Thứ sáu, 29/03/2024

Truyện dài: Trở Về - Chương 5

Cập nhật lúc 09:21 05/03/2020
Buổi tối hôm đó, Hoàng tập hát cho ca đoàn của giáo xứ đến lúc khá muộn. Những giây phút ngại ngùng ban đầu khiến cho nhịp độ tập luyện không thể nhanh như mọi lần Hoàng đứng chỉ nhịp. Điểm tựa cho Hoàng trong buổi tối ấy chắc chỉ có ông quản Lợi và Hòa – đứa em gái bên nhà hàng xóm chơi thân với Hoàng từ nhỏ. Chỉ có hai người này là tập trung hoàn toàn theo từng động tác, từng ngón tay uyển chuyển của Hoàng trong cả buổi tập hát. Những người còn lại đôi lần vẫn xầm xì, vẫn quay qua quay lại với nhau. Chàng cũng lấy lại sự tự tin dần dần. Thật may là cả bộ lễ cũng được chàng và mọi người tập luyện xong.
Trăng lúc ấy đang lên cao. Không còn là trăng rằm, nhưng vẫn sáng cả đoạn đường nhỏ chạy dọc cả làng. Con đường chia cái xóm nhỏ của quê Hoàng ra làm hai, bên Đông bên Tây. Nhà thờ giáo xứ nằm ngay cạnh con đường, nên hai xóm được gọi “xóm Đông”, “xóm Tây” cũng là cách cho biết xóm đó nằm phía nào của nhà thờ.
Hoàng và Hòa đang dõng bước bên nhau. Cả hai người đi trong im lặng. Hòa cách Hoàng hai tuổi. Cô đang thực tập tại bệnh viện ở quê. Hoàng là con một của gia đình, nên Hòa như đứa em gái thân thiết với chàng từ nhỏ. Những buổi tối như thế này của gần hai mươi năm trước là những buổi tối hai anh em rong ruổi khắp xóm, chơi trốn tìm với lũ bạn, đi trộm quả trong một mảnh vườn bất kỳ, hoặc chỉ đơn giản là cùng ngồi trên bờ đê hóng gió. Mỗi dịp về quê, Hoàng và Hòa vẫn trò chuyện, vẫn tâm sự và thân thiết như xưa. Cũng chính Hòa là người đầu tiên được nghe mong ước đi tu của Hoàng. Nhưng từ ngày rời Chủng viện, Hoàng vẫn chưa nói chuyện với Hòa. Một phần vì Hòa đi thực tập suốt. Một phần vì Hoàng cũng chưa biết phải nói gì với Hòa.
  • Anh Hoàng về mà không thấy bảo với em gì cả. Không coi em là em gái nữa hả? – Hòa mở lời.
  • Gặp cô thì anh biết nói gì bây giờ? Khoe là anh tu xuất rồi hả? Đi ra khỏi nhà còn chả muốn nữa là gặp gỡ ai. Gặp ai họ cũng xì xèo.
  • Sợ em xì xèo hả - Hòa cười tủm tỉm – Mấy nay em đi lên viện suốt nên cũng không sang thăm bác với bà được. Hôm nọ mẹ em về kể anh về, em cứ không tin.
Lại im lặng. Nụ cười thoáng chợt của Hòa cũng không giúp Hoàng tìm được điều gì để nói. Mỗi người một dòng suy tư. Mỗi người một ý nghĩ của riêng mình.
  • Giờ anh tính thế nào? – Hòa lại mở lời.
Hoàng ngập ngừng chưa trả lời luôn. Anh ngẩng mặt lên, nhìn trăng. Vẫn là ánh trăng bàng bạc đang chiếu thẳng xuống. Chính anh cũng chưa biết mình sẽ thế nào.
  • Chắc anh lại lên Hà Nội tìm việc thôi.
  • Bao giờ anh đi?
  • Đợi lễ Thêm sức này xong, anh mới đi. Nhận lời với cha, với ông Lợi rồi nên giúp cho xong việc đã. Mà em bao giờ thực tập xong?
  • Em cũng dịp lễ lần này xong là xong. Ơ thế hai anh em mình lại lên Hà Nội cùng dịp luôn à? Giống hồi anh đưa em lên thi Đại học thế nhỉ. Xa Hà Nội hẳn hai năm thế, còn nhớ đường đất không đấy? Hay lại tính làm kẻ lang thang như từng ước thế?
