Thứ sáu, 29/03/2024

Đồng hành Khôi Bình tháng 03 -2016

Cập nhật lúc 07:03 08/03/2016

Lời ngỏ

Anh chị em Khôi Bình thân mến,
Tháng ba được trải ra phần lớn trong Mùa Chay Thánh, với những điểm nhấn theo thói quen đạo đức tại các Giáo xứ và Hội đoàn như suy ngắm sự thương khó Chúa Giêsu, tham dự những ngày tĩnh tâm, nhất là cử hành 24 giờ cho Chúa và tìm đến với bí tích của Lòng Thương Xót, tức là xưng tội và rước lễ.
Thực ra, trước khi con người có thể đến với Lòng Chúa Thương Xót, vì chính Lòng Thương Xót của Chúa đã sẵn chờ từ thuở hồng hoang của buổi đầu tạo dựng. Ông Giakêu (Lc 19) là một trường hợp điển hình. Trong khi dân thành Giêricô ùn ùn ra đón Chúa Giêsu thì ông Giakêu chỉ hiếu kỳ trèo lên cây sung, mong nhìn xem Chúa đi ngang qua thôi, nhưng chính Chúa Giêsu đã có sáng kiến gọi ông: “Này ông Giakêu, hãy xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!” (Lc 19, 5). Và để ngoài tai những lời xầm xì về việc đồng bàn với người tội lỗi, Chúa Giêsu thể hiện lòng thương xót qua việc tha thứ quá khứ tội lỗi của Giakêu và dõng dạc tuyên bố: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này …” (Lc 19, 9). Mùa Chay là thời điểm hoán cải để đón nhận hồng ân, anh chị em nên giữ luật xưng tội rước lễ trong Mùa Phục sinh là một điểm son của người Công giáo Việt Nam.
Tháng ba, cũng là tháng mà chúng ta kính một vị thánh rất đặc biệt, đó là Thánh Giuse. Thánh Giuse là vị thánh thầm lặng. Ngài không để lại một câu nói. Sử sách cũng không ghi chép gì nhiều về đời sống Ngài. Người ta chỉ có thể thấy “bóng dáng” Ngài trong Tin mừng: là bạn trăm năm của Đức Trinh nữ Maria và là cha nuôi của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, Kinh thánh tôn vinh ngài là “người công chính.” Đức Lêô XIII với Tông thư Về lòng sùng kính Thánh Giusevà Thánh Gioan Phaolô II với Tông huấn “Người Chăm Nom Đấng Cứu Thế” đã hướng về Ngài để xin được Ngài bảo trợ và mời gọi chúng ta có lòng sùng kính Ngài.
Sở dĩ Giáo hội khuyến khích lòng sùng kính Thánh Giuse vì Ngài là mẫu gương anh dũng trong việc thực hành các nhân đức. Đọc Tin mừng chúng ta thấy rõ đức tin, đức cậy và đức ái của Thánh Giuse trong những hoàn cảnh khó khăn: Ngài cẩn trọng chăm sóc mọi người thân; Ngài khôn ngoan lãnh đạo và giúp đỡ gia đình vượt qua cơn nguy khốn; Ngài đạo đức, tinh tế và chân thật; Ngài công chính trước mặt Thiên Chúa và con người.
Lễ Thánh Giuse bạn trăm năm Đức Trinh Nữ Maria (19/3) rơi vào Mùa Chay, khi phụng vụ tập trung vào việc chuẩn bị kính nhớ cuộc khổ nạn của Đức Giêsu Kitô, nên một cách nào đó Giáo hội cũng khuyến khích mọi người hãy noi gương thánh thiện của Thánh Giuse mà sống Mùa Chay một cách tích cực.
Nguyện chúc những anh em mang thánh hiệu Giuse, cách riêng các gia trưởng, biết noi gương sống của thánh Giuse và luôn cảm nhận được sự hộ phù che chở của Ngài trên mọi nẻo đường đời.
Chúc toàn thể anh chị em mừng lễ Phục sinh sốt sắng, thánh thiện, hoan lạc và bình an, "vì Chúa đã sống lại thật. Alleluia.”
Trung kiên với Khôi Bình,
 
