Thứ bảy, 18/05/2024

Các bài suy niệm Lễ THÁNH PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ TÔNG ĐỒ

Cập nhật lúc 08:19 26/06/2015
Phêrô có tên gốc là Simon, người Galilê làm nghề chài lưới, sống ở Capharnaum bên hồ Tibêria. Phaolô có tên là Saolê, người Do thái lưu vong, sinh tại Tarsô miền Tiểu Á bởi cha mẹ là người thế giá, có quyền công dân Rôma. Cuộc đời của hai ông bị đảo lộn từ khi gặp Đức Kitô.
Bài 1:
(Mt 16,13-19)
Nhờ hồng ân Thiên Chúa, ngày 29 tháng 6 hằng năm, cả Giáo hội vũ hoàn kính nhớ đặc biệt và mừng trọng thể cùng lúc lễ hai thánh tử đạo Phêrô và Phaolô, những cột trụ của Giáo hội phổ quát Chúa Kitô. Theo truyền thống, Giáo hội không bao giờ mừng vị này mà bỏ vị kia, nhưng luôn mừng kính với lòng biết ơn hai chứng nhân vĩ đại của Chúa Kitô, và đồng thời tuyên xưng long trọng về một Giáo hội duy nhất, thánh thiện, công giáo, và tông truyền.
Phêrô có tên gốc là Simon, người Galilê làm nghề chài lưới, sống ở Capharnaum bên hồ Tibêria. Phaolô có tên là Saolê, người Do thái lưu vong, sinh tại Tarsô miền Tiểu Á bởi cha mẹ là người thế giá, có quyền công dân Rôma. Cuộc đời của hai ông bị đảo lộn từ khi gặp Đức Kitô.
Thánh Phêrô, thủ lãnh các Tông Đồ, con người say mê Chúa Kitô, đã xứng đáng nghe lời này : « Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết : anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy » (Mt 16, 18). Trên tảng đá này, Chúa sẽ xây dựng đức tin mà Phêrô tuyên xưng. Phêrô lấy từ « tảng đá », chứ không phải tảng đá lấy từ Phêrô. Phêrô, ngư phủ miền Galilêa, ít học, đã lập gia đình, theo Thầy Giêsu ngay từ buổi đầu sứ vụ, là người sau khi đã vượt qua những ngày đen tối của cuộc Thương Khó của Chúa Kitô, sẽ có trách nhiệm củng cố anh em trong đức tin và chăn dắt đoàn chiên của Chúa (x. Mt 16, 13-19). Còn thánh Phaolô, người Pharisêu sốt sắng, có nhiều điều để tự hào, về gia thế, học thức, về đời sống đạo hạnh. Ông chưa hề gặp mặt Ðức Giêsu tại thế, ông bách hại những người tin Chúa Kitô. Nhưng khi gặp Đức Kitô Phục Sinh với biến cố ngã ngựa trên đường Damas, ông trở nên tông đồ của ơn cứu rỗi đến từ đức tin, là « dụng cụ ưu tuyển » để mang Tin Mừng đến cho các dân tộc (x. Cv 9, 1-22).
Cả hai đều được Ðức Giêsu gọi, Phêrô được gọi lúc ông đang thả lưới bắt cá nuôi vợ con. Phaolô được chính Đức Giêsu Phục sinh gọi khi ông hung hăng tiến vào Ðamas, đang làm tông đồ không biết mỏi mệt của dân ngoại (x. Cv 9, 1-22). Cả hai đã từ bỏ tất cả để theo Chúa. Tất cả của Phêrô là gia đình và nghề nghiệp. Tất cả của Phaolô là những gì ông cậy dựa vênh vang. Bỏ tất cả là chấp nhận bấp bênh, tay trắng.
Cả hai đều đã từng có lần vấp ngã. Vấp ngã bất ngờ sau khi theo Thầy như Phêrô, trong phút giây quá tin vào sức mình. Ngã ngựa bất ngờ và trở nên mù lòa như Phaolô, trong lúc tưởng mình sáng mắt và đi đúng hướng. Vấp ngã nào cũng đau và in một dấu không phai mờ. Vấp ngã bẻ lái đưa con người đi vào hướng mới. Phaolô là chiếc bình được tuyển chọn, Phêrô giữ chìa khóa Nước Trời ; cho dù người này là ngư phủ, người kia là kẻ bách hại. Phaolô đã bị đánh cho mù, cuối cùng thấy rõ hơn ; Phêrô đã chối Chúa, sau tin vững vàng. Phaolô đã chọn tin vào Chúa Kitô sau khi phục sinh. Phêrô vị dân chài thay vì thả lưới bắt cá, nay trở thành kẻ lưới người ta.