Hoàng bật cười. Cũng không hiểu sao anh bật cười được trước câu hỏi của Hòa. Vì anh nhớ lại một thời từng lãng đãng nghệ sỹ của mình chăng? Ngày còn học đại học, Hoàng thích nhất những buổi chiều Chúa Nhật. Anh sẽ mặc cho mình những bộ quần áo thoải mái nhất, thả bộ khắp các nẻo đường cho đến khi tới Nhà Thờ. Hòa từng bị anh lôi đi, làm bạn đồng hành bất đắc dĩ cho những chuyến vi hành đó. Rồi cô đâm mê những buổi chiều lang thang cùng Hoàng như thế từ bao giờ không hay.
  • Mấy thằng bạn anh đang rủ lên chơi, rồi xem có ở lại làm cùng chúng nó được hay không.
  • Anh Quân ấy hả?
  • Ừ. Thằng Quân. Em vẫn nhớ nó à?
  • Nhớ chứ. Em sang đó chơi suốt. Anh ý giờ mở cả trung tâm hoành tráng. Anh lên đó lại hay. Dạy đàn, dạy nhạc, dạy hát. Đúng chuyên môn quá rồi.
  • Anh cũng đang tính thế. Nhưng đợi hỏi ý của mẹ xem thế nào đã. Chắc cũng phải đi sớm thôi. Ở nhà cù bất cù bơ thế này, người ta lại càng nói mình hơn.
Câu chuyện đưa hai người về đến đầu ngõ từ lúc nào không biết. Lần đầu tiên Hoàng đi bộ giữa làng mình mà không phải lấy bước chân ra đếm như mấy tuần nay. Hai người chào nhau, rồi mỗi người một lối ngõ.
Bà Minh vẫn đang ngồi ngoài hiên. Trong nhà chỉ bật mấy ngọn đèn trên bàn thờ. Ánh trăng sáng giữa hè sục vào từng nền gạch nhỏ của cái hiên trước nhà. Bà ngồi đó, lâm râm lần hạt. Lúc Hoàng bước vào đến chỗ mẹ cũng là lúc bà vừa lần đến hạt cuối cùng của chuỗi tràng hạt gỗ.
Hoàng ngồi xuống cạnh mẹ, với tay lấy ấm nước vối mẹ anh đã pha sẵn ở đó. Bà Minh làm dấu kết xong, quay sang hỏi con:
  • Nay tập hát ổn không con? Họ có nói gì không?
Hoàng uống xong ngụm nước, đặt cái chén về chỗ cũ rồi trả lời mẹ:
  • Không mẹ ạ. Cha ra gặp mọi người, nói chuyện với mọi người. Ông quản Lợi cũng nói chuyện với họ trước lúc con vào, nên cũng đỡ. May mà vẫn tập xong.
  • Ừ! Vậy cũng đỡ - Bà cất cỗ tràng hạt vào túi áo nhỏ của mình, lại quay sang Hoàng – mà con đã gọi điện lên cho cha Hảo chưa?
Hoàng ngập ngừng. Chàng dựa vào cột hiên nhà, thả mắt vào không gian trước mắt:
  • Con chưa mẹ ạ. Cũng chả biết nói gì mà gọi. Kiểu gì cha cũng biết rồi. Nhưng…con sợ.
  • Sợ gì. Có chuyện gì thì cũng phải thưa, phải báo với cha hẳn hoi chứ. Hôm con về, mẹ đã gọi lên cho cha rồi đấy. Thấy cha cũng đâu có trách gì đâu.
  • Mẹ gọi rồi hả? – Hoàng ngồi bật dậy, nghiêm ngắn nhìn mẹ - Cha nói gì với mẹ?
  • Cha chỉ an ủi, rồi bảo mẹ cầu nguyện thêm nhiều cho con. Cha cũng bảo không thấy con gọi hay nhắn gì cho cha. Cha còn bảo thêm là hôm nào con lên thăm cha. Con có tính lên đó không?
  • Chắc là con sẽ lên. Con đang tính lễ Thêm sức này xong thì con lên cha mấy ngày. À, con cũng tính lên lại Hà Nội để tìm việc. Đợi lễ xong con sẽ đi.
Nghe con nói thế xong, bà Minh im lặng. Hoàng cũng im lặng. Từ ngày anh về lại nhà, hai mẹ con đã cố gợi lên những câu chuyện không xa xôi nhất để tâm tình, để trò chuyện. Vậy mà vẫn có những khoảng không bất chợt như thế này hiện ra.
