Thứ sáu, 29/03/2024

Giải đáp các vấn nạn liên quan đến Đức tin và Khoa học (tiếp theo)

Cập nhật lúc 20:28 20/03/2016
Vấn đề 20 : Tôn giáo chỉ là thuốc phiện ru ngủ quần chúng, là sự gian dối, mị dân, và mê tín dị đoan. Ai theo đạo là người ngủ.

Vấn đề 21 : Tôn giáo dạy nhiều điều khó hiểu, vô lý và không thể chấp nhận được, chẳng hạn một Thiên Chúa mà lại có Ba Ngôi, Chúa Giêsu hiện diện thực sự trong tấm bánh nhỏ, Đức Mẹ sinh con mà vẫn còn đồng trinh…, tóm lại là những điều huyền hoặc và không đáng tin.
 
TRẢ LỜI
 
Karl Marx (1818-1883), một triết gia người Đức đã tỏ ra bất mãn khi nhìn thấy những cảnh bóc lột sức lao động cách quá đáng của giai cấp tư sản Âu châu đối với giới thợ thuyền thời bấy giờ. Ông chủ trương phải làm một cuộc cách mạng dành lại quyền làm chủ cho giai cấp công nhân, chấm dứt cảnh người bóc lột người. Tuy nhiên, trên con đường cách mạng đấu tranh giai cấp, Marx đã gặp phải một trở lực lớn lao đó là tôn giáo. Theo Marx, tôn giáo với những giáo thuyết từ bi bác ái, nhẫn nại tha thứ, vâng phục quyền bính… làm nhụt nhuệ khí đấu tranh của quần chúng. Do đó, Marx chủ trương muốn tiêu diệt chế độ thối nát bất công thì trước hết phải tiêu diệt tôn giáo. Từ đây, ông mở một chiến dịch tuyên truyền chống lại tôn giáo, coi tôn giáo là một thứ thuốc phiện ru ngủ quần chúng, là sự gian dối, mị dân và mê tín dị đoan. Tôn giáo dạy nhiều điều khó hiểu vô lý và không thể chấp nhận được, nên không đáng tin…
Vậy, sự thật ra sao ? Tôn giáo có thực sự là thuốc phiện ru ngủ quần chúng, là sự gian dối mị dân và mê tín dị đoan hay không ? Những mầu nhiệm tôn giáo có đáng tin hay không ?
1. Như chúng ta đã biết, tất cả những điều chống đối tôn giáo nói trên không có căn bản vững chắc, mà chỉ là một phương thế nhằm đưa cách mạng dễ dàng tới chỗ thành công. Chính thái độ của một số vị giáo phẩm thời đó không muốn dấn thân vào công việc trần thế, không chú trọng tới việc cải thiện xã hội theo tinh thần Phúc Âm… đã là lý do khiến Marx lên án Giáo Hội, coi tôn giáo là thuốc phiện mê hoặc quần chúng. Tổng giám mục Helder Camara gần đây đã tuyên bố về vấn đề ấy như sau : “Nếu Marx đã thấy chung quanh mình một Giáo Hội nhập thể và tiếp tục công trình nhập thế của Chúa Kitô ; nếu ông đã sống với những giáo dân biết yêu người trong lời nói và hành động như tình yêu Thiên Chúa đòi hỏi ; nếu ông đã sống trong thời Vatican II, theo đó giáo lý về những thực tại trần gian được chính thức công nhận, thì chắc chắn ông sẽ không coi tôn giáo là thuốc phiện ru ngủ quần chúng, và đã không lên án Giáo Hội là phản động và mê hoặc dân đen” (Révolution dans la paix, tr. 31).
