Thứ năm, 18/04/2024

Mười Lời Khuyên Của Đức Giáo Hoàng Phanxicô Để Sốt Sáng Tham Dự Thánh Lễ

Cập nhật lúc 08:59 18/05/2018
 
Đức Phanxicô đưa ra mười lời khuyên thiết yếu để dự lễ sốt sắng và chiêm ngắm sự kỳ diệu của thánh lễ:
1. Không có thánh lễ-trình diễn
Trong thánh lễ, chúng ta “sống lại sự Thương Khó của Chúa Giêsu, vì thế đây không phải là một buổi trình diễn”, nên không nói chuyện cũng như không điện thoại cầm tay. Về điểm này, Đức Phanxicô tỏ ra rất nghiêm khắc với tất cả mọi người, ngài thú nhận đã rất đau buồn trước một vài ứng xử: “Đây là một chuyện rất xấu! Và tôi rất buồn, khi tôi dâng thánh lễ ở đây, ngoài quảng trường Thánh Phêrô hay trong Đền thờ Thánh Phêrô, tôi thấy bao nhiêu là máy điện thoại cầm tay đưa lên, không phải chỉ có tín hữu mà cả một số linh mục và giám mục. Thánh lễ không phải là một buổi trình diễn, mà là đến với Sự Thương Khó và Sống Lại của Chúa. Linh mục nói: “Hãy nâng tâm hồn lên”. Điều này có nghĩa là gì? Xin anh chị em nhớ đừng nâng máy điện thoại cầm tay lên”.
2. Không làm dấu thánh giá nguệch ngoạc
Thánh lễ bắt đầu bằng làm dấu thánh giá, để nhắc lại cho chúng ta nhớ, chúng ta được thánh giá Chúa Giêsu cứu chuộc. Và đó là bắt đầu một đời sống, và bắt đầu một ngày cũng như vậy. Đức Phanxicô xin các cha mẹ dạy con cái làm dấu thánh giá đàng hoàng, với lòng tôn nghiêm chứ không làm nguệch ngoạc.
3. Thinh lặng
Đức Phanxicô giải thích thánh lễ là “lời cầu nguyện tiêu biểu” vì thế phải thinh lặng ngay từ đầu thánh lễ để chuẩn bị bước vào mối “tương quan mật thiết của mình với tình yêu Chúa”. Thinh lặng giúp chúng ta đón nhận sâu xa, giúp chúng ta “ý thức vì sao chúng ta có mặt ở đây” trong thánh lễ này. Đây là giây phút mở lòng ra với Chúa. Trong thinh lặng chúng ta nghe tiếng nói của Thần Khí.
4. Thật lòng ăn năn hối cải
Lúc khởi đầu thánh lễ, nghi thức ăn năn sám hối là chủ yếu, nó giúp chúng ta khiêm tốn đặt mình trước Chúa với con người thật của mình. Đức Phanxicô giải thích cho các tín hữu hành hương ngày 02.01.2018 vừa qua: “Chỉ ai ý thức sự khốn cùng của mình và khiêm tốn nhìn xuống thì sẽ cảm nhận được lòng thương xót của Chúa trên mình, đây là sự thanh tẩy qua hình thức xưng tội chung mà chúng ta đọc ở ngôi thứ nhất” để hiểu trách nhiệm của mình và bắt đầu dự phần vào thánh lễ.
5. Hình dung đến đồi Canvê
Trong bài giáo lý ngày 22.11.2017, Đức Phanxicô giải thích thánh lễ không phải là tưởng niệm một biến cố quá khứ, nhưng “còn hơn thế nữa, là tham dự vào sự chiến thắng vĩnh viễn của Chúa Kitô trên cái chết, một chiến thắng mang lại cho đời sống kitô trọn ý nghĩa của mình”. Đức Phanxicô nhắc lại sự quan trọng phải dự lễ ngày chúa nhật, không biến thánh lễ thành buổi trình diễn và phải thinh lặng để sống sự thương khó, cái chết, sự sống lại và lên trời của Chúa Giêsu”.
6. Thánh lễ không phải là nghe kể
Ngày 31.01.2018, Đức Phanxicô khuyên tham dự thánh lễ “trực tiếp” chứ không qua trung gian người nào hay qua truyền thông, báo chí tường thuật bình giải. Vì Tin mừng của ngày hôm nay là Lời Chúa, phải trực tiếp nghe. Lời này trở nên sống động, kêu gọi chúng ta phải “nghe trong đức tin. Chúng ta cần phải nghe Lời Chúa. Phụng vụ Lời Chúa được xem như một bàn tiệc tràn đầy kho báu của Thánh Kinh, những thức ăn cần thiết để nuôi sống chúng ta. Lời Chúa là sống động, thánh lễ là cuộc gặp gỡ sống động.
