Thứ sáu, 26/04/2024

Bài phỏng vấn của báo Công giáo và Dân tộc dành Đức Cha Antôn sau khi Đức Giáo Hoàng chấp thuận đơn từ nhiệm Giám mục Chính tòa giáo phận Đà Lạt

Cập nhật lúc 14:22 05/10/2019
Cg&Dt: Xin chúc mừng Đức cha vừa được Tòa Thánh chấp thuận đơn xin nghỉ hưu ở tuổi 75 theo Giáo luật. Cảm giác của Đức cha bây giờ ra sao ạ ?
ĐGM Antôn: Nếu được “chúc mừng” thì “mừng” là cảm giác phải có, vì người “chúc” ngụ ý nói rằng người “được chúc” đã hoàn thành nhiệm vụ. Xin cám ơn tòa soạn Cg&Dt.
Cg&Dt:  Trong gần 16 năm làm Giám mục Chánh tòa ở 2 giáo phận khá đông giáo dân là Hưng Hóa (10/2003-03/2011) và Đà Lạt (03/2011-09/2019), điều gì khiến Đức cha nhớ nhất ở từng nơi trong hành trình mục tử của mình ?
ĐGM Antôn: Giáo phận Hưng Hóa nằm trên địa bàn mười tỉnh Tây Bắc nhưng số giáo dân không đông bằng giáo phận Đà Lạt nằm trên địa bàn một tỉnh Lâm Đồng. Mỗi giáo phận có một sắc thái riêng, có nhiều điều đáng nhớ nhưng cũng có ít điều ráng quên. Chỉ có một điều tôi nhớ nhất đó là Thiên Chúa đã yêu thương tôi hơn tôi đáng được yêu.
Cg&Dt:  Đức cha có thể có một so sánh ngắn gọn về sự khác nhau trong mục vụ giữa hai giáo phận, cũng như chia sẻ một vài thành quả ở hai miền đất này.
ĐGM Antôn: Giáo phận Hưng Hóa là một giáo phận miền núi có diện tích rộng lớn nhất Việt Nam, đặc biệt về nhân sự gặp nhiều khó khăn, lại “trống tòa” 11 năm (từ 1992 đến 2013); còn giáo phận Đà Lạt chỉ “trống tòa” 8 tháng, lại có nhiều thuận lợi. Vì thế, trong mục vụ, tuy phải nỗ lực nhiều ít khác nhau, nhưng cùng một định hướng là xây dựng giáo phận, giáo xứ trở thành một cộng đoàn đức tin, một cộng đoàn phụng tự, một cộng đoàn bác ái, để trở nên một cộng đoàn loan báo Tin Mừng, theo mô hình Giáo hội thuở ban đầu được ghi trong Sách Công vụ Tông đồ (x. Cv 2, 42-46) và cũng đã được Đại hội Dân Chúa tại Việt Nam triển khai năm 2010. Việc xây dựng cộng đoàn là việc trường kỳ, thành quả không dễ nhìn thấy được như việc xây dựng cơ sở vật chất.
Cg&Dt:  Có thể dễ dàng nhận ra, tại Hưng Hóa trước đây và Đà Lạt sau này, Đức cha đã dành khá nhiều tình cảm và sự quan tâm cho những anh em sắc tộc thiểu số. Thưa, đâu là lý do thúc đẩy Đức cha có sự chọn lựa này ?
ĐGM Antôn: Tại địa bàn giáo phận Hưng Hóa có đông đồng bào sắc tộc thiểu số hơn tại địa bàn giáo phận Đà Lạt. Công việc truyền giáo cho người dân tộc tại giáo phận Hưng Hóa bị đứt quãng từ sau năm 1954. Còn tại giáo phận Đà Lạt, từ trước khi hình thành Giáo phận (năm 1960), việc truyền giáo cho người dân tộc đã khởi sự từ năm 1927 với vị thừa sai nhiệt thành là Cha Jean Cassaigne, dần dần trở thành mối quan tâm truyền thống của Giáo phận; số giáo dân người dân tộc hiện nay tại giáo phận Đà Lạt có khoảng 150.000 (chiếm 1/3 tổng số giáo dân, 50% tổng số người dân tộc trong địa bàn). Việc truyền giáo là việc loan báo Tin Mừng cho người nghèo, và đó cũng là lý do Giáo hội được mời gọi quan tâm đến người nghèo như chính Chúa Giêsu đã xác định về sứ vụ của mình (x. Lc 4, 16-21).
Cg&Dt:  Nhìn lại chặng đường 16 năm được Tòa Thánh trao sứ vụ Giám mục và đã làm được rất nhiều việc, Đức cha có điều gì băn khoăn hay thao thức vì chưa thực hiện được, do những nguyên nhân khách quan hoặc chủ quan ?
ĐGM Antôn: Công việc thì không bao giờ làm hết. Có người chưa đến tuổi hưu “đang mải dệt đời mình bỗng nhiên bị tay Chúa cắt đứt ngay hàng chỉ” (Is 38, 12). Nay tôi đã đến tuổi được nghỉ hưu, xin tạ ơn Chúa. Cuộc đời mỗi người tuy dài ngắn khác nhau, nhưng ước gì nói được như Chúa Giêsu “mọi sự đã hoàn tất” thì dù như Chúa Giêsu kết thúc cuộc đời trần thế ở tuổi 33 sau 3 năm thi hành sứ vụ, cũng đã hoàn thành nhiệm vụ theo thiên ý.
Cg&Dt:  Đức cha sẽ nghỉ hưu ở đâu và những dự định của Đức cha cho những ngày tháng hồi hưu sắp tới ?
