Thứ năm, 25/04/2024

Đồng hành Khôi Bình tháng 10 -2016

Cập nhật lúc 17:50 08/10/2016

Lời ngỏ
Anh chị em Khôi Bình thân mến,
Vấn đề môi trường không hề là vấn đề mới mẻ, nhưng gần đây lại trở thành thời sự nóng bỏng trên thế giới. Từ lâu người ta đã  nói tới nguy cơ của việc phá hoại thiên nhiên và làm ô nhiễm môi trường đối với trái đất và đời sống con người (x. ĐGH. Phanxicô, Thông điệp về việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta, số 20 - 22). Chẳng hạn việc phá rừng đưa tới những trận lũ lụt ngày càng nhiều và hung hãn hơn, kéo theo sạt lở đất cũng như hiện tượng sa mạc hóa do đất bị xói mòn và xuống cấp; phá rừng không thương tiếc cũng  là một nguyên nhân của tình trạng thiếu nước sinh hoạt và nước uống tại nhiều quốc gia, do nguồn nước ngầm bị giảm và các dòng sông bị ô nhiễm.
Nói gì xa xôi, hãy cứ nhìn vào nước ta trong những ngày này thì sẽ thấy ngay: Công ty Fomosa Hà Tĩnh gây ô nhiễm biển tại bốn tỉnh miền trung (06/4/2016). Tổng cộng đến gần 300km bờ biển ảnh hưởng. Cá bị chết lên đến vài chục tấn ở mỗi tỉnh, có đủ loại lớn nhỏ, từ vài trăm gam cho tới những con cá nặng đến 35kg. Tình trạng này đang làm dư luận cả nước xôn xao, riêng đối với những người mà cuộc sống gắn bó với nghề cá lại càng khốn khổ. Trên 200 tấn cá nuôi tại tại Hồ Tây - Hà Nội chết (02/10/2016), người ta nghi là nước bị nhiễm độc.
Hiện nay, Liên Hiệp Quốc, các chính phủ, các tổ chức bảo vệ môi trường và các đảng xanh báo động ở mức khẩn cấp là sự biến động chưa từng có về khí hậu.Trái đất đang nóng lên do chính con người gây ra, đó là điều không thể chối cãi. Theo Tổ Chức Khí Tượng thế giới, tính đến tháng 10/2015, nhiệt độ trái đất ấm lên khoảng 0,9 độ C kể từ năm 1880. Con số này gồm cả nhiệt độ ở bề mặt đại dương. Sự ấm lên được cảm nhận rõ ở các vùng đất liền, Bắc Cực và nhiều khu vực ở Nam Cực. Con số 0,9 độ C nghe có vẻ thấp, nhưng xét theo nhiệt độ trung bình của bề mặt một hành tinh, nó thực sự là mức cao.
Nhiệt độ tăng lên thì cái gì xảy ra? Mực nước biển sẽ dâng cao hơn do lớp băng trên Bắc Băng Dương tan giá. Và theo tính toán của các nhà khoa học vào năm 2100 mực nước biển sẽ dâng lên 0,5m đến 1m (hiện nay đã là 0,4m). Cao hơn 1m, nhiều nước sẽ mất đi nhiều vùng lãnh thổ, nhiều thành phố lớn nhất thế giới sẽ biến mất, hàng triệu người lâm nguy.
Từ thực trạng đó, các nhà họach định chính sách kinh tế của mọi nước phải thấy rõ là không thể tăng trưởng kinh tế với bất cứ giá nào, không thể hy sinh môi trường cho kinh tế. Vả lại, việc bảo vệ môi trường thiên nhiên có liên quan trực tiếp tới kinh tế. Nhất là nó liên quan tới sức khỏe, tới chất lượng cuộc sống và cả  tính mạng của con người. Ngoài ra, nó còn mang ý nghĩa đạo đức nữa. Trái đất và các nguồn tài nguyên thiên nhiên không thuộc riêng về các thế hệ hiện tại, nhưng các thế hệ tương lai cũng có quyền thụ hưởng như họ. Người ta phải khai thác và giữ gìn nó trong tinh thần trách nhiệm, công bằng và liên đới.
