Thứ năm, 18/04/2024

Đức Kitô và những người trẻ (1)

Cập nhật lúc 13:34 26/09/2012
Jesus_avec_enfants

Dù có kéo tuổi trẻ xuống 13 tuổi (là nữ) và 15 tuổi (là nam) hay đẩy tuổi trẻ cao lên 16 tuổi (là nữ) và 18 tuổi (là nam) – nghĩa là trong độ tuổi "teen" (từ 10 đến 19) – hoặc có đẩy tuổi trẻ lên tới 25 (là nữ) và 30 (là nam) hay xa hơn nữa, dù có xác định tuổi trẻ là tuổi còn đi học hay là tuổi đã đi làm, thậm chí mới kết hôn, vẫn có một điểm chung : tuổi trẻ là tuổi không già dặn chín chắn như người lớn, mà cũng không ngây ngô đơn sơ như trẻ em. Nói cách khác, tuổi trẻ là tuổi có lớn nhưng chưa chín, có vụng dại nhưng không còn ngây ngô đơn sơ nữa. Là tuổi làm người ta hi vọng nhưng không an tâm đủ, là tuổi chưa làm người ta tin tưởng đủ nhưng cũng không đến nỗi bắt người khác phải luôn luôn canh chừng. Chính cái dang dở ấy và nỗ lực không ngừng để xóa dần sự dang dở ấy là nét đáng yêu của tuổi trẻ.

Muốn làm cho tuổi trẻ trở nên đáng tin hơn và chín chắn hơn, không còn ngây ngô đơn sơ nữa, phải có một lực thống nhất, định hướng và soi sáng - nếu chưa từ bên trong con người mình thì phải từ một ai đó bên ngoài. Các nhân vật trẻ trong Tin Mừng đã trở nên trưởng thành là nhờ gặp gỡ Đức Giêsu Kitô.

Sau đây là một vài khuôn mặt trẻ của Tin Mừng, bên cạnh sự thiếu chín chắn và không còn ngây ngô nữa, đã thoáng thấy những dấu hiệu của sự trưởng thành, nhất là từ khi gặp Đức Giêsu Kitô.

1. Người trẻ hiếu kì (x. Ga 1, 35-51)

2. Người trẻ mau thối chí và an phận (x. Lc 5, 1-11)

3. Người trẻ hiếu động (x. Lc 10, 38-42)

4. Người trẻ tham vọng nửa vời (x. Mt 19, 16-22)

5. Người trẻ tính toán (x. Lc 10, 35-45)

6. Người trẻ phung phá (x. Lc 15, 11-32)

 

 

Bài 1

NGƯỜI TRẺ HIẾU KÌ

(x. Ga 1, 35-51)

Câu chuyện Tin Mừng

Hôm sau, ông Gio-an lại đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông. Thấy Đức Giêsu đi ngang qua, ông lên tiếng nói : "Đây là Chiên Thiên Chúa". Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giêsu. Đức Giêsu quay lại, thấy các ông đi theo mình, thì hỏi : "Các anh tìm gì thế ?" Họ đáp : "Thưa Ráp-bi (nghĩa là thưa Thầy), Thầy ở đâu ?" Người bảo họ : "Đến mà xem". Họ đã đến xem chỗ Ngài ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười.

Ông An-rê, anh ông Si-môn Phê-rô, là một trong hai người đã nghe ông Gio-an nói và đi theo Đức Giê-su. Trước hết, ông gặp em mình là ông Si-môn và nói : "Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a" (nghĩa là Đấng Ki-tô). Rồi ông dẫn em mình đến gặp Đức Giê-su. Đức Giê-su nhìn ông Si-môn và nói : "Anh là Si-môn, con ông Gio-an, anh sẽ được gọi là Kê-pha" (tức là Phê-rô).

Hôm sau, Đức Giê-su quyết dịnh đi tới miền Ga-li-lê. Người gặp ông Phi-líp-phê và nói : "Anh hãy theo tôi". Ông Phi-líp-phê là người Bết-xai-đa, cùng quê với các ông An-rê và Phê-rô.