Chương trình mầu nhiệm của Chúa Quan Phòng dẫn đưa Phêrô tới Roma, nơi đây ngài đổ máu như chứng tá sau cùng và cao cả nhất của đức tin và của lòng mến đối với Thầy chí Thánh « Lạy Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy» (Mt 16, 17). Như vậy ngài đã chu toàn sứ mệnh trở nên dấu hiệu của lòng trung thành với Chúa Kitô và của sự hiệp nhất tất cả Dân Chúa.
Phần Phaolô, trong hành trình truyền giáo, không ngừng rao giảng Chúa Kitô bị đóng đanh và lôi kéo nhiều nhóm người Á Châu và Âu Châu trở về với Chúa. Sau khi qua Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, ngài đến Roma. Và chính ở đây, ngài được phúc tử đạo để làm chứng cho Chúa Kitô. Chính ngài đã nói lên trong bài đọc thứ hai Thánh lễ hôm nay rằng : « Chúa đã gần gũi tôi và ban sức mạnh cho tôi, để qua tôi, việc rao giảng sứ điệp Tin Mừng được thực hiện và để các dân ngoại được nghe biết đến ». (2Tm 4, 17-18)
Phêrô và Phaolô đều yêu Ðức Giêsu cách mãnh liệt, vì họ cảm nhận sâu xa mình được Người yêu mến. « Này anh Simon, anh có mến Thầy không? Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy » (Ga 21,16). Cả Phaolô cũng yêu Ðấng ông chưa hề chung sống, vì Người là « Con Thiên Chúa, Ðấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi » (Gl 2, 20). Phaolô đã không ngần ngại khẳng định: « Không gì có thể tách được chúng ta ra khỏi Tình Yêu của Ðức Kitô » ( Rm 8, 35.39)
Cả hai vị Tông Đồ đều hăng say rao giảng, bất chấp muôn vàn nguy hiểm khổ đau. Phêrô đã từng chịu đòn vọt ngục tù (x. Cv 5,40), còn nỗi đau của Phaolô thì không sao kể xiết (x. 2C 11, 23-28) ; « Tôi mang trên mình tôi những thương tích của Ðức Giêsu » (Gl 6, 1-7).
Cả hai hạnh phúc trong việc giữ gìn giáo lý tinh tuyền, nhưng cái phúc tử đạo còn hạnh phúc hơn.  Nơi dương gian, vinh quang chỉ là ước muốn ; chốn thiên đàng mọi sự thật nhãn tiền. Tiếng các ngài đã vang đến tận cùng trái đất, và thông điệp loan đi tới chân trời góc bể. Khắp nơi vang tiếng ngợi khen các ngài ; các tín hữu nhẩm đi nhắc lại chiến thắng khải hoàn của các đấng.
Thật là hữu ích khi nhắc lại cho chúng ta vinh quang tử đạo của các hai đấng. Phaolô bị chặt đầu, Phêrô bị đóng đinh cắm đầu xuống đất. Hình thức tử đạo thật mầu nhiệm. Phêrô không dám chịu đóng đinh giống Thầy mình. Đó không phải là ông từ chối tử đạo, nhưng ông sợ nhận lấy cái chết giống Đấng Cứu Thế. Cả hai vị đã chết như Thầy, đã lấy máu mình mà làm chứng: thánh Phêrô bị dẫn đến nơi ông chẳng muốn (x. Ga 21, 18), chịu đóng đinh chết; thánh Phaolô đã chiến đấu anh dũng cho đến cùng, bị chém đầu; đã đổ máu ra làm lễ tế (x. 2Tm 4, 6). Thánh Phêrô được chôn cất ở chân đồi Vaticano; thánh Phaolô được an táng bên đường Ostiense.
Hội Thánh hôm nay vẫn cần những Phêrô và Phaolô mới, dám bỏ, dám theo, dám yêu, dám sống và dám chết cho Ðức Kitô và Tin Mừng. Hội Thánh vẫn cần những chiếc cột và những tảng đá. Với lòng ngưỡng mộ biết ơn các ngài, chúng ta quyết một lòng trung thành với đức tin đã lãnh nhận.
Lạy Nữ Vương Các Thánh Tông Đồ, cầu cho chúng con.
Thánh Phêrô và thánh Phaolô, cầu cho chúng con. Amen.
