Thứ sáu, 29/03/2024

“Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”.

Cập nhật lúc 15:39 12/09/2014
Có lẽ trong chúng ta không ai là không thuộc kinh Lạy Cha và trong kinh đó có câu: “Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”.
Có lẽ trong chúng ta không ai là không thuộc kinh Lạy Cha và trong kinh đó có câu: “Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”. Mỗi một ngày chúng ta đọc biết bao nhiêu lần câu  này. Nhưng thực sự chúng ta đã thực hiện được tới mức naò?
Anh giúp việc mà bài Phúc Âm hôm nay nói tới, đúng là người xấu xa thậm tệ! Ai trong chúng ta là người hiểu biết mà lại không cảm thấy điều đó là đê tiện?
Chúng ta hãy chuyển đổi dụ ngôn tinh tế về lòng tha thứ này bằng cách nhận thức rằng: ông chủ của dụ ngôn, ông vua của Tin mừng không là ai khác ngoài Thiên Chúa và tất cả chúng ta là anh giúp việc, người mà chúng ta không bằng lòng: một bên là Thiên Chúa đầy lòng từ bi và hay thương xót, còn bên kia lại là khuyng hướng bủn xỉn, mối tức giận hoặc báo thù của chúng ta.
Dụ ngôn mô tả một cách diệu kỳ lòng tha thứ của Thiên Chúa. Một lòng tha thứ vì yêu chứ không phải vì quyền hành. Đứng trước tội nhân, Thiên Chúa cảm thấy cần phải thương xót. Ngài xúc động sâu xa. Ngài tha thứ quảng đại. Mặc dù món nợ là quá lớn, Ngài vẫn cứ tha. Có tội nào dù nặng đến đâu, lai không được Ngài thứ tha? Ngài đã tha thứ cho Đavit, và rồi sau đó Đavit được gọi là ông vua thánh, khi mà ông đã phạm tội ngoại tình và giết người bằng cách sai chồng của Béthsabée ra trận chiến ác liệt.
Ngài tha thứ quảng đại. Phêrô tưởng chừng mình tha thứ đến bảy lần là quá lắm rồi. Nhưng Ngài còn yêu cầu tha thứ bảy mươi lần bảy, có nghiã là vô hạn.
Ngài tha thứ tất cả: Ngài không cần biết món nợ là bao nhiêu. Tha thứ đến nỗi không còn vết tích gì về tội nữa. Thiên Chúa tẩy xoá tội lỗi không như em học sinh tẩy vết bẩn hoặc sai lỗi về chữ viết của mình trên vở, dù tẩy đi vẫn còn một dấu vết gì đó. Thiên Chúa tẩy xoá tội lỗi bằng cách vứt bỏ trang giấy có vết đi và thay vào đó một trang giấy mới trắng tinh. Chính Ngài viết vào đó một trang sử vừa mới vừà đẹp cho chúng ta. Hay nói cách khác Ngài trả lại nét đẹp thuở ban đầu cho mỗi người chúng ta. Ngài trả lại cho Maria Magdalena đức trinh khiết mà chị đã đánh mất.
Chúa Kitô giúp chúng ta ý thức rằng chúng ta là tội nhân được Chúa thứ tha. Lòng thương xót của Thiên Chúa luôn đi trước chúng ta ngay cả lúc chúng ta phạm tội. Ngài giống như người cha của đứa con hoang đàng luôn mong chờ con trở về. Hạnh phúc cho những ai khi lãnh nhận bí tích giao hoà có thể lắng nghe được lời Chúa giải phóng họ khỏi tội lỗi: “Ta tha tất cả mọi tội lỗi con. Con hãy đi bình an!”
Lòng tha thứ quảng đại của Thiên Chúa là thế và luôn còn đó. Về phía chúng ta thì sao? Như anh giúp việc trong bài Phúc Âm hôm nay, tất cả chúng ta đều có thể đê tiện và oán giận... Nếu chúng ta tha thứ cho anh em chúng ta, chúng ta sẽ rất bình an và vui mừng. Ghen ghét là đau khổ. Nếu chúng ta tha thứ cho anh chị em chúng ta, thì chắc chắn Thiên Chúa cũng tha cho chúng ta: “Nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em”. Nếu chúng ta tha thứ cho anh chị em chúng ta, anh chị em chúng ta sẽ có rất nhiều cơ hội phát triển và chúng ta sẽ biến đổi từ bậc thang đê tiện đến bậc thang quảng đại. Chúng ta có thể làm điều đó ngay trong gia đình.