Đối với người Kitô hữu, đó còn là một sứ mạng do chính Thiên Chúa Đấng Tạo Hóa giao phó cho. Hội đồng Giáo mục Bồ Đào Nha kêu gọi chúng ta sự công bằng này: Môi trường nằm trong logic tiếp nhận. Nó là một khoản nợ mà mỗi thế hệ nhận và phải tiếp tục trao lại cho thế hệ kế tiếp (x. ĐGH. Phanxicô, Thông điệp về việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta, số 67- 69. 159). Cùng ý tưởng đó, nhà văn Pháp Saint Exupéry nói rất hay thế này: Chúng ta không thừa hưởng trái đất này từ cha mẹ chúng ta, mà vay mượn nó từ con cháu chúng ta.
Thưa anh chị em,
Việc bảo vệ môi trường thiên nhiên, như thế, là vô cùng quan trọng. Nhưng bảo vệ môi trường xã hội và môi trường tinh thần (đạo đức) cũng rất quan trọng, và còn quan trọng hơn. Vật chất, tiện nghi, tăng trưởng kinh tế, … chỉ là một điều kiện, nói cho cùng là rất tương đối, không thể là yếu tố quyết định hạnh phúc con người, không thể tự nó làm tăng chất lượng cuộc sống, nói gì tới việc gia tăng “tính người”, “chất người” cho chúng ta.
Đất nước chúng ta đã mở cửa hội nhập với thế giới, lấy kinh tế thị trường thay cho kinh tế bao cấp, đó là điều đáng mừng. Chúng ta đang được thụ hưởng bao nhiêu điều tốt đẹp do chính sách này. Nhưng đồng thời cũng không được coi thường sự suy thoái của môi trường xã hội và đạo đức hiện đã rất trầm trọng. Nhiều mảng văn hóa, nhiều mảng truyền thống tốt đẹp của dân tộc đang bị đe dọa, thậm chí đã rơi rụng trước ảnh hưởng xấu của nền văn minh vật chất hưởng thụ và thực dụng đang tràn vào mà xem chừng khó có gì ngăn chặn hữu hiệu.
Mới đây, có môt cuộc tranh luận trên báo chí và thu hút được nhiều người. Người ta tranh luận về hiện tượng được gọi là “cuộc giải phóng tình dục” trong giới trẻ (hay một bộ phận của giới trẻ?). Những người trẻ này coi việc quan hệ tình dục dễ dàng, tự do, trong tình yêu hay ngoài tình yêu, trong hôn nhân hay ngoài hôn nhân là một chuyện tự nhiên, thoải mái, không nhất thiết phải kín đáo, lại còn cho như thế là hiện đại, hợp thời. Qua theo dõi trên các phương tiện truyền thông xã hội, tôi thấy số đông (ngay trong giới trẻ) không đồng tình với quan niệm trên. Những bậc cha mẹ, những nhà giáo dục nên lên tiếng chống lại hiện tượng trên khi mới manh nha nhưng đang muốn được xã hội coi là nhu cầu bình thường của tuổi trẻ. Xin anh chị em đừng ngại bị coi là cổ hủ, lỗi thời. Không phải tất cả cái “mới” đều là tốt cả, không phải tất cả những cái có “xưa nay” đương nhiên là xấu hay lạc hậu cả. Cái lập luận coi nhu cầu sinh lý của con người giống như việc ăn, việc uống, việc ngủ nghỉ v.v. là hoàn  toàn  sai. Chúng ta không ăn, không uống lâu ngày chúng ta sẽ chết, nhưng không ai chết vì không có quan hệ tình dục cả. Chỉ có tình yêu thì ai cũng phải có, không thể thiếu. Vả lại, ngay cái ăn, cái uống, cái mặc, việc giải trí không còn là cái đơn thuần bản năng, mà là văn hóa. Ăn không phải chỉ để no bụng, mặc không phải chỉ cho ấm, nhưng ăn gì, ăn thế nào, nấu ra sao, bày biện thế nào, ngồi ăn với ai, cầm đũa hay bốc bằng tay … đều là văn hóa và nhu cầu của con người cả. Rồi trong mỗi dân tộc, mỗi nền văn hóa còn có những nét riêng nữa. Về các nhu cầu căn bản khác cũng vậy. Truyền thống văn hóa không bất di bất dịch, nhưng những giá trị đích thực thì không có tân, có cổ mà nó sẽ trường tồn với thời gian.