7. Chuẩn bị bài giảng kỹ
Để Lời Chúa sống trong da thịt của tín hữu và biến thành hành động thì bài giảng phải là cuộc đối thoại “giữa Chúa và dân Ngài”. Như trong nhiều lần Đức Phanxicô đã nhấn mạnh, người nào giảng thánh lễ phải “ý thức đây không phải là tác phẩm riêng của họ, họ mượn Lời Chúa để giảng. Thêm nữa, “bài giảng phải được chuẩn bị kỹ và phải ngắn, ngắn!”.
8. Chúng ta không mua bán với thánh lễ
Chúa Giêsu là trọng tâm của thánh lễ. Chúa Giêsu đòi hỏi ít nhưng cho rất nhiều. Ngài chỉ xin chúng ta “thiện tâm, có tâm hồn rộng mở, mong muốn được tốt hơn để đón nhận Phép Thánh Thể”. Đức Phanxicô nhắc lại, không một ai bị bỏ quên trong Phép Thánh Thể, cả người hiện diện cũng như người vắng mặt. Đức Phanxicô cũng nhắc lại thánh lễ cầu cho người chết không phải trả tiền. Đức Phanxicô nhấn mạnh, “Thánh lễ là sự hy sinh nhưng không của Chúa Giêsu Kitô. Ơn cứu chuộc là nhưng không, nếu anh chị em muốn dâng của lễ thì anh chị em dâng tặng, nhưng không bắt buộc trả tiền, quan trọng là anh chị em hiểu điều này”.
9. Kinh Lạy Cha và sự “kỳ diệu” của rước lễ
Trong bài giáo lý ngày 14.3.2018 về Kinh Lạy Cha, Đức Phanxicô nhìn nhận “tha thứ cho những người làm khổ chúng ta không phải là điều dễ dàng, đó là một ơn mà chúng ta phải xin”. Nhưng mỗi lần chúng ta đọc kinh Chúa Giêsu truyền dạy cho các môn đệ, chúng ta phải nhớ “Chúa Giêsu luôn tha thứ, Ngài không bao giờ mệt mỏi khi tha thứ, chỉ có chúng ta mới khó tha thứ”. Ngày 21. 3.2018, Đức Phanxicô nói “người tín hữu trở nên một với Đấng mình đón nhận”, ngài nhắc lại khi ngài nói đến điều kỳ diệu của việc rước lễ: “Mỗi lần chúng ta rước lễ là mỗi lần chúng ta gần với Chúa Giêsu hơn, chúng ta được biến đổi tốt hơn trong Chúa Giêsu”.
10. Từ thánh lễ đến cuộc sống
Ngày 4.4.2018, trong bài giáo lý cuối cùng về thánh lễ, Đức Phanxicô nhắc lại, người tín hữu kitô không nên đi lễ để làm cho xong “bổn phận” trong tuần, nhưng phải ra về trong xác tín thánh lễ chưa xong, họ phải đem những gì họ sống trong thánh lễ ra đời sống, trong các sinh hoạt hàng ngày, ở nhà, nơi làm việc, trong mọi quyết định cụ thể họ phải làm trong đời sống hàng ngày.
Đối với Đức Phanxicô, thánh lễ dạy cho chúng ta vun trồng ba thái độ: “tạ ơn Chúa mọi mơi, mọi lúc”, “biến cuộc sống chúng ta thành ơn của tình yêu, của tự do và của nhưng không”, “xây dựng sự hiệp thông cụ thể trong Giáo hội và với tất cả mọi người”.
 
(Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch)
www.phanxico.vn
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Giáo hạt Hà Tuyên Hùng: Tĩnh tâm tháng 4 và thăm mục vụ tại các điểm truyền giáo thuộc giáo xứ Tân Quang của quý cha trong giáo hạt
Giáo hạt Hà Tuyên Hùng: Tĩnh tâm tháng 4 và thăm mục vụ tại các điểm truyền giáo thuộc giáo xứ Tân Quang của quý cha trong giáo hạt
Có thể nói đây là dịp đặc biệt để quý cha trong giáo hạt, cách riêng là quý cha lần đầu tiên đặt chân đến Hà Giang, biết đến những giáo điểm tưởng chừng như mới lạ nhưng lại rất gần gũi và thân thương. Trải qua chặng đường khá dài, quý cha có cơ hội trải nghiệm những cung đường khúc khuỷu để thăm các giáo điểm Việt Quang, Quang Bình, Xín Mần, Mốc 5 và Hoàng Su Phì.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log