáo dân. Sau khi dâng lễ thứ nhì tại họ Suối Khoáng, chúng tôi về nghỉ đêm tại nhà xứ Phú Lâm, mai sẽ đi tiếp các họ khác. Được biết giáo xứ Phú Lâm hiện có 6 họ với số giáo dân là 2.193 người, chia ra như sau :
- Thắng Lợi     : 383 giáo dân
- Tân Tiến       : 153 giáo dân
- Tân Lập         : 422 giáo dân
- Thống Nhất   : 339 giáo dân
- Suối Khoáng : 340 giáo dân
- Suối Đát        : 556 giáo dân.
Tổng kết, hôm nay chúng tôi thăm được 3 cha và 7 họ đạo.
 
Ngày 29 Tết (Chúa Nhật 07.02.2016)
Tờ lịch cuối cùng của năm Ất Mùi đã được mở ra, hôm nay là ngày bận rộn nhất để tiễn năm cũ và đón năm mới, chúng tôi cũng có một ngày cật lực cho mục vụ Tết.
Trước hết, chúng tôi dâng lễ tại nhà thờ Phú Lâm, họ nhà xứ, còn có tên là Thắng Lợi. Thánh lễ đã được cử hành với tâm trạng vui buồn lẫn lộn. Vui vì được gặp gỡ đông đảo giáo dân, những người suốt năm tần tảo làm ăn nơi xa, nay trở về đoàn tụ gia đình trong dịp Tết ; buồn vì cảnh tượng thật bi đát ít thấy nơi khác. Đã nhiều năm, giáo dân chờ dài cổ để mong được phép xây dựng nhà thờ mới. Nhưng đúng như câu tục ngữ “Dân cần, quan trễ”, đến nay mỗi khi dự lễ, giáo dân vẫn phải chịu cảnh ngồi ngoài sân nhiều hơn trong nhà thờ, nắng mưa nóng lạnh đều khổ. Nhà thờ không có vách, tuềnh toàng, không giống bất cứ ngôi nhà thờ nào ! Thật khó hiểu cách hành xử của chính quyền, vì từ đầu năm 2013, cha Lâm đã gửi đơn đến các cấp đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng chính quyền cứ “ngâm tôm”. Mùng 7 tết 2015, tại hội nghị khai xuân, bà con nhất trí nếu chính quyền không giải quyết, dân sẽ tự quyết. Ngày 30.4.2015, bà con giáo dân đã đào móng. Chính quyền vội xoa dịu, và giáo dân lại nhẫn nại chờ ! Mãi gần đây, ngày 18.12.2015, chính quyền Tuyên Quang mới cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho giáo xứ Phú Lâm. Bây giờ còn phải chờ duyệt thiết kế xây dựng. Không biết đến khi nào mới có nhà thờ mới để chấm dứt cảnh “màn trời chiếu đất” mỗi lần đến tôn thờ Chúa Cả trời đất ?   
Sau đó, chúng tôi thăm hai họ Tân Tiến và Tân Lập. Ở đây cũng thế, các ngôi nhà nguyện đều nhỏ bé và xuống cấp, cần làm mới và rộng hơn để đáp ứng số giáo dân. Tại Tân Lập, chúng tôi dâng thánh lễ thứ hai trong ngày. Nhìn cảnh các em ngồi bệt trên chiếu dự lễ, lòng chúng tôi không khỏi ngậm ngùi.
Chúng tôi rời giáo xứ Phú Lâm, tạm biệt cha Phaolô Lưu Ngọc Lâm để đi đến thành phố Tuyên Quang lúc bóng chiều đang dần buông, đường phố vắng người và cái lạnh của ngày cuối cùng như bịn rịn lưu luyến năm Ất Mùi sắp qua đi.
Điều đọng lại nơi chúng tôi sau chuyến thăm là lòng cảm thương giáo dân, đa số nghèo, chỉ vừa đủ ăn, nhà cửa đơn sơ, nhiều nhà còn vách đất phên tre. Người giáo dân ở đây sống bằng nghề nông, ngoài ra lên núi chặt giang về làm tăm, thu nhập giỏi lắm được 100.000 đồng/ngày. Như thế làm sao có thể xây dựng nhà thờ nhà nguyện mới. Giáo dân kể cho chúng tôi nghe về quá khứ đau thương của họ : bị cấm cản, đe dọa, ức hiếp nếu giữ đạo. Dưới thời cha Cử rồi cha Sự làm quản xứ cả tỉnh Tuyên Quang, mỗi năm các cha chỉ đến dâng lễ được một hai lần. Hiện nay, số giáo dân lơ là nguội lạnh không phải ít, có nơi lên đến 70%. Công cuộc tái truyền giáo thật đa đoan, bởi linh mục ít, còn giáo dân chưa “có thực”, thì làm sao “vực được đạo” ! Chúng tôi cũng nghĩ phải vận động để giúp các giáo họ ở đây sớm xây dựng lại các nhà nguyện cho đàng hoàng hơn, xứng đáng hơn.
Về đến Tuyên Quang, chúng tôi tạm quên nỗi buồn để vui lên khi thấy cha Giuse Nguyễn Thái Hà và một số bà con giáo dân đã chờ sẵn, họ bảo rằng Xuân đã đến theo bước chân của chúng tôi.
Thánh lễ giao thừa được cử hành vào lúc 22g30. Nhà thờ Tuyên Quang khuya này đầy những tín hữu ngoan đạo muốn thánh hóa giây phút thiêng liêng chuyển giao năm cũ-mới bên Chúa-bên nhau. Có cả Lộc Xuân được bà con thành kính đón nhận như Lời Chúa gọi mời mỗi người sống Năm Thánh Lòng Thương Xót trong tình yêu vô bờ của Chúa. Lễ xong, mọi người quây quần chuyện trò, chờ đợi giao thừa. Bác Mùi vẫy tay chào, nhường chỗ cho chú Thân xuất hiện nhảy nhót tung tăng khi ba cây kim đồng hồ chụm lại thành một vào lúc 00g00. Cả thành phố Tuyên Quang rực sáng với những chòm pháo hoa nở tung trên bầu trời, chỉ cách nhà thờ không đầy 500 mét. Mọi người tay bắt mặt mừng, trao cho nhau những lời chúc năm mới thánh thiện, tốt đẹp. Gần 1 giờ sáng, chúng tôi mới tạm biệt nhau, hẹn sáng mai gặp lại trong thánh lễ Minh Niên.
 