  • Con xem thế nào tốt thì làm. Nhớ gọi điện rồi báo cho cha Hảo sớm. Mẹ đi ngủ trước đây.
Bà Minh đứng dậy, đi vào nhà. Chỉ còn một mình Hoàng ngồi lại ngoài hiên nhà. Giữa mẹ và anh đã không còn xa cách như trước nữa. Hai mẹ con vẫn động viên nhau trong những ngày khó khăn này. Sự động viên của im lặng, của sự vị tha mà mẹ dành cho anh. Mẹ lúc nào cũng im lặng đúng lúc. Hoàng luôn nhận thấy giữa mẹ và mình có một mối dây rất lạ. Hoàng hiểu sự im lặng của mẹ. Có thể là lời nhắc nhở, là sự vị tha, là…rất nhiều. Hoàng luôn thấy mình thật nhỏ bé khi ở bên mẹ. Thật may khi lúc này, mẹ vẫn hiểu và vẫn cảm thông cho anh nhiều như thế. Gia đình đã quen với việc trở về của anh. Gia đình đã hiểu, đã cảm thông và đã đón anh về. Còn giáo xứ, anh không dám chắc lắm. Đã có những người hiểu cho anh rồi.
Bên phía hàng rào có le lói ánh flash, chiếu về phía Hoàng. Tiếng gọi khe khẽ:
  • Anh Hoàng! Anh Hoàng!
Hoàng đứng dậy, đi lại bên hàng rào. Là Hòa. Hòa đang gọi anh.
  • Em chưa ngủ mà còn ra đây làm gì đấy? – Hoàng đứng bên hàng rào, với sang để trả lời Hòa.
  • Em bảo này. Lâu rồi em với anh không ra đê sông chơi. Hay tối mai tập hát xong, mình ra đó chơi xíu đi.
Hoàng ngạc nhiên trước lời đề nghị bất ngờ này. Từ ngày về thì Hoàng chỉ loanh quanh luẩn quẩn trong nhà, chưa kịp nghĩ ra đê sông quen thuộc.
  • Không sợ người ta thấy rồi người ta nói cho à? – Hoàng với sang bên kia hàng rào.
  • Sợ gì. Ngày xưa còn là ông thầy thì không dám rủ, chứ giờ thì (Hòa ngập ngừng trước câu nói của mình. Hình như vừa lỡ lời thì phải). Nói chung là mai anh có đi không? Mấy nay em cứ đi viện rồi về nhà, cũng bí bách quá rồi.
  • Để xem mai tập xong sớm không đã. Anh không hứa trước đâu nhé. Giờ thì đi ngủ đi, mai còn đi làm.
  • Em thức khuya quen rồi. Anh đi ngủ trước đi. Đừng quên lịch hẹn đấy.
Hoàng chào tạm biệt cô hàng xóm rồi quay lại nhà. Ngoài mẹ ra, chắc chỉ có Hòa đang thoải mái chấp nhận sự hiện diện của anh tại quê lúc này.
Hoàng nhìn trăng lần nữa. Cái ánh sáng bàng bạc vẫn phủ lên khoảng sân nhỏ một sự dịu mát, nhẹ nhõm cho anh. Tiếng côn trùng đang rỉ rả kêu đêm. Tiếng đồng hồ điểm mười một giờ đêm. Cái âm thanh trầm trầm đó nhắc Hoàng đã muộn. Anh nhẹ nhàng bước vào nhà. Tiếng thở đều của mẹ bên kia giường. Anh thả mình xuống giường. Lần đầu tiên từ ngày về, Hoàng có một buổi tối nhẹ nhàng như lúc này. Hai mí mắt của anh cũng khép dần, khép lại cả một ngày dài như bao ngày khác của ba tuần nay.
Tối hôm sau, khi hai mẹ con bà Minh vừa buông đũa sau bữa cơm tối thì tiếng gọi của Hòa đã vang vang ngoài đầu ngõ:
  • Anh Hoàng! Anh Hoàng ơi! Đi tập hát thôi!
Nghe thấy tiếng gọi, Hoàng đứng dậy vào nhà chuẩn bị quần áo để lên nhà thờ. Bà Minh cất tiếng hỏi con:
  • Hình như tiếng của cái Hòa gọi con đúng không? Đi tập hát gì mà tập sớm thế?