Cái gọi là giải phóng tình dục đã xảy ra bên phương Tây nhiều thập kỷ rồi. Nó có thực sự giải phóng con người không thì lại là chuyện khác. Một điều rất là lạ, sau khi được sống hoàn toàn thoải mái theo cuộc giải phóng tình dục, nhiều người trẻ vẫn thấy trống rỗng, cô đơn, chán chường. Khi sự tự do trong đời sống tình dục đã trở thành phổ biến và bình thường (không bị xã hội đặt vấn đề nữa), người Tây phương dần dần nhận ra những mặt trái của nó, và nhiều giá trị truyền thống như gia đình, lòng trung thủy, sự hy sinh cho con cái… lại được đề cao.
Chúng ta đang say sưa với sự phát triển kinh tế, chưa ý thức về nguy cơ của nạn ô nhiễm môi trường thiên nhiên; còn về ô nhiễm xã hội và tinh thần, chúng ta có biết đến nhưng hình như rất ít quan tâm. Nhưng sự tàn phá của thứ ô nhiễm này còn đáng lo sợ hơn !
Ước mong từng thành viên trong Cộng đoàn Khôi Hưng Hoá ý thức được sự tác hại của việc ô nhiễm môi trường xã hội và môi trường tinh thần (đạo đức) để từ đó Cộng đoàn chúng ta có những hành động thiết thực trong năm “chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân” sắp tới.
Trung kiên với Khôi Bình,
Giuse Nguyễn Ngọc Ngoạn
LMĐHKB. Hưng Hoá
 
 
CHIA sẺ LỜI CHÚA: LỄ KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO
Mt 28,16 - 20
Hoạt động truyền giáo thì có nhiều cách, nhưng có một cách rất căn bản, rất quan trọng mà hết mọi người Kitô hữu đều có thể làm và phải làm, là nêu lên chứng tá đời sống của mình cho người chưa biết Chúa, bởi vì truyền giáo hay loan báo Tin mừng là nhiệm vụ của toàn thể Giáo hội, tuy các thành phần không có cùng một trách nhiệm như nhau. Chứng tá bằng cuộc sống quan trọng đến nỗi ngay cả những người trực tiếp rao giảng Tin mừng cũng không được miễn cho. Trong số 31, Tông thư Sứ vụ Đấng Cứu Thế, Thánh Gioan Phaolô II đã quả quyết: “ … rõ ràng là không thể nào có sự công bố Tin mừng thực sự, nếu các Kitô hữu không lấy đời sống mình làm chứng tá, đi đôi với sứ điệp mình rao giảng.”
Thế nào là làm chứng cho Chúa ?