Ông Phi-líp-phê gặp ông Na-tha-na-en và nói : "Đấng mà sách Luật Mô-sê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp : đó là ông Giê-su, con ông Giu-se, người Na-da-rét". Ông Na-tha-na-en liền bảo : "Từ Na-da-rét, làm sao có cái gì hay được ?" Ông Phi-líp-phê trả lời : "Cứ đến mà xem !" Đức Giêsu thấy ông Na-tha-na-en tiến về phía mình liền nói về ông rằng : "Đây đích thực là một người Ít-ra-en, lòng dạ không có gì gian dối". Ông Na-tha-na-en hỏi Người : "Làm sao Ngài lại biết tôi ?"Đức Giê-su trả lời : "Trước khi Phi-líp-phê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi". Ông Na-tha-na-en nói : "Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Ít-ra-en" ! Đức Giê-su đáp : "Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin ! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa". Người lại nói : "Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người".

Dẫn giải

Năm người trẻ trong câu chuyện Tin Mừng trên đây có liên hệ với nhau không phải chỉ vì cùng quê quán (Bết-xai-đa) hay cùng ngành nghề (nghề đánh cá), mà quan trọng hơn họ được liên kết với nhau vì cùng chung một thao thức (tìm cho ra một thủ lãnh, như cả nước lúc ấy đang nhốn nháo tìm kiếm) và vì cùng chung một xu hướng (hiếu kì hay tò mò).

Vốn là người trẻ, họ không chịu khoanh tay ngồi chờ, mà luôn hành động. Ban đầu, họ hành động bằng cách nghe lời thiên hạ đồn thổi đến nhập nhóm của ông Gio-an, mệnh danh là Gio-an Tẩy Giả - người rao giảng sự sám hối và làm phép rửa sám hối. Rồi khi thấy ông không phải là thủ lãnh mình cần tìm kiếm, họ đứng ngồi không yên, chỉ mong tìm ra vi thủ lãnh đích thực. Vì thế, ngay khi được ông Gio-an Tẩy Giả chỉ cho biết, họ lập tức tìm đến Đức Giê-su, không ngần ngại chia tay ông thầy cũ và không ngượng ngùng tìm đến vị thầy mới.

Một khi đã nhất quyết tìm cho ra thủ lãnh, các anh bạn trẻ của chúng ta không chỉ hành động cách hờ hững : họ sẵn sàng bỏ công ăn việc làm, sẵn sàng mất thời giờ để tìm kiếm. Có lẽ không chỉ mất một ngày để điều tra về Đức Giê-su, mà dễ chừng mất tới vài ba ngày. Nhưng những ngày ấy hứng thú tới mức họ có cảm giác như mới chỉ mất một ngày. Quả thật, trong ngày ấy họ làm đủ việc để hiểu rõ con người Đức Giê-su : không chỉ đặt câu hỏi và nghe trả lời, mà còn quan sát chỗ Ngài ở - cách sống của Ngài – và biết đâu cả những sở thích của Ngài... Nhiều việc tới mức họ có cảm giác như mình đã nắm rõ con người Ngài để kết luận một cách dứt khoát : "Người là Đấng Mê-si-a", nghĩa là người được Chúa xức dầu để thi hành sứ mạng cứu thế.

Sẵn có tính xã hội, không người trẻ nào thích cô đơn lạc bầy, mà ưa kéo bè kéo cánh, lập phe lập nhóm, rủ rê bạn bè. Thế là mới có chuyện An-rê rủ Phê-rô, Phi-líp-phê rủ Na-tha-na-en đến gặp Đức Giê-su. Và thật bất ngờ, "trăm nghe không bằng một thấy", chính những lần trực tiếp gặp mặt ấy đã làm các bạn trẻ đến sau này cũng tin chắc Đức Giê-su chính là vị thủ lãnh họ đang tìm kiếm.

Như thế, sự tò mò và hiếu kì của người trẻ cũng có giá trị và ích lợi của nó : nó sẽ tiếp thêm lửa cho họ thực hiện bằng được thao thức và ước mơ của mình, khiến họ không ngại mất giờ và mất công ăn việc làm, thậm chí không ngại vượt qua những tình cảm quyến luyến thường tình với người thân kẻ quen, cũng không ngại nói cho người khác - bất chấp người ấy có nghe hay không, có tin hay không.