Giuse Nguyễn Ngọc Ngoạn
LMĐHKB. Hưng Hoá
 
I. CHIA sẺ LỜI CHÚA: CHỦ NHẬT V MÙA CHAY (Is 43, 16-21; Pl 3, 8-14; Ga 8, 1-11)

Bài Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta một trong những trường hợp khúc mắc nhất, gay cấn nhất mà Đức Giêsu đã gặp trong cuộc đời truyền giáo của Người. Có thể nói đây là trường hợp quyết định nhất, vì nó có một tầm quan trọng sinh tử: sự sống hay sự chết của một con người lệ thuộc vào câu trả lời của Người.
Các Kinh sư và Biệt phái muốn gài một cạm bẫy cho Chúa Giêsu. Họ đã làm như vậy nhiều lần: về việc chữa bệnh nhân trong ngày Sabát hoặc về việc có nên đóng thuế cho hoàng đế hay không. Lần này họ dẫn đến cho Chúa một phụ nữ ngoại tình bị bắt quả tang. Và họ hỏi Chúa: Có nên theo luật Môsê, là ném đá phụ nữ ấy, hay là tha? Trước khi đặt câu hỏi, thì họ đã dựa vào Lề luật mà kết án rồi, theo như lời họ nói: “Trong sách Luật, ông Môsê truyền cho chúng tôi phải nén đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?” (Lc 8, 5). Họ hy vọng là Chúa sẽ mắc vào bẫy của họ. Đức Giêsu vẫn thường tỏ ra là hay bênh vực những người tội lỗi.
Bây giờ, nếu Người tha cho người phụ nữ này, họ sẽ kết án Người là phá bỏ Lề luật. Còn nếu Người lên án tức là Người đi ngược lại với đạo lý từ bi và khoan dung mà Người vẫn rao giảng xưa nay. Chúng ta còn nhớ câu chuyện về người con hoang đàng mà Chúa Giêsu đã kể, để minh họa lòng từ bi của Thiên Chúa Cha đối với những người tội lỗi.
Đứng trước trường hợp này Chúa Giêsu hành động như thế nào? Chúng ta hãy chú ý từng chi tiết, từng câu nói của Người.
Trước hết, "Người cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất." Cử chỉ ấy ngụ ý là Người không muốn đưa ra một phán quyết. Sứ vụ của Người không phải là áp dụng Lề luật của Môsê. Người được Thiên Chúa sai tới không phải để làm trọng tài, và xử các vụ kiện lặt vặt. Lần nọ có người xin Chúa làm trọng tài cho hai anh em trong việc chia gia tài, và Người đã từ chối. Nhưng các Biệt phái và Luật sỹ nài nẵng hỏi Người, nên Người trả lời: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi” (Lc 8, 7).
Thực ra Chúa Giêsu không chối bỏ Lề luật của Môsê, nhưng đặt cho nó một ý nghĩa đích thực. Các địch thủ của Chúa Giêsu muốn dùng lề luật như một phương tiện để đàn áp và cai trị kẻ khác. Còn Chúa Giêsu muốn mỗi người hãy giữ lề luật trong lương tâm của mình. Lề luật được đặt ra để mỗi người nhận biết thân phận tội lỗi của mình và sự thánh thiện của Thiên Chúa. Mỗi người hãy tự xét xử mình, chứ đừng xét xử người khác. Câu nói của Chúa nhắc cho mọi người một câu nói khác của Kinh thánh: "Ngươi là ai mà dám xét xử tha nhân" (tự đặt mình làm thẩm phán)? Chỉ có một Thiên Chúa là thẩm phán tối cao mà thôi. Trước câu trả lời của Chúa, những người già đều hiểu ngay: họ thấy rằng con người càng thêm tuổi, càng trở nên tội lỗi.