 
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Bài 2:
SIMON, ANH NGỦ SAO?
( Mc 14, 32-40 )
 
     Như mọi khi, Phêrô là người hay nói nhất:
“Dù mọi người có vấp ngã đi nữa, con đây cũng nhất định la không...”
Mặc dù các thánh sử không nêu tên các môn đệ khác, nhưng chúng ta cũng biết rằng họ đồng tình với ông Phêrô đoan hứa trung thành đến cùng, với tất cả mọi hậu quả: “Tất cả các môn đệ cũng đều nói như vậy.”
     Thế là khi Chúa Giêsu rời phòng Tiệc ly và can đảm băng mình vào đêm tối đầy thử thách, “Nào chúng ta đi thôi”, thì tất cả bọn họ đều đi theo, sẵn sàng để hành động. Thậm chí họ còn mang theo một vài thanh gươm nữa( Lc 22,38 ). Chắc chắn rằng khi họ đi tất cả đều kiên quyết với lời hứa trung thành và hỗ trợ Thầy: “Xin Thầy đừng lo. Sẽ không có gì xảy ra cho Thầy đâu. Có chúng con ở bên cạnh Thầy”.
     Mọi việc diễn tiến tốt đẹp cho tới khi họ đến vườn Gethsemani. Lúc tới đó, họ đã phạm sai lầm thứ nhất. Chúa Giêsu bảo họ hãy ở xa xa và cầu nguyện để khỏi bị cám dỗ. Nhưng lời dặn dò của Người tan biến vào bóng đêm. Họ nghĩ thầm: thử với thách gì? Việc gì mà phải sợ khi xung quanh đều yên ắng và bình an, khi mà bọn mình có mấy thanh gươm đã mài sẵn...? Giá như các môn đệ nghe được lời Chúa Giêsu, lúc đó họ đã cảm thấy những lời ấy là vô nghĩa.
    Thêm nữa, sau mấy ngày ẩn náu ở Giêrusalem, họ cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ: “Mắt họ quá nặng nề (Mc 14,40 ). Và họ ngủ. Đó là sai lầm thứ hai. Tất nhiên lúc đó họ không nghĩ như thế là sai lầm. Có gì là sai khi chợp mắt một chút xíu trong cái giá lạnh của đêm hôm và dưới những ánh sao sáng? Dù sao chăng nữa thì họ cũng đang ở đấy, đâu có xa Thầy của họ. Nếu có chuyện gì xảy ra, họ có thể tiếp cứu ngay lập tức!
     Việc họ lăn ra ngủ vào đúng lúc đó, lúc mà thảm kịch đang tới gần,, lúc mà GIỜ cuối cùng thì cũng tới, thực sự đã làm đau lòng Chúa Giêsu. Người biết rằng thực ra thì họ cũng tốt, họ là những người chân thành khi muốn chứng tỏ lòng trung thành; nhưng người có thể thấy rất rõ là họ chỉ không hiểu chuyện gì đang xảy ra, họ không hiểu ý nghĩa của GIỜ.
     Gethsemani cho thấy sự khác biệt giữa thái độ của Chúa Giêsu và thái độ của các môn đệ.
     Chúa Giêsu chấp nhận cái chết.
     Các môn đệ, ngược lại, đã lớn tiếng tuyên bố là sẵn sàng cho mọi sự, kể cả cái chết. Khi làm như vậy họ đã bị mất bình tĩnh và họ không xác tín hoàn toàn. Họ không thấy được sự tận cùng của GIỜ, và thực tại không thể tránh được cái chết. Khi khám phá ra điều ấy, họ cảm thấy hoàn toàn vô vọng, quên béng những lời can đẩm trước đó, và bỏ chạy. Tất cả đều chối Thầy, nếu không phải là nói nhiều lời, thì ít là với sự sợ hãi và nhát đam. Dĩ nhiên Phêrô, một lần nữa lại to mồm hơn tất cả những người khác: “ Tôi không hề biết người này.”
     Trong giọng nói của Chúa Giêsu có cái gì đó thất vọng, buồn bã âu sầu; “Các anh ngủ ư? Hãy thức dậy và cầu nguyện kẻo bị thử thách. Và có lẽ Người cười buồn khi nói với Phêrô: “Simon, anh ngủ ư? Anh không thể thức với Thầy được một giờ sao? Phêro và các bạn khác cũng phải càm thấy buồn khi “ họ không biết phải trả lời Người thế nào” (Mc 14,40) (THYMOTHY M.DOLAN).
                                                      Pr. Nguyễn Mai
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log