Thực vậy, đức tin chân chính không phải là thuốc phiện nhằm ru ngủ quần chúng, mà trái lại, chính vì có đức tin - tin có Thiên Chúa là Đấng tạo thành trời đất, tin có đời sống vĩnh viễn sau khi chết…- mà người tín hữu cố gắng sống một cuộc đời lương thiện tốt đẹp, thương yêu giúp đỡ tha nhân, quên mình để lo cho người khác. Họ làm những việc từ thiện bác ái ấy với một ý thức tự nguyện chứ không vì xã hội ép buộc. Cũng chính vì có đức tin, nhìn thấy Chúa ở trong anh em (Mt 25,40), nên rất nhiều người đã hy sinh quyền lợi riêng tư của mình để tình nguyện chọn đời sống tu trì cực khổ, hầu dành trọn thời giờ, sức lực phục vụ những người xấu số trong những trại dưỡng lão, các cô nhi viện, các dưỡng trí viện, bệnh viện, ngay cả các trại cùi…Như vậy thì tôn giáo ru ngủ ở chỗ nào ?
Đức tin chân chính cũng không phải là sự mê tín, vì tin một cách phi lý mới là mê tín, trái lại tin một cách hữu lý, có bằng chứng xác đáng lại chính là sự khôn ngoan. Người tín hữu biết sử dụng trí khôn suy luận từ cái đã biết đến cái chưa biết, từ vũ trụ vạn vật với những định luật kỳ diệu, với sự xếp đặt lạ lùng và rất có trật tự đến một trí khôn siêu việt, một ý chí vô biên, một Đấng Tạo Hóa toàn năng toàn thiện toàn mỹ được gọi là Thiên Chúa đã sáng tạo nên muôn vật ấy thì mê tín ở chỗ nào ? Trái lại những người cố tình che mắt trước thực tế hiển nhiên, phủ nhận Thiên Chúa dù biết mình vô lý mới là mê tín thực sự. Mê tín vì tin theo một lý thuyết vô thần không hợp lý chút nào.
2. Về những mầu nhiệm trong tôn giáo, phải chăng là sự gian dối lừa gạt những người dốt nát dễ tin ?
Mầu nhiệm là những chân lý có thực, nhưng vượt quá tầm hiểu biết của trí khôn người nghe. Chẳng hạn đối với một người chưa bao giờ cắp sách đến trường thì những định đề toán học, những công thức lý hóa phức tạp được giảng dạy trong các trường đại học thực sự là những điều mầu nhiệm rất khó hiểu. Tuy nhiên, không phải vì khó hiểu mà những công thức, những định đề ấy không đúng, không có thực. Cũng thế, trong Thiên Chúa Giáo có những chân lý rất khó hiểu đối với tầm hiểu biết nông cạn của trí khôn con người, nhưng vì do Thiên Chúa bày tỏ ra trong Kinh Thánh nên lại rất đáng tin. Đáng tin, vì khác với những chân lý do trí óc con người nghĩ ra thường hay thay đổi, còn Thiên Chúa là Đấng khôn ngoan vô cùng nên không bao giờ sai lầm, và Ngài cũng chân thật vô cùng nên không bao giờ lừa dối con người làm chi. Do đó, người tín hữu chấp nhận bằng cả lý trí lẫn bằng đời sống những điều Thiên Chúa phán bảo trong Kinh Thánh, cho dù những điều ấy họ không thể hiểu được. Chẳng hạn mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm Chúa Giêsu hiện diện thực sự trong tấm bánh nhỏ đã được linh mục đọc lời truyền phép, mầu nhiệm Đức Mẹ sinh con mà còn đồng trinh …( xem phụ chú).
Đàng khác, cũng chính vì có những mầu nhiệm siêu nhiên vượt quá tầm hiểu biết của trí khôn con người, mà Thiên Chúa Giáo được chứng minh bắt nguồn từ Thiên Chúa chứ không phải chỉ là sản phẩm tưởng tượng của trí khôn con người. Charles Nicolle đã nói : “ May mắn thay trong Thiên Chúa Giáo có những điều mầu nhiệm. Nếu không thì tôi sẽ hoài nghi tôn giáo ấy là do trí óc loài người cấu tạo nên. Chính bí nhiệm đã làm cho tôi vững tâm, vì đó là dấu hiệu  của Thiên Chúa”.