Rồi Chúa lại cúi xuống viết trên đất. Sự thinh lặng của Người lúc ấy bắt mỗi người phải tự xét mình. Sau giây phút thinh lặng đó các địch thủ của Người lần lượt rút lui, người già đi trước, người trẻ đi sau … Khi chỉ còn lại một mình người phụ nữ, Chúa Giêsu hỏi một câu, mục đích là để gây niềm tin tưởng: "Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?”(Lc 8, 10).  Người phụ nữ trả lời: "Thưa ông, không có ai cả” (Lc 8, 11). Trong câu trả lời này, người ta có thể nhận ra tâm tình khiêm nhường và biết ơn của người phụ nữ. Nếu như Đức Giêsu đã có ý làm cho không một ai có thể kết án người phụ nữ, thì làm sao chính Người sẽ lại kết án? Sự hiện diện và các lời nói của Chúa chỉ có thể đưa lại cho chị ấy sự tha thứ và lòng thương xót.
Và đây là câu nói cuối cùng của Chúa, cao điểm của câu chuyện: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!” (Lc 8, 11). Đây là một lời tha tội của Chúa. Người biểu lộ Người là Đấng có quyền tha thứ, an ủi, khích lệ. Người thi hành quyền đó một cách dịu dàng vì Người là Đấng “hiền lành và khiêm nhường trong lòng.”  Tuy nhiên Người không tha thứ một cách nhu nhược. Người tha thứ cho tội nhân, nhưng Người không chấp nhận sự tội.  Bởi thế, Người mời gọi người phụ nữ phải thay đổi cuộc đời: “Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!” (Lc 8, 11). Kết quả là chính lòng từ bi của Chúa Giêsu đã cứu sống người phụ nữ; trước hết chị ấy khỏi bị ném đá; sau đó cuộc đời của chị ấy được đổi mới, được dẫn tới sự sống đời đời.
Bài Tin mừng hôm nay gợi lên cho chúng ta vài điều áp dụng cụ thể như sau:
Trước hết, mỗi người hãy tự xét xử chính mình, chứ đừng bao giờ xét xử tha nhân. Khi chúng ta kết án người khác, tức là chúng ta tự kết án mình. Chúng ta hãy nhớ lại một mẩu chuyện trong cuộc đời vua Đavít. Khi vua Đavít đã phạm tội, ngôn sứ Natan được Thiên Chúa sai tới. Ngôn sứ kể cho vua Đavít câu chuyện: Có một người giàu, dư thừa của cải. Khi có khách đến, người giàu ấy không lấy của mình mà đãi khách, nhưng ăn trộm con chiên của người nghèo bên cạnh. Đavít liền nói: Người ấy đáng phải chết! Natan trả lời: Người ấy chính là đức Vua (x. 2Sm 12, 5-7). Lúc ấy Đavít mới nhận ra các tội ghê gớm của mình. Trong bài Tin mừng hôm nay, khi các Kinh sư và Biệt phái nhận ra tội lỗi của mình, thì họ rút lui chứ không còn dám kết án người phụ nữ nữa.
Thứ hai, hãy chạy tới với tình yêu của Chúa Giêsu. Tình yêu vô biên của Chúa sẵn sàng tha thứ mọi tội lỗi chúng ta. Nhưng đồng thời tình yêu ấy mời gọi chúng ta hãy hoán cải, hãy biết đứng dậy sau những vấp ngã, như đứa con hoang đàng trong bài Tin mừng tuần trước, và trở về với Chúa là Cha.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ:
  1. Anh chị có cảm nghiệm gì về thái độ và tâm tình của Chúa Giêsu đối với người đàn bà ngoại tình và đối với những người chung quanh trong câu chuyện này?
  2. Bài Tin mừng này gợi lên cho anh chị những tâm tình gì để anh chị sống tinh thần Tuần Thánh?
 