Cuộc đời của người Kitô hữu thiết yếu là một cuộc đời làm chứng. Chúa Giêsu đã làm chứng cho Chúa Cha. Tới một mức trổi vượt trong cuộc sống, trong sự chết và trong sự phục sinh của Người. Rồi chính Người lại sai các môn đệ ra đi làm chứng cho Người tại Giêrusalem, khắp miền Giuđa và Samaria, và cho đến tận cùng trái đất. Chính nhờ chứng tá của các Tông đồ truyền lại từ thời nọ qua thời kia mà ngày nay chúng ta được đón nhận Tin mừng cứu độ. Thì đến lượt chúng ta, chúng ta cũng phải tiếp nối sứ mạng làm chứng cho Chúa Kitô. Chứng tá của các Tông đồ luôn qui về điều căn bản này là: Đức Giêsu Kitô đã chết và phục sinh và được đặt làm Chúa trên mọi loài, chính nhờ Người mà chúng ta được cứu độ. Trước Thượng hội đồng Do Thái cấm họ rao giảng Đức Kitô phục sinh, thánh Phêrô và thánh Gioan đã khẳng khái đáp: “Phần chúng tôi, những gì tai đã nghe, mắt đã thấy, chúng tôi không thể không nói ra” (Cv 4, 20). Về sau chính thánh Gioan cũng viết: “Điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống. Quả vậy, sự sống đã được tỏ bày, chúng tôi đã thấy và làm chứng, chúng tôi loan báo cho anh em sự sống đời đời...” (1Ga 1, 1-3). Trước một toàn án, thông thường nhân chứng là người đã mắt thấy tai nghe, nay nói lại đúng như mình đã chứng kiến. Nhiệm vụ của họ chỉ có bấy nhiêu. Chứng nhân của Chúa cũng làm như vậy, và còn hơn nữa: họ là người không thờ ơ với điều mình biết và tin, họ tha thiết chia sẻ một chân lý mà mình say sưa và muốn cho người khác cũng được biết, cũng yêu mến. Điều họ chia sẻ không phải chỉ là một lý thuyết nhưng tiên vàn là một lẽ sống mà chính họ đang thực nghiệm. Sức mạnh của lời chứng của họ trước tiên là ở chính nơi cuộc sống đó. Cuộc đời của Chúa Giêsu, của Gioan Tẩy giả, của các Tông đồ và vô số những nhà thừa sai của Giáo hội cho thấy chứng nhân khác với ông thầy dạy, hay một cán bộ tuyên huấn như thế nào. Chứng nhân của Chúa thì coi cả cuộc đời mình là cuộc đời làm chứng, còn thầy dạy hay một cán bộ thì chỉ làm phận sự truyền đạt một tri thức, một lý thuyết trong những lúc nào đó mà thôi. Họ không đồng hoá cuộc đời mình với chức năng làm thầy giáo hay nhà tuyên truyền. Nhiều khi điều họ giảng dạy không ăn gắn gì và cũng chẳng quan hệ gì cho đời sống của họ. Đối với Kitô giáo chúng ta, chứng nhân là người sẵn sàng chết cho điều mình rao giảng. 
Thế nào là làm chứng bằng đời sống ?
Những điều vừa trình bày ở trên đã cho thấy việc liên kết lời rao giảng với đời sống của người rao giảng có tầm quan trọng hàng đầu. Trong Tông huấn Loan báo Tin mừng, Đức Phaolô VI quả quyết ít nhất hai lần rằng phương thức thứ nhất để rao truyền Tin mừng chính là làm chứng bằng một cuộc sống Kitô hữu đích thực (x. số 21 và 41). Chúng ta có thể nói một cách dễ hiểu hơn thế này: bạn nói Đạo của bạn là Đạo thật, Đạo của bạn là con đường cứu độ, Đạo của bạn không hạ giá con người trái lại hết sức đề cao, Đạo của bạn chủ trương bác ái, công bình, hoà bình, liên đới … thì bạn cứ sống như thế đi, rồi chúng tôi sẽ thấy mà tin.
