Thứ sáu, 19/04/2024

Giáo phận Thanh Hóa: "Cần lắm những bàn tay"

Cập nhật lúc 15:32 28/09/2012
 Thanh Hóa-dải đất miền Trung đầy nắng và gió, hằng năm mảnh đất này phải gánh chịu bao thiên tai mà có lẽ thiệt hại nặng nề nhất chính là những hậu quả do nạn bão lũ gây ra. Những ngày vừa qua, trên địa bàn xứ Thanh mưa lớn kéo dài nhiều ngày và như một tất yếu nhiều nơi bị ngập lụt mà điển hình có thể kể đến là 7/10 giáo họ của giáo xứ Phúc Địa bị ngập trong biển nước, nguyên nhân chính của tình trạng này là vào nửa đêm ngày 6/9 khoảng 50m đê sông Cầu Chày thuộc giáo họ Phúc Hiền (giáo xứ Phúc Địa) xóm 6, xã Quảng Phú, huyện Thọ Xuân bị vỡ, trong màn đêm nước ùa về cuốn đi tất cả. 700 gia đình với gần 3000 người bị dòng nước đục ngầu kia cô lập.

Theo một số giáo dân nơi đây kể lại, đê vỡ vào khoảng 24h, lúc ấy là đêm nên không thể nhìn thấy nước tràn vào, người dân lo lắng chạy đến nơi cao nhất có thể để tránh lũ chứ không kịp sơ tán đi thứ gì. 50m đê vỡ cộng với 3km nước tràn bờ khiến chỉ trong 3 tiếng ngắn ngủi toàn bộ một vùng rộng lớn chìm trong biển nước. Một điều may mắn đó chính là không có người nào bị thiệt mạng.

Hoa màu vụ hè-thu chuẩn bị đến kì thu hoạch bỗng dưng mất trắng vì bị nước nhấm chìm. Đặc biệt hàng nghìn ha lúa chỉ khoảng gần 1 tháng nữa là có thể gặt hái nay ngập sâu trong nước. Mía là cây trồng phổ biến ở đây và có lẽ loại cây công nghiệp ngắn ngày này cũng là nguồn thu nhập chính của bà con được trồng từ tháng giêng đến nay cũng bị ngâm trong nước lũ cả tuần trời "sau khi nước rút mía sẽ thối hết và phải chờ đến tận tháng giêng năm sau chúng tôi lại mới có thể trồng được vụ mới. Dứa, sắn cũng chẳng cây nào có thể sống sót qua mùa lũ năm nay" một người dân sụt sùi chia sẻ. Bên cạnh đó, hàng nghìn con gia súc,gia cầm như lơn, gà...cũng bị nước cuốn trôi. Đắng lòng khi nhìn cảnh một cụ già ngồi trên nóc nhà ôm con chó vừa khóc vừa bất lực nhìn lúa thóc, lơn gà bị nước cướp đi. Đồ đạc trong nhà cũng bị nước lũ làm hư hỏng. Nhiều người cố lật ngói trên mái nhà để vớt vát những thứ có thể lấy lại được nhưng cũng chẳng được là bao. Ước tính thiệt hại lên đến hàng trăm tỉ đồng.

Nhận được tin báo, Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh-giám mục giáo phận Thanh Hóa đã thành lập phái đoàn cứu trợ khẩn cấp do đích thân Ngài đến thăm hỏi, động viên, chia sẻ những mất mát mà các con chiên bé nhỏ của Ngài đang phải gánh phải. Đồng thời Đức Cha Giuse cũng kêu gọi toàn thể các giáo xứ trong giáo phận, những ân nhân, thân nhân quyên góp giúp đỡ giáo xứ Phúc Địa. Trong những ngày qua đã có nhiều phái đoàn trong giáo phận đến để giúp đỡ cả về vật chất và tinh thần. Tuy nhiên, những món quà ấy chỉ mang tính trước mắt bởi người dân không thể ăn mì tôm mãi đươc, không thể sống cảnh "màn trời chiếu đất" mãi được. Có nhà mà không thể về, bị cô lập bởi bốn bề là nước và không biết khi nào nước mới rút hết. Nhiều người đã không kìm được nước mắt.