II. GỢI Ý MỤC VỤ TRONG NĂM THÁNH LÒNG THƯƠNG XÓT

Đề tài 04: Giữa lòng xã hội Gia đình phản chiếu dung mạo Lòng Thương Xót

“Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40)
Phẩm giá của con người trước mặt Thiên Chúa là nền tảng cho phẩm giá của con người trước mặt người khác.[1] Thật vậy, như Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Tin Thiên Chúa là Cha yêu thương chúng ta vô hạn qua đó Người ban cho chúng ta một phẩm giá vô hạn. Tin Con Thiên Chúa mặc lấy xác thịt nhân phàm có nghĩa là mỗi con người đã được đưa vào chính trái tim của Thiên Chúa. Tin Đức Giêsu Kitô đã đổ máu mình ra vì chúng ta có nghĩa là loại bỏ mọi nghi ngờ về Tình yêu vô biên làm cho mỗi người nên cao quý”[2]. Ơn cứu chuộc chúng ta, còn có một chiều kích xã hội, bởi vì “trong Đức Kitô, Thiên Chúa không những cứu chuộc các cá nhân, mà còn cứu chuộc các mối quan hệ xã hội đang có giữa con người với nhau”[3].
1. Tình thương mạnh hơn sự chết, mạnh hơn tội lỗi
Thập giá Đức Kitô trên Núi Sọ là bằng chứng của sự dữ đối với chính Con Thiên Chúa. Đức Kitô, Đấng không hề biết tội là gì, “thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội vì chúng ta” (2Cr 5,21). “Thập giá Đức Kitô, trên đó Chúa Con, đồng bản thể với Chúa Cha, đền đáp đầy đủ công bằng cho Thiên Chúa, cũng là mạc khải triệt để về Lòng Thương Xót, nghĩa là về Tình Thương, tình thương này luôn chống lại cái làm thành chính cội rễ của sự dữ trong lịch sử là tội và sự chết… Thập giá là sự chạm đến của Tình Thương vĩnh cửu trên những vết thương đau đớn nhất của cuộc sống con người trong trần gian, và là sự hoàn tất đến cùng chương trình cứu thế… Thập giá Đức Kitô cho chúng ta hiểu rằng cội rễ sâu xa nhất của sự dữ nằm tận trong tội lỗi và sự chết… Sự kiện Đức Kitô ‘ngày thứ ba đã trỗi dậy’ là dấu chỉ đánh dấu sự hoàn tất sứ mệnh cứu thế, dấu chỉ tuyệt đỉnh cho mạc khải trọn vẹn về tình thương-lòng thương xót trong một thế gian đã bị sự dữ chế ngự”[4]. Sứ vụ cứu thế của Đức Kitô, sứ vụ của lòng thương xót trở nên sứ vụ của dân Người, của Hội Thánh. Thập giá vẫn đứng giữa sứ vụ ấy, vì Thập giá là nơi mạc khải về tình thương-lòng thương xót đạt tới đỉnh cao của mình. Tình thương của Thiên Chúa mạnh hơn sự chết. Hội Thánh hằng tuyên xưng: “Tình thương Chúa đời đời con ca tụng” (Misericordias Domini in aeternum cantabo).[5]
2. Gia đình tuyên xưng và công bố Lòng Thương Xót
Sứ vụ của lòng thương xót đó trở thành là sứ vụ thường trực của Hội Thánh tại gia, là gia đình, vốn thường xuyên cảm nghiệm lòng thương xót ấy như Đức Maria tuyên xưng ở ngưỡng cửa: “Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người”[6]. Qua kinh nghiệm và nhờ hy lễ tâm hồn mình góp phần vào mạc khải lòng Thiên Chúa xót thương, gia đình theo gương Thánh Gia, nối kết chặt chẽ với Thập giá của con Mẹ cũng là “thập giá của Mẹ” nơi tiếng “xin vâng” hằng ngày.
Có thể lấy chính lời của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II áp dụng cho gia đình, Hội thánh tại gia: “Hội Thánh thực sự sống khi tuyên xưng và công bố lòng thương xót, ưu phẩm đáng kính phục nhất của Đấng Tạo Hóa và của Đấng Cứu Chuộc, và khi dẫn đưa con người đến các nguồn mạch lòng thương xót của Đấng Cứu Chuộc, các nguồn mạch được giao cho Hội Thánh giữ gìn và phân phối. Trong khuôn khổ ấy, việc suy niệm liên tục Lời Chúa, và nhất là việc tham dự có ý thức và suy nghĩ vào Thánh Thể và bí tích Thống hối hay Hoà giải, mang một ý nghĩa rất lớn.”