ĐGM Antôn: Giáo phận Đà Lạt có nhà hưu dưỡng cho các linh mục và giám mục tại Bảo Lộc. Ngày 12/02/2018, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ký ban hành một Tông Thư dưới dạng Tự Sắc có tên là “Học cách nói lời tạm biệt” liên quan đến việc từ chức vì lý do tuổi tác của các giám mục trên thế giới. Đức Thánh Cha viết rằng: “Việc kết thúc một chức vụ trong Giáo hội cần phải được coi là một phần không thể tách rời của sứ vụ đó, vì nó đòi hỏi một hình thức mới của thái độ sẵn sàng”. Xin phép tâm sự: tôi đã sẵn sàng từ 4 năm trước đây khi đệ đơn xin Giám mục phó (ngày 30/03/2015) và đã có Giám mục phó với quyền kế vị từ 2 năm nay (ngày 08/04/2017); tôi đã sẵn sàng từ 5 tháng nay khi đệ đơn từ nhiệm (ngày 21/04/2019) trước ngày quy định theo Giáo luật là ngày tròn 75 tuổi (14/9/2019). Đối với những vị chuẩn bị rời khỏi vị trí lãnh đạo, Đức Thánh Cha mời gọi hãy “phân định qua lời cầu nguyện cách sống trong giai đoạn sắp tới, và lập ra một dự án mới cho cuộc sống”, nghĩa là nghỉ hưu rồi vẫn phải làm việc phù hợp, làm việc cho đến hơi thở cuối cùng. Tôi có ý định đi tĩnh tâm ít ngày sau khi được Đức Thánh Cha chấp thuận đơn xin từ nhiệm. Một giám mục đã nêu gương chia sẻ 5 điều đặt ra cho những ngày tháng nghỉ hưu của mình là: khổ chế, cầu nguyện, khiêm nhường, đọc sách và tham gia một chút vào việc phụng vụ. Tôi không biết mình có thể làm được như vị đó không, nhưng ao ước rằng: khi đã nghỉ hưu, mình có thể làm được những điều mà Đức Thánh Cha mong muốn và cố gắng làm theo những dự án mà mình đã định hướng, tự nhắc nhở mình tránh nói hoặc làm gì gây tổn thương những người có trách nhiệm và có thể tác hại đến việc xây dựng Giáo phận mà mình đã phục vụ hoặc đường hướng chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam.
Cg&Dt:  Cuối cùng, Đức cha có nhắn gởi điều gì đến cộng đồng Dân Chúa tại hai giáo phận Hưng Hóa và Đà Lạt, cũng như những độc giả của báo CGvDT ?
ĐGM Antôn: Tôi xác tín rằng những gì tôi đã làm được là do ơn của Chúa và sự cộng tác của nhiều người; vì thế xin mọi người hợp ý với tôi tạ ơn Chúa và tôi xin chân thành cám ơn mọi người. Những gì tôi đã không làm được hoặc làm không đúng là do lỗi của tôi; xin mọi người tha thứ cho tôi như Chúa luôn tha thứ cho tôi. Nếu Chúa đã ban nhiều ơn cho chúng ta mà chúng ta lại làm cho những ơn đó ra vô ích thì là lỗi của chúng ta mà mỗi người cần điều chỉnh không ngừng. Xin mọi người cầu nguyện cho các giám mục và linh mục tại chức cũng như đang nghỉ hưu. Riêng trong Thánh Lễ, tôi đã lưu ý các linh mục trong Giáo phận về ý nghĩa quy định Phụng vụ của Giáo hội: trong Kinh Nguyện Thánh Thể, việc nêu tên Đức Giáo hoàng đang cai quản Giáo hội hoàn vũ và Đức Giám mục đang cai quản Giáo phận nói lên dấu chỉ hiệp nhất và mối hiệp thông mang ý nghĩ thần học (chứ không vì tình cảm); do đó trong Giáo phận, chỉ nêu tên Giám mục Chính tòa (và có thể nêu tên Giám mục Phó hoặc Phụ tá), nhưng không nêu tên các giám mục nghỉ hưu (cũng như hiện nay chỉ nêu tên Đức Giáo hoàng Phanxicô mà không nêu tên Đức Giáo hoàng Bênêđictô), và không nêu tên các giám mục đồng tế hoặc giám mục chủ tế mà không phải là Giám mục Giáo phận nơi cử hành Thánh Lễ. Chúng ta có thể tùy dịp cầu nguyện cho các ngài trong Lời nguyện Tín hữu.
 
Nguồn: Cg&Dt số 2224 - Tuần lễ từ 20-26/9/2019
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Đức Cha Đaminh Hoàng Minh Tiến huấn đức cho quý Thầy Đại Chủng viện Huế
Đức Cha Đaminh Hoàng Minh Tiến huấn đức cho quý Thầy Đại Chủng viện Huế
Chiều ngày 22.04.2024 Đức Cha Đaminh Hoàng Minh Tiến, Giám mục Giáo phận Hưng Hoá, đã viếng thăm và huấn đức cho quý Thầy Đại Chủng viện Huế. Trong bài chia sẻ này, Đức Cha mời gọi các chủng sinh ước mơ và mong muốn trở thành một linh mục thánh thiện.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log