Vừa với tay lấy cái áo đang treo trên móc, Hoàng vừa ngoái lại trả lời mẹ:
  • Nay có chút việc nên con lên sớm gặp ông quản Lợi. Mẹ cứ dọn mâm bát đó, tý con về con rửa.
Bà Minh chưa dọn bát đũa luôn. Bà vẫn ngồi đó, nhìn về một chỗ xa xăm, đăm chiêu nghĩ điều gì. Một hồi lâu, bà mới bảo với con, lúc Hoàng đã bước ra bên hiên:
  • Vừa mới đi về, cũng tránh để họ nói ra nói vào con ạ. Mẹ biết hai anh em chơi thân với nhau từ nhỏ, nhưng cũng tránh gần gũi với nhau. Làng xóm họ biết, họ lại dị nghị vừa tu về đã dính lấy con gái.
  • Nhưng chúng con có làm gì đâu?
  • Dặn thì mẹ cứ dặn thế. Người ta đâu có hiểu cho mình. Thấy cái gì đơm đặt được là người ta đơm, người ta đặt. Tránh đi không lại khổ cho mình, khổ cho cái Hòa.
Tự nhiên Hoàng chùng chân lại. Anh trả lời mẹ:
  • Dạ! Con hiểu ạ. Thôi con đi đây.
Ra đến đầu ngõ đã thấy Hòa đứng đó đợi anh.
  • Sao lâu thế anh? Chuẩn bị đồ đạc gì mà lâu gớm.
Hai người lại sánh bước bên nhau, hướng thẳng về nhà thờ. Mới hôm qua, Hoàng mở lòng hơn khi nói chuyện với Hòa. Nay, sau khi nghe mẹ nói thế, anh lại ngượng ngùng không biết mở lời, không biết nói gì với Hòa. Cảm giác như hàng ngàn ánh mắt đang nhìn thẳng vào hai tấm lưng đang đi trên con đường làng vắng người. Đi bên cạnh, Hòa cũng im lặng. Cô tưởng hôm nay có thể nói chuyện với người anh láng giềng thoải mái hơn, giúp anh ấy mở lời hơn sau cuộc nói chuyện tối hôm qua. Giờ thì thấy anh ý cứ trầm tư, cứ lững thững bước đi như thế, cô cũng không biết bắt đầu từ đâu. Thôi thì cứ im lặng.
Cổng chính nhà thờ vẫn đóng im lìm. Theo lịch thì hôm nay không có lễ buổi chiều, nên cánh cổng không mở. Hoàng và Hòa vòng qua cổng phụ, bước vào sân nhà thờ. Các hàng đèn bên cạnh đường rước kiệu nay cũng im lìm. Các hàng cây đứng yên, không nhúc nhích. Tối nay, trăng vẫn bàng bạc, gió thì lặng im.
Có tiếng chuông điện thoại của Hoàng. Ông quản Lợi gọi cho anh:
  • Chú Hoàng lên nhà thờ chưa? Tôi đang ở chỗ ca đoàn rồi nhé.
Hoàng lấy cuộc điện thoại làm cớ để hai người bước lên chỗ ca đoàn, tránh đi cái im lặng ngượng ngùng của quãng đường từ đầu ngõ đến giờ. Lúc hai người bước vào chỗ ca đoàn tập hát thì ông Lợi đã ở đó, cùng một vài người đã tới từ lúc nào. Hoàng bước thẳng vào chỗ ông quản đã đứng đợi. Hòa cũng bước vào chỗ ngồi của mình.
Hoàng và ông Lợi đứng trao đổi với nhau về bộ lễ. Sửa chỗ này, thay chỗ kia. Những người đi tập hát cũng lục tục đến. Đến lúc đồng hồ điểm tám giờ thì hai người mới dừng lại, quay lại để chuẩn bị cho buổi tập hát. Hoàng quay lại thì… Anh sa sầm nét mặt lại. Số người đến tập hát đã vơi hẳn một nửa so với buổi tập hát trước. Cả mấy hàng ghế ca đoàn dài thế mà lác đác vài gương mặt. Rặt những người trẻ tuổi, những đứa em trước giờ vẫn chơi với Hoàng. Chúng đang chúi mắt vào điện thoại, rỉ rẩm nói chuyện với nhau. Còn những người trung niên, những người lớn tuổi hơn chút thì ngoài ông Lợi ra, không thấy ai đến nữa.