Tóm lại, Marx đã hiểu lầm tôn giáo khi tưởng rằng tôn giáo chỉ là một số các vị giáo phẩm chưa sống đúng với tinh thần bác ái vị tha, hoặc tôn giáo chỉ là một mớ lý thuyết xa rời thực tế, có tính cách giáo điều cứng nhắc, tôn giáo chỉ là những cách lợi dụng lòng tin của quần chúng để mưu cầu lợi ích riêng tư cho một số người.
Chính vì có quan niệm sai lạc về tôn giáo và chỉ biết tôn giáo dưới những hình thức thấp kém, bệnh hoạn, mê  tín… cản trở con đường đi lên của ông, nên Marx tìm cách chống đối đả kích. Nhưng tất cả những điều Marx đả kích không phải là tôn giáo đúng nghĩa. Tôn giáo chân chính (Kitô giáo) chính là một động lực giúp con người quên mình để phục vụ người khác chứ không phải là thuốc phiện ru ngủ quần chúng ; tôn giáo là chính đáng hợp lý chứ không phải là sự mê tín dị đoan ; tôn giáo có những chân lý mạc khải có căn bản chắc chắn chứ không phải là những điều huyền hoặc vô lý. Cho nênm những lời chỉ trích tôn giáo của Karl Marx thực sự không phương hại đến Kitô giáo là một tôn giáo chân chính.

 
PHỤ CHÚ
I. MẦU NHIỆM THIÊN CHÚA BA NGÔI (TAM VỊ NHẤT THỂ)
Thiên Chúa là nguồn mạch của mọi sự sống và là chính sự sống. Nhưng sự sống của Thiên Chúa cao quí, thiện hảo vô cùng, khác hẳn với sự sống của nhân loại. Vì không có điểm nào tương đồng giữa con người và Thiên Chúa, nên với trí khôn tự nhiên, con người không có cách nào hiểu biết bản tính nội tại của Ngài. Vậy nếu chúng ta có biết được đời sống nội tại của Thiên Chúa, chính là nhờ lời mạc khải của Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa và cũng là người thực : “Chưa bao giờ có ai biết Thiên Chúa. Nhưng chính Con Một ở trong lòng Cha đã cho chúng ta biết Thiên Chúa” (Ga 1, 18).
Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi được rút ra từ những chân lý mạc khải trong Phúc Âm như sau : Từ đời đời Thiên Chúa là Cha. Ngài có một người Con cũng có từ đời đời như Ngài, cũng toàn thiện như Ngài, nghĩa là ngang hàng với Ngài về mọi mặt. Cũng từ đời đời, Chúa Cha kết hợp với Chúa Con, và tình yêu giữa Cha - Con là một ngôi vị tức là Chúa Thánh Thần, Ngài cũng ngang hàng với Chúa Cha và Chúa Con, cũng có từ đời đời và toàn thiện . Bởi vì chỉ có MỘT ĐẤNG TOÀN THIỆN nên chỉ có MỘT THIÊN CHÚA. Thiên Chúa độc nhất ấy có Ba Ngôi là Cha, Con và Thánh Thần mà vẫn duy nhất, một Bản tính trong ba Ngôi vị ( TAM VỊ NHẤT THỂ).
Điểm không thể hiểu được nơi mầu nhiệm MỘT CHÚA BA NGÔI không phải ở chỗ 3 bằng 1, 1 bằng 3 như thể nói ba Thiên Chúa là một Thiên Chúa. Nói như thế là cả một sự vô lý và sai lầm. Mầu nhiệm ở đây là : Thiên Chúa là một theo bản tính, là ba theo ngôi vị. Đây là một cách nói khác hẳn và không vô lý.