Biết bắt đầu từ đâu khi trở về với ngôi nhà tan hoang đã bị nước lấy đi tất cả. Khi được hỏi "cái bà con hiện nay cần nhất là gì?" cha Phaolô Mai Huy Hoàng-chính xứ Phúc Địa chia sẻ: "cái cần nhất của bà con ở đây, hiện nay là sự yên ủi, động viên, khích lệ để bà con vượt qua khó khăn, đó là tài sản quý giá mà bà con đang cần. Còn về vật chất, trước mắt đã có những phái đoàn đến chia sẻ những bữa ăn nhưng những hậu quả của lũ lụt đang đe dọa rất nặng đó là vấn đề nước uống, lương thực và cây, con giống". Thật vậy, nguồn nước và môi trường ở đây đang bị ô nhiễm trầm trọng. Mùi của nước bẩn, của cây cối, động vật thối, mùi ẩm mốc, rồi dịch bệnh sẽ tràn lan xảy ra. Những người dân nơi đây không chỉ phải chịu những mất mát về của cải mà họ còn phải đối mặt với những vấn đề xã hội khác nữa. Sẽ lấy đâu ra nguồn nước sạch cho giáo dân sinh hoạt, hơn 3000 người sẽ sống bằng gì trong những ngày sắp tới, rồi còn lấy cái gì để cày cấy, trồng trọt cho vụ mùa sắp tới bởi tất cả cây trồng, vật nuôi đều theo nước lũ đi hết... tất cả những câu hỏi lớn đó đang được cha Phaolô đặt ra nhưng chưa biết tìm đâu cho ra câu trả lời.

Nhìn vào đáy mắt những con người lam lũ nơi đây ai cũng không khỏi chạnh lòng. Những đứa trẻ đang tuổi đến lớp giờ không thể đến trường vì nước lũ, vì sách vở ướt sũng, rách nát và có thể nhiều đứa phải nghỉ học hẳn vì mai đây không biết lấy gì mà ăn chứ đừng nói đến chuyện học hành. Những người dân xứ Thanh đã nghèo nay lại càng khó khăn, vất vả hơn bội phần.

Ngoài giáo xứ Phúc Địa, hiện tại giáo phận Thanh Hóa còn có giáo họ Chợ Huyện thuộc giáo xứ Đức Tâm cũng bị ngập lụt, tuy nhiên thiệt hại về kinh tế không nặng nề như giáo xứ Phúc Địa. Mặc dù vậy, có một điều đáng nói ở đây là giáo họ này có ngôi nhà thờ nhỏ được xây dựng từ năm 1927, nằm ngoài đê nên bị nước lũ dâng ngập nhà thờ. Vì được xây dựng từ lâu đời nên rất có nguy cơ tường sau của ngôi Thánh Đường này sẽ bị đổ nếu nước lũ dâng quá to.

Cần lắm những tấm lòng hảo tâm, những bàn tay chung sức để cùng nhau xoa dịu những mất mát mà người dân vùng lũ đang gặp phải. Không chỉ cần những món quà về vật chất mà còn rất hy vọng những lời cầu nguyện, những tâm tình từ những người đồng đạo giúp người dân xứ Thanh sớm vượt qua khó khăn. Còn nhiều lắm những gian khó mà đòi hỏi những giáo dân vùng lũ phải vượt qua nhưng tin chắc rằng có sự bảo trợ của Thiên Chúa cũng như tình yêu thương và trợ giúp của tất cả mọi người thì trong một ngày sớm nhất nụ cười sẽ lại nở trên môi mỗi người nơi đây.

page3

page5

Hoa dại.





Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Legio Mariae giáo xứ Hoàng Xá mừng lễ Truyền Tin
Legio Mariae giáo xứ Hoàng Xá mừng lễ Truyền Tin
Chiều ngày 16.04.2024, hội Legio Mariae giáo xứ Hoàng Xá đã tổ chức sinh hoạt và mừng lễ Truyền Tin. Do cha xứ và cha phó bận công việc chung của giáo xứ nên việc mừng lễ của hội Legio Mariae đã được chuyển đến hôm nay.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log