Tự nhiên Hoàng thấy người mình nóng bừng lên. Mặt anh như có hàng ngàn mũi kim đang châm thẳng vào. Hai bàn chân như chôn chặt tại chỗ. Anh không biết đưa mắt vào đâu. Những người đã đến, những người trẻ tuổi của ca đoàn, vẫn đang tập trung vào màn hình điện thoại nên không ai để ý đến Hoàng. Như có cái gì đang sôi lên trong lòng anh, rồi lại chùng xuống. “Vậy là người ta đã không còn chào đón mình nữa”. Anh muốn trốn chạy khỏi lúc này. Anh muốn không ai thấy mình nữa, ngay lúc này. Bất chợt anh đưa mắt lên. Hòa đang ngồi đó, nhìn mình. Nét mặt của cô cũng sầu sầu. Cô nhìn anh như cảm thông, như bắt lấy cái dòng suy nghĩ đang chiếm lấy anh lúc này.
Ông quản Lợi chạy ra ngoài cửa. Ông điện thoại cho người này, cho người kia.
  • Sao! Nay bị ốm nên không đi được hả? Còn mấy ngày nữa là lễ rồi mà hát hò chưa ra gì. Thế mà ai cũng vắng, ai cũng bận, ai cũng lý do. Các cô các chú có tính hát lễ cho hẳn hoi nữa không?
Liên tục là những cuộc nói chuyện căng thẳng qua ống nghe của ông quản. Mười, mười lăm phút sau được thêm ba cô trung niên, nhà gần nhà thờ, tới tập hát. Đợi thêm một lát cũng chẳng có ai. Ông quản Lợi bước vào, mặt đỏ ửng lên, giọng nói pha gì đó của bực bội, của ngại ngùng:
  • Tối nay chắc chỉ ít người thế này thôi chú Hoàng ạ. Mình cứ tập dần đi. Ai đến nữa thì đến. Chứ đợi họ thì đến bao giờ. Tối mai lễ xong chắc sẽ đông hơn.
Hoàng khẽ nói với ông câu gì đó, như là một sự vâng lời. Từ nãy tới giờ, Hoàng như người mắc kẹt, không biết bắt đầu từ đâu. Câu nói của ông quản là một mệnh lệnh, một cái phao gỡ anh ra khỏi những cái khó xử từ nãy tới giờ. Bởi anh biết, người ta không đến là vì anh, chứ chẳng phải vì ốm hay mệt gì cả. Tự nhiên Hoàng thấy nhớ. Trong đầu anh là những ngày tập hát trước đây. Những ngày anh đang là một ông thầy, ông chú. Các ghế ca đoàn sẽ không thừa ra chỗ trống nào. Ai cũng tay bắt, mặt mừng và tươi cười với anh. Còn bây giờ…
Buổi tập hát cũng chỉ kéo dài đến hơn chín giờ là kết thúc. Ít người quá, đâm ra Hoàng cũng chẳng tập thêm được gì nhiều. Anh bàn qua với ông quản Lợi cho mọi người nghỉ sớm.
Hòa chạy lại định gọi anh về cùng. Anh ra ý cho cô về trước.
Hoàng và ông quản Lợi cùng rong bộ về. Nhà của ông cùng một hướng về nhà với anh. Ông sẽ đi qua nhà anh. Hai ông con long dong bước đi. Mấy lần Hoàng định nói gì với ông, rồi lại thôi. Cuối cùng thì ông quản Lợi lên tiếng trước.
  • Thực sự xin lỗi chú quá. Cái dân làng này, xứ này vẫn cứ bảo thủ thế đấy. Cứ đi tu là phải đi tuốt luột thì họ quý, họ cung. Lỡ bước cái là…
Hoàng quay sang ông. Mái tóc pha bạc lại càng bạc hơn giữa ánh trăng đang phả xuống:
  • Cháu xin lỗi ông. Giá không phải cháu là người tập thì mọi người không ra như thế này. Hay mai ông đi tìm người khác tập cho ca đoàn. Gần lễ rồi mà cứ thế này thì lúc lễ sẽ hát ra sao được.
Ông Lợi quay sang:
  • Không! Chú cứ tập cho tôi. Thử hỏi quanh đây ai có nhạc, giỏi nhạc được như chú. Giờ chú mà bỏ đi là người ta càng có cớ nói về chú. Mai tôi sẽ đi nói chuyện với từng người xem họ nói gì. Có gì thì cũng phải vì giáo xứ chứ. Ngày lễ to như thế mà hát hò không ra gì thì mo đâu mà che mặt. Cả các xứ bạn đến dự cùng nữa. Chú cứ tập cho tôi.