Để hiểu được chân lý này, chúng ta cần biết đích xác Ngôi vị Thiên Chúa là gì? Và bản thể thần tính là gì ? Trên thế gian này, chúng ta chỉ thấy có bản thể nhân tính và mỗi lần bản tính ấy thể hiện thì lại thể hiện trong một ngôi vị duy nhất. Mỗi người chúng ta đều có một bản tính nhân loại và đồng thời cũng chỉ là một ngôi vị duy nhất, phân biệt với các người khác bằng một tên gọi riêng. Trái lại, nơi Thiên Chúa, Ba Ngôi Vị lại chia sẻ một bản tính duy nhất. Mầu nhiệm là ở chỗ đó. Để có thể hình dung một phần nào mầu nhiệm này, ta có thể so sánh với một hình tam giác đều, có một diện tích, nhưng có ba góc cạnh đều bằng nhau. Hoặc một ngọn đèn cháy sáng gồm có ba yếu tố khác nhau là ánh sáng, sức nóng và hình ngọn lửa…
Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi chính là một chân lý được Giáo Hội rút ra từ Lời Chúa mạc khải trong Tân Ước, nhất là từ sách Phúc Âm. Còn trong Cựu Ước, khi nói đến Thiên Chúa thì chỉ nhấn mạnh đến MỘT BẢN THỂ ĐỘC NHẤT. Điều này cũng thật dễ hiểu, vì sống giữa bao dân tộc đa thần, dân Do Thái có sứ mạng bảo vệ chân lý một Thiên Chúa duy nhất. Nếu bấy giờ Thiên Chúa mạc khải cả mầu nhiệm Ba Ngôi nữa thì sợ họ tưởng lầm có ba Thiên Chúa.
Trong Phúc Âm, ta thấy Chúa Kitô thường nói đến Ba Ngôi phân biệt nhau, song cả Ba chỉ là Một Thiên Chúa toàn thiện.
1. Chúa Cha :
- “Lạy Cha là Chúa cả trời đất, con ngợi khen Cha vì Cha đã che giấu Tin Mừng, không cho những kẻ thông thái và khôn ngoan biết, mà lại tỏ ra cho những người khiêm hạ” (Mt 11,25).
- “Lạy Cha, sống đời đời là biết Cha, Thiên Chúa chân thật và độc nhất, và biết người mà Cha sai đến là Giêsu Kitô” (Ga 17,3).
2. Chúa Con :
Chúa Giêsu còn cho biết Chúa Cha có một người Con và người Con ấy cũng chính là Ngài. Ba trường hợp Ngài đã quả quyết Ngài là Con Thiên Chúa (Ga 1,1-5) :
- Một lần Ngài hỏi các tông đồ người ta nghĩ gì về Ngài. Đoạn Ngài thêm “Còn chúng con nghĩ Thầy là ai?”, Simon Phêrô thưa : “Thầy là Đức Kitô, CON THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG”. Chẳng những Ngài chấp nhận lời tuyên bố của Phêrô, mà Ngài còn tán thưởng ông đã nhân danh mười hai anh em để trả lời. Ngài nói: “Simon, con Gioan, con có phúc bởi vì không phải xác thịt hay máu huyết đã cho con biết điều ấy, nhưng là Cha Thầy trên trời” (Mt 16, 13-18).
- Một lần khác tại Giêrusalem, người Do Thái vây quanh Ngài và hỏi : “Nếu ông là Đức Kitô thì hãy nói thật đi”. Chúa Giêsu trả lời : “Ta đã nói với các ông rồi, song các ông không tin…Cha Ta và Ta, chúng tôi chỉ là một”. Người Do Thái lấy đá định ném Ngài. Chúa Giêsu thêm: “Làm sao các ngươi có thể tố cáo Đấng Cha đã cho nên thánh và sai xuống thế là lộng ngôn vì Ta nói Ta là Con Thiên Chúa ? Nếu Ta không làm các việc Cha Ta, các ngươi không nên tin Ta. Trái lại, nếu Ta làm, thì dầu các ngươi không muốn tin Ta, cũng hãy tin các việc làm của Ta, ngõ hầu các người hiểu biết và tin rằng Cha ở trong Ta và Ta ở trong Cha” (Ga 10, 24-30, 36-38).