Tuy nhiên, sự tò mò và hiếu kì ấy chỉ có giá trị và ích lợi tốt như thế, khi nó xuất phát từ một động cơ hay nguyên do lành mạnh và cao thượng. Tất cả năm bạn trẻ trên đây đều ít nhiều muốn cho cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn thay vì cứ vô duyên nhạt nhẽo, muốn cho cuộc đời mình có phương hướng rõ ràng hơn thay vì cứ bất định nổi trôi, nên đã không ngại tò mò hỏi han khắp nơi và luôn sẵn sàng nhập cuộc. Hiện nay, với sự xuất hiện của công nghệ thông tin tiên tiến, óc tò mò của các bạn trẻ chúng ta như được chắp cánh tới mức hầu như không còn chân trời nào là bí mật. Chỉ tiếc là nếu tò mò chỉ để tò mò, nếu khám phá chỉ để khám phá, nếu hiểu biết chỉ để hiểu biết, thậm chí chỉ vì những mục tiêu ích kỉ - vụ lợi và thấp hèn, thay vì phục vụ một mục đích cao thượng hơn, vị tha hơn, trong sáng hơn, lành mạnh hơn..., e rằng chúng ta sẽ sớm suy sụp và đổ vỡ, vì đằng sau những lần phiêu lưu thỏa mãn óc tò mò ấy, chúng ta chẳng nhận được gì ngoài vài ba phút khoan khoái chóng qua và thêm vào đó là những mệt nhọc, chán ngán, thậm chí thất vọng.

Ngoài ra, sở dĩ năm người bạn trẻ của chúng ta trên đây cảm thấy như nhanh chóng lớn lên, chín chắn và triển nở sau khi sự hiếu kì của mình được thoả mãn, sau khi gặp Đức Kitô, ấy là nhờ sự giúp đỡ của Gio-an Tẩy Giả. Nói cách khác, không có kinh nghiệm và sự khôn ngoan của các bậc đàn anh đàn chị, chúng ta có thể tiêu tốn rất nhiều công sức và thời giờ tìm kiếm thủ lãnh cho đời mình, phương hướng cho cuộc sống, mối thống nhất cho con người. Chính nhờ lời giới thiệu và ngón tay chỉ vẽ của Gio-an Tẩy Giả, An-rê và Gio-an, rồi Phê-rô, Phi-líp-phê và Na-tha-na-en mới sớm nhận ra Đức Giê-su. Lời giới thiệu của Gio-an có đầy đủ và ngón tay chỉ vẽ của ngài có chính xác được như vậy là nhờ những năm tháng trải nghiệm và tìm tòi trong thinh lặng cầu nguyện, thinh lặng tra cứu và thinh lặng chay tịnh.Thế nên, các bạn trẻ chúng ta đừng chậm trễ hỏi han những người đi trước, là bất cứ ai đi trước mình trong kinh nghiệm con người và trong kinh nghiệm Thiên Chúa. Các linh mục, tu sĩ, giáo dân giàu kinh nghiệm luôn có sẵn đó để làm Gio-an Tẩy Giả cho chúng ta. Và đến lượt mình, sau khi đã có kinh nghiệm gặp Chúa rồi, chúng ta cũng tập làm những Gio-an Tẩy Giả cho những người khác.

. Gợi ý để suy nghĩ thêm

1. Hiện nay, tôi và các bạn tôi thường hay tò mò về những điều gì ? Có là những điều tốt không ? Xuất phát từ nguyên do nào ? Có là những nguyên do tốt lành không ?

2. Tôi và các bạn tôi có bao giờ thắc mắc về ý nghĩa của cuộc đời, hướng đi của tương lai và lí tưởng cho con người mình ? Có bao giờ thắc mắc về Đức Kitô không ?

3. Tôi và các bạn tôi đã nhờ đến ai giúp đỡ để trả lời các thắc mắc ấy ? Khi đã tìm được câu trả lời, tôi có sẵn sàng chia sẻ với các bạn bè không ?

Lm Phêrô Đặng Xuân Thành

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Giáo hạt Hà Tuyên Hùng: Tĩnh tâm tháng 4 và thăm mục vụ tại các điểm truyền giáo thuộc giáo xứ Tân Quang của quý cha trong giáo hạt
Giáo hạt Hà Tuyên Hùng: Tĩnh tâm tháng 4 và thăm mục vụ tại các điểm truyền giáo thuộc giáo xứ Tân Quang của quý cha trong giáo hạt
Có thể nói đây là dịp đặc biệt để quý cha trong giáo hạt, cách riêng là quý cha lần đầu tiên đặt chân đến Hà Giang, biết đến những giáo điểm tưởng chừng như mới lạ nhưng lại rất gần gũi và thân thương. Trải qua chặng đường khá dài, quý cha có cơ hội trải nghiệm những cung đường khúc khuỷu để thăm các giáo điểm Việt Quang, Quang Bình, Xín Mần, Mốc 5 và Hoàng Su Phì.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log