  • Nhưng… - Hoàng ngập ngừng định nói điều gì đó.
  • Mai tôi sẽ vào thưa với cha, để lễ chiều mai cha nhắc họ giữa nhà thờ - Ông Lợi không để Hoàng nói hết câu -  Còn một tuần là lễ rồi chứ đâu còn nhiều nhặn gì.
Ông quản bước chậm lại, nhìn thẳng vào mắt Hoàng. Ông nói với giọng trầm trầm, cố san sẻ tâm trạng của Hoàng lúc này qua từng ánh mắt và giọng nói:
  • Tôi biết chú đang khổ thế nào. Có ai muốn đi tu rồi lại quay về. Tôi cũng có đứa cháu ở giáo phận bên kia, dự tu rồi trở về. Nhưng lúc nó về,  người ta vẫn chào đón nó. Giờ nó vẫn phục vụ cho giáo xứ tốt lắm. Cắm hoa, tập hát. Cái gì làm được là nó làm hết. Còn cái xứ mình, lòng người vẫn hẹp hòi quá. Họ cứ đòi hỏi người khác sống cho giống ý muốn của họ, mà có bao giờ đặt mình vào người khác đâu – giọng ông quản Lợi lại càng chậm hơn – Tôi cũng thương mẹ cậu. Từ mấy tuần nay lúc nào cũng lúi húi lúi húi. Hết người này nói đến người kia xì xầm. Họ không nhớ những hy sinh của bà cụ bao lâu nay. Họ không nhớ chú từng phục vụ xứ đạo biết bao ngày tháng. Giờ họ đẩy cả cậu và bà cụ vào thế khó xử. Mà đẩy vào để làm gì cơ chứ? Họ tưởng họ đạo đức hơn người khác à?
Hoàng cứ đi bên cạnh, yên lặng nghe ông quản Lợi mở ra từng mối gỡ cho tâm trạng của mình. Ngoài Hòa ra, ông là người đầu tiên ở xứ đi bên cạnh và nói với anh những lời tâm sự thật như thế. Lúc này dù chỉ là một ánh mắt không soi xét, không xa lạ của ai cũng khiến anh nhẹ lòng hơn, như được bước thêm một bước nữa trong chặng đường về với quê hương.
Đến đầu ngõ, ông quản quay sang Hoàng:
  • Cố lên chú ạ! Tôi vẫn ủng hộ chú. Chí ít cũng cố làm cho người ta hiểu, để mẹ của chú đỡ phải lủi thủi như bây giờ. Cố lên nhé!
Ông bắt tay Hoàng, cái bắt tay chặt và ấm nóng.
Hai người chia tay ở đầu ngõ. Hoàng lặng lẽ bước vào nhà. Đèn trong nhà đã tắt. Cả khoảng sân yên lặng. Tiếng thở của bà Minh đã bắt đầu vào nhịp nhẹ đều. Hoàng ngồi lại tại hiên. Anh cứ ngồi đó, cứ để mình yên lặng như thế. Bao nhiêu mối suy nghĩ đang len lên trong lòng anh. Anh chẳng biết sẽ bắt đầu từ đâu. Tưởng chừng đã có thể hòa nhịp với mọi người. Ai ngờ rằng hôm nay như một cái đập mạnh vào đầu gối, khiến anh giật mình nhìn lại, và thấy lòng mình đau.
Giữa khoảng sân nhỏ tràn cả ánh trăng bạc đêm ấy, giữa những cơn gió đang heo heo thổi, giữa tiếng thở nhẹ đều của bà Minh, một tiếng khóc nhỏ cố kìm lại để không thành tiếng.
Hà Nội, ngày 18 tháng 1 năm 2020
Quang Hải 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Giáo xứ Cát Ngòi – Thánh lễ Tiệc ly chiều Thứ Năm tuần Thánh
Giáo xứ Cát Ngòi – Thánh lễ Tiệc ly chiều Thứ Năm tuần Thánh
Vào lúc 19g30, Thứ Năm Tuần Thánh, ngày 28.3.2024, tại giáo xứ Cát Ngòi, cha xứ Đaminh Hoàng Thế Bằng đã chủ sự Thánh lễ Tiệc Ly khai mạc Tam Nhật Thánh, đông đảo bà con giáo dân trong và ngoài giáo xứ tham dự với tâm tình sốt mến thờ phượng.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log