- Sau này, nhân cuộc xử án Chúa Giêsu, lúc đứng trước mặt Caipha, vị thượng tế hỏi Ngài : “Nhân danh Thiên Chúa Hằng Sống, ta khiến ngươi hãy nói : ngươi có phải là Đức Kitô Con Thiên Chúa chăng ?”. Chúa Giêsu đáp : “Thật như Ngài vừa nói, nhưng tôi nói thật với các ông, sau này các ông sẽ thấy Con Người uy linh ngồi bên hữu Thiên Chúa, ngự trên đám mây từ trời mà xuống” (Mt 26,63-64).
3. Chúa Thánh Thần : Chiều thứ Năm Tuần Thánh, tại phòng tiệc ly, Chúa Giêsu tâm sự lần cuối cùng với các tông đồ. Ngài báo tin cho họ biết CHÚA THÁNH THẦN gần đến :
“Thầy nói những điều này với các con đang khi Thầy còn ở với các con. Nhưng Thánh Thần là Đấng Cha nhân danh Thầy sẽ sai đến, chính Ngài sẽ dạy dỗ các con mọi điều và nhắc lại cho các con mọi sự Thầy đã phán dạy các con” (Ga 14, 25-26; 16,13; Lc 24, 49).
“Khi nào Đấng An Ủi, là Thánh Thần Chân Lý do  nơi Cha Thầy sai xuống với các con, Ngài cũng bởi Chúa Cha mà ra, sẽ đến làm chứng về Thầy. Các con cũng sẽ làm chứng về Thầy nữa, vì từ ban đầu chúng con đã ở cùng Thầy” (Ga 15, 26-27; 1Cr 6, 19;  3,16-17).
Ngoài ra, có những đoạn Phúc Âm nói đến Ba Ngôi chung với nhau, chứ không nói riêng rẽ nữa. Chẳng hạn :
Lúc Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan (Lc 3,22) thì “trời mở ra, Chúa Thánh Thần lấy hình chim bồ câu ngự xuống trên Ngài, lại có tiếng từ trời phát ra : Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người”.
Ngày Chúa Giêsu lên trời, Ngài phán dạy các tông đồ : “Hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần” (Mt 28,19).
Mầu nhiệm MỘT CHÚA BA NGÔI có liên quan rất nhiều đến mỗi người chúng ta :
+ Chúa Cha đã sáng tạo vũ trụ. Ngài cũng đã dựng nên linh hồn của chúng ta và không ngừng tỏ ratình thương của Ngài bằng cách yểm trợ ban mọi ơn lành cho ta.
+ Chúa Con nhờ mầu nhiệm nhập thể đã làm người giữa chúng ta, đã dạy chúng ta biết Chúa Cha, đã chết đau thương trên thập giá để cứu thoát ta và trả lại cho ta quyền làm con cái của Thiên Chúa.
+ Chúa Thánh Thần đã hoạt động trong tâm hồn mỗi người chúng ta ngay từ khi mới lọt lòng mẹ. Ngài không ngừng thánh hóa và thông ban cho chúng ta sự sống của Chúa Ba Ngôi.
II. MẦU NHIỆM CHÚA GIÊSU HIỆN DIỆN THỰC SỰ  TRONG PHÉP THÁNH THỂ
Đây cũng thực là một điều rất khó hiểu đối với tầm hiểu biết có giới hạn của con người, tấm bánh và chén rượu nho sau lời truyền phép “Này là Mình Ta”, “Này là Máu Ta” của vị chủ tế trong Thánh Lễ, sẽ không còn phải là bánh rượu như ta xem thấy, mà thực sự đã có sự biến đổi thành ra Thịt và Máu của Chúa Giêsu. Vậy Chúa Giêsu thiết lập Bí Tích Thánh Thể để làm gì ? Và lý do nào chứng minh Chúa Giêsu hiện diện thực sự trong hình bánh rượu ?
1. Mục đích Chúa Giêsu lập Phép Thánh Thể :
 Phép Thánh Thể chính là một bằng chứng của tình yêu vô bờ bến của Chúa Giêsu. Khi yêu ai, người ta thích ở gần người ấy, muốn được nghe những lời tâm sự của người yêu, và muốn cho người yêu tất cả những gì mình có. Chúa Giêsu cũng yêu thương các môn đệ và yêu cho tới tột cùng (Ga 15,12-13) nên đã chứng tỏ tình yêu bằng việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể để :
a) Có dịp ở gần bên con cái
Ngài đã phán : “Này Ta ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).
b) Nghe những lời tâm sự và an ủi nâng đỡ những ai đến với Ngài :
“Hỡi tất cả những ai lao  nhọc và gồng gánh nặng  nề, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi. Các ngươi hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng, rồi các ngươi sẽ được an tâm. Vì ách Ta thì êm ái, gánh Ta lại nhẹ nhàng” (Mt 11,28-30).
c) Trao ban chính Thân Mình Ngài để làm của ăn nuôi sống linh hồn tín hữu :
“Này là Mình Ta, các con hãy lãnh nhận mà ăn”
(1 Cr 11,24) “Đây là bánh bởi trời mà xuống, ai ăn bánh này sẽ không phải chết, nhưng sẽ được sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban chính là Thịt Ta để cho thế gian được sống” (Ga 6,50-52).
2. Những bằng chứng của đức tin trong phép Thánh Thể
Đây hoàn toàn thuộc lãnh vực tin tưởng không thể chứng minh bằng đường lối khoa học. Chúng ta tin không phải vì xem thấy tỏ tường, nhưng vì biết Chúa là Đấng toàn năng, và chính Chúa đã phán dạy như vậy trong Phúc Âm.
a) Chúa dọn lòng người ta trước :
Chúa Giêsu biết việc Ngài thiết lập bí tích Thánh Thể, làm cho bánh trở nên Mình và Máu Ngài đối với loài người là điều không thể được và rất khó cho họ chấp nhận, nên Ngài chỉ nói đến và thiết lập thực sự sau khi đã làm rất nhiều phép lạ : cho kẻ què được đi (Mt 9,6-8), kẻ câm nói được (Mt 9, 32-33), kẻ mù được thấy (Mt 9, 27-30), người chết sống lại (Ga 11,38-46). Tất cả những phép lạ ấy chỉ là sự sửa soạn, dọn lòng người ta đón nhận một phép lạ khác cả thể hơn và người ta không hề nghĩ đến. Đó là việc lập phép Thánh Thể sau này.
b) Chúa tiên báo trước việc Ngài sẽ làm : Một hôm, sau khi làm phép lạ hoá bánh ra nhiều nuôi 5000 người ăn trên rừng vắng, Chúa Giêsu nhân cơ hội đã hé mở việc trọng đại Ngài sẽ làm sau này : “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Bánh Ta sẽ cho các con chính là Mình và Máu Ta. Thịt Ta thật là của ăn, Máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống Máu Ta thì sẽ được sống đời đời, và Ta sẽ cho họ sống lại trong ngày tận thế. Ai ăn Thịt và uống Máu Ta, thì ở trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy. Tổ phụ các ngươi xưa kia đã ăn man-na trên rừng và đã chết, nhưng kẻ ăn Bánh này thì sẽ không phải chết đời đời” (Ga 6,48-59).
Chúa Giêsu vừa mới nói như vậy thì đã có người phản đối, cho rằng lời đó khó nghe lắm. Có người còn bỏ đi. Thấy vậy, Chúa không những không cải chính, mà còn quay lại hỏi các tông đồ: “Còn các con, các con có định rút lui không ?” Nếu không có ý nói thật, chỉ có ý nói bóng mà thôi, thì khi thấy môn đệ hiểu sai bỏ đi, Chúa phải cải chính. Nhưng ở đây, không những