Một vài hình ảnh

Thăm cha Giuse Phí Đình Sự tại họ Bạch Quê.

Thăm cha Giuse Nguyễn Đình Dậu tại xứ Đồng Đam.

Nhà thờ họ Đầu Núi nhỏ bé và xuống cấp quá rồi.


Đức cha phụ tá thăm hỏi và mừng xuân với bà con họ Đầu Núi.

Nhà nguyện họ Phù Hiên.

Thánh lễ tại họ Tâm Bằng, xứ Mỹ Bằng.

Chia quà Tết (chuỗi Mân Côi và lịch) tại Tâm Bằng.

Nhà nguyện họ Suối Đát.


Bên trong nhà nguyện Suối Đát.

Cung thánh nhà nguyện Suối Đát.

Thánh lễ tất niên tại nhà nguyện Suối Khoáng.

Thánh lễ tất niên tại nhà nguyện Suối Khoáng.

Nhà thờ Phú Lâm nhiều năm qua tuềnh toàng như thế này.

Giáo dân phải ngồi ngoài sân dự lễ, vì nhà thờ nhỏ hẹp không đủ chỗ.

Trẻ em còn phải ngồi bệt dưới đất.

Dự lễ “vọng” từ bên ngoài.

Xin Chúa mau ban cho chúng con ngôi nhà thờ mới.

Nhà nguyện họ Tân Tiến dưới ánh mắt từ ái của Mẹ.

Nhà nguyện họ Tân Lập

Nhìn các em ngồi dưới đất dự lễ mà thương.

Thánh lễ giao thừa tại nhà thờ Tuyên Quang

Nhận Lộc Xuân Lời Chúa.

Phút kết lễ cũng là lúc gần đến giao thừa Ất Mùi – Bính Thân.











 
Đức cha Phụ tá Anphong
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Tập đoàn công nghệ Cisco ký cam kết đạo đức về trí tuệ nhân tạo
Tập đoàn công nghệ Cisco ký cam kết đạo đức về trí tuệ nhân tạo
​Ngày 24/4/2024, ông Chuck Robbins, giám đốc điều hành của tập đoàn truyền thông kỹ thuật số đa quốc gia Cisco, một tập đoàn có trụ sở tại Mỹ và chuyên cung cấp thiết bị mạng, đã gặp Đức Thánh Cha và đã ký cam kết đạo đức về trí tuệ nhân tạo của Vatican, một tài liệu được Hàn lâm viện Tòa Thánh công bố lần đầu tiên vào tháng 2/2020.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log