3. Hội Thánh tại gia giữa lòng thế giới hôm nay
Gia đình tham dự vào ơn gọi và sứ mạng của Hội Thánh cũng mang lấy chiều kích xã hội của việc loan báo Tin mừng đó. Từ giữa tâm điểm của Tin mừng chúng ta thấy có mối liên kết sâu xa giữa loan báo Tin mừng và sự thăng tiến con người. Sự thăng tiến này phải được biểu hiện và phát triển trong mọi hoạt động loan báo Tin mừng. Như vậy, ước muốn của gia đình còn là tìm kiếm và bảo vệ lợi ích của người khác nữa.
Anh chị em của chúng ta, nhất là những người nghèo quanh ta, là sự nối dài mầu nhiệm nhập thể cho mỗi người chúng ta: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40). Thế nên, gia đình sẽ là mình hơn nữa theo nghĩa thuộc về Thân Mình Đức Kitô hơn nữa, khi đi ra khỏi chính mình để đến với anh chị em, là một trong hai giới răn nền tảng cho mọi quy tắc luân lý và dấu hiệu nhận ra sự tăng trưởng thiêng liêng. Vì thế, “việc phục vụ bác ái cũng là một yếu tố cấu thành của sứ mạng Hội Thánh và là biểu hiện thiết yếu của chính sự hiện hữu của Hội Thánh”[7].
Gia đình vì thế phải là chủ thể tích cực tham gia vào đời sống xã hội.[8] Nhìn nhận chủ thể tính và thế ưu tiên của gia đình trong xã hội, đòi hỏi “xã hội không bao giờ được bê trễ nhiệm vụ căn bản là tôn trọng và hỗ trợ các gia đình. Các quốc gia, xã hội, muốn tôn trọng thế ưu tiên và thế “thượng phong” của gia đình, cần phải bảo đảm và phát huy bản sắc đích thực của đời sống gia đình, đồng thời phải tránh và chống lại tất cả những gì có thể làm biến chất hay phương hại tới gia đình.”[9]
Câu hỏi chia sẻ và thảo luận:
  • Gia đình sống và tuyên xưng Lòng Thương Xót của Chúa cụ thể như thế nào?
  1. Gia đình của anh chị em có yên ổn và tăng triển hơn không, khi tham gia vào các hoạt động của giáo hội, xã hội bên ngoài gia đình? Tại sao?
  2. Gia đình tham gia vào đời sống chính trị-xã hội-kinh tế như thế nào để Phúc-Âm-hóa xã hội?
[1] x. Gaudium et spes, 29.
[2] Evangelii Gaudium 178.
[3] HĐTT CLHB, Tóm lược Học Thuyết Xã hội của GHCG, 52.
[4] ĐGH Gioan Phaolô II, Dives in Misericordia, 8.
[5] Tv 88 (89), 2.
[6] Lc 1,50.
[7] ĐGH Bênêđictô XVI, tự sắc Intima Ecclesiae Natura (11.11.2012). x. Evangelii Gaudium, 179.
[8] x. Tóm lược Học Thuyết Xã hội của GHCG, op.cit., 246-251.
[9] ĐGH Gioan Phaolô II, Familiaris Consortio 45. x. Tóm lược Học Thuyết Xã hội của GHCG, op.cit., 252. Hiện nay rất nhiều (trên 20 nước) phần lớn là các nước “phát triển” đã chấp nhận “gia đình” dựa trên hôn nhân đồng tính.
 
Văn phòng HĐGMVN / UBMVGĐ


Tải file đồng hành tháng 03/2016 tại đây

 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Giáo xứ Yên Tập tổ chức Hội thi Kinh nguyện và Giáo lý mừng Đại lễ Phục Sinh 2024
Giáo xứ Yên Tập tổ chức Hội thi Kinh nguyện và Giáo lý mừng Đại lễ Phục Sinh 2024
Ngày 24.03.2024 Chúa nhật Lễ Lá, giáo xứ Yên Tập đã tổ chức Hội thi Kinh nguyện, Giáo lý mừng Đại lễ Phục Sinh. Hiện diện trong chương trình có cha xứ Giuse Nguyễn Văn Cường, quý dì cộng đoàn Mến Thánh Giá Yên Tập, quý ban tổ chức, ban giám khảo và 750 quý cụ ông bà anh chị em tham gia dự thi.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log