Có ba cách làm chứng: nói, làm và sống. Hiệu năng nhất là làm và sống. Vì ai cũng biết nói thì dễ, làm khó hơn, và sống như mình nói lại càng khó hơn nữa. Chính việc làm và đời sống làm cho lời mình nói đáng tin hơn. Nhưng cả khi người ta chưa nói hay không thể nói, chưa làm hay không thể làm một số điều nào đó, thì người ta đã có thể sống điều mình xác tin và muốn chia sẻ. Cũng theo Đức Phaolô VI, làm chứng bằng cuộc sống, bằng hành động cụ thể là một cách rao giảng thầm lặng, không nghe được, nhưng thấy được và rất hữu hiệu, nhất là đối với con người thời nay vì hai lý do: một là vì thời nay (thời của khoa học thực nghiệm và của óc thực tiễn), người ta nhạy cảm với việc làm và dị ứng với lời nói và các học thuyết; hai là vì trong thế giới tục hoá, như ở Việt Nam chúng ta chẳng hạn, tôn giáo bị đẩy ra bên lề như chuyện riêng tư, thế nên không phải bất kỳ ở đâu và lúc nào người ta cũng có thể, hay nên trực tiếp rao giảng Tin mừng. Năm 1937 Mahatma Gandhi, vị anh hùng dân tục Ấn Độ nói với các nhà thừa sai: “Hãy để cho đời sống các ngài nói với chúng tôi như đoá hoa hồng không cần ngôn ngữ, mà chỉ đơn sơ để cho hương thơm của mình toả lan. Cả người mù không nhìn thấy hoa hồng vẫn nhận ra được mùi thơm của nó. Hãy để chúng tôi nghĩ tới sự cao cả của người Kitô hữu khi họ toả hương thơm đời sống. Đối với tôi, đó là tiêu chuẩn duy nhất. Tất cả những gì tôi muốn họ làm là sống đời Kitô hữu chứ không phải chú giải nó.”
Vậy để loan báo Tin Mừng thuyết phục, người Kitô hữu phải sống thế nào cho cuộc đời mình trở thành đáng tin. Đới sống đáng tin thì tự nhiên lời nói cũng đáng tin. Làm tông đồ, loan báo Tin mừng đặc biệt thích hợp cho ngày nay là làm cho đời sống Kitô hữu đáng tin. Như vậy toàn bộ cuộc sống chúng ta đều phải làm chứng qua: lời ăn tiếng nói, cách cư xử, giao tiếp, trong gia đình, ngoài xã hội, khi làm việc, khi vui chơi giải trí...
Đối với người có ý thức truyền giáo thì nhất nhất việc gì, khía cạnh nào của đời sống họ cũng có thể là lời loan báo. Lời trách nặng nề nhất của người chưa biết Chúa đối với người Công giáo chúng ta: các anh tín hữu công giáo có lẽ là: “Các anh (các chị) không mấy đáng tin; các anh (các chị) nói một đường làm một nẻo. Đức tin, giáo lý nghe thì thật hay nhưng không thấy đem lại cho xa õhội một cái gì thật sự tốt đẹp và mới mẻ.”
Lời phê bình đó có lẽ là hơi quá đáng nhưng thiết tưởng chúng ta chẳng cần cãi lý làm gì, hãy coi đó như một lời nhắc nhở để chúng ta nhìn lại cuộc sống chứng tá của mình. Xã hội hôm nay đang suy thoái trầm trọng về đạo đức: tham nhũng, dối trá, bất công, ma túy, sa đoạ... Chúng ta có còn là men, là muối, là ánh sáng nữa hay không? Một câu hỏi rất nghiêm túc không nên bỏ qua.
 
Câu hỏi gợi ý chia sẻ:
  1. Theo ý anh chị, tại sao ít người Việt Nam gia nhập Đạo Công giáo? Có gì cần sửa đổi để người khác dễ chấp nhận Đạo chúng ta hơn không?
  2. Gia đình Khôi Bình giáo xứ của anh chị đã thi hành sứ vụ truyền giáo như thế nào? Hãy liệt kê những công việc đã làm, đang làm và sẽ làm trong tương lai?
  3. Bản thân anh chị đã thúc đẩy các thành viên trong gia đình của mình thi hành sứ vụ truyền giáo như thế nào?
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Đức Cha Đaminh Hoàng Minh Tiến huấn đức cho quý Thầy Đại Chủng viện Huế
Đức Cha Đaminh Hoàng Minh Tiến huấn đức cho quý Thầy Đại Chủng viện Huế
Chiều ngày 22.04.2024 Đức Cha Đaminh Hoàng Minh Tiến, Giám mục Giáo phận Hưng Hoá, đã viếng thăm và huấn đức cho quý Thầy Đại Chủng viện Huế. Trong bài chia sẻ này, Đức Cha mời gọi các chủng sinh ước mơ và mong muốn trở thành một linh mục thánh thiện.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log