Trong đời sống chung, chúng ta khó có thể mà không làm thương tổn cho nhau. Giải pháp để tuyệt đối tránh làm thương tổn cho nhau bao giờ cũng khó. Tốt hơn hết là biết hoà giải với nhau cách nhanh chóng, khiêm nhường và đơn sơ. Hãy tha thứ cho nhau!
Chúng ta phải ra sức tha thứ, vì chưng ghét một người, chính là giết người đó một chút rồi và giết đi chính sự bình an và lòng tốt trong chính chúng ta. Trong khi nhận mình bất toàn, hãy học biết nhìn cái đà trong mắt mình trước khi nhìn thấy cái rác trong mắt ngưòi khác. Hãy nói với chính mình: “Chả nhẽ không bao giờ tôi yếu đuối, bất lương và ích kỷ sao? chả nhẽ tôi không bao giờ gian lận, lắt léo và dối trá ư?”
Chỉ mình Thiên Chúa mới có thể dạy chúng ta biết tha thứ. Hãy tha thứ trọn vẹn! Tha thứ trọn vẹn có nghĩa là tha thứ đến nỗi quên hết lỗi lầm của người khác. Chúng ta chỉ có thể học được sự tha thứ này nơi Thiên Chúa. Để làm được điều này, hãy chiêm ngắm lòng thương xót của Ngài. Ngay trong Cựu ước, Thiên Chúa đã tha thứ cho dân tộc bất trung của Ngài: “Tội các ngươi, dù có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết; có thắm như vải điều, cũng hoá trắng như bông.”  Nhưng trong Tân Ước, lòng thương xót Chúa còn được thể hiện qua người Con Yêu dấu của Ngài, là sự tha thứ và ân huệ tuyệt diệu được ban cho nhân loại. Chúa Giêsu đã tha thứ cho Zaché, cho Maria Madalena, cho Phêrô, cho anh trộm lành… một cách không mệt mỏi. Ngài giải thích cho chúng ta biết rằng: niềm vui của Thiên Chúa chính là tha thứ.
Hãy xin cùng Chúa Giêsu ơn huệ trở nên người có lòng thương xót, ơn huệ đi vào thái độ biết cảm thông sâu xa của Ngài. Thánh Phanxicô cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa, để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hoà vào nơi tranh chấp”.
Chúa Kitô sẽ ban cho chúng ta ơn biết cảm thông, vì chính chúng ta đã được xá tội. Hãy biết tha thứ cho chính chúng ta, hãy học trở nên tốt với chính chúng ta bằng cách loại trừ lỗi lầm giả dối nơi chúng ta và tin rằng tình Yêu Thiên Chúa đã tha thứ tất cả những nợ nần của chúng ta. Tội của nhiều người kitô chúng ta là không tin mình được tha thứ. Không tin mình được tha thứ tức là chối bỏ tinh yêu của Ngài.
Trong Giáo Hội, chúng ta nói rất nhiều về sự hoà giải: sự hoà giải giữa người này với người nọ, sự hoà giải giữa gia đình này với gia đình kia, sự hoà giữa dân tộc này với dân tộc khác… Nhưng chúng ta lại bỏ qua bí tích lớn lao về sự tha thứ. Bí tích này dỡ bỏ gánh nặng tội lỗi và làm cho chúng ta tiến gần Thiên Chúa, Đấng hoàn toàn thánh thiện. Sức mạnh của bí tích này làm cho chúng ta có khả năng tha thứ, giao hoà chúng ta với chính chúng ta, với người khác và với Thiên Chúa. Với ân huệ của Thiên Chúa, sự tha thứ của chúng ta sẽ không phải chỉ là một sự tha thứ đơn giản, mà còn là những cuộc gặp lại nhau! Khi tìm lại sự bình an đích thực trong tâm hồn, chúng ta có thể trở nên giống Thiên Chúa có khả năng quên đi lỗi lầm của người khác. 
Lm. Ga Đặng Văn Nghĩa




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Giáo xứ Yên Tập tổ chức Hội thi Kinh nguyện và Giáo lý mừng Đại lễ Phục Sinh 2024
Giáo xứ Yên Tập tổ chức Hội thi Kinh nguyện và Giáo lý mừng Đại lễ Phục Sinh 2024
Ngày 24.03.2024 Chúa nhật Lễ Lá, giáo xứ Yên Tập đã tổ chức Hội thi Kinh nguyện, Giáo lý mừng Đại lễ Phục Sinh. Hiện diện trong chương trình có cha xứ Giuse Nguyễn Văn Cường, quý dì cộng đoàn Mến Thánh Giá Yên Tập, quý ban tổ chức, ban giám khảo và 750 quý cụ ông bà anh chị em tham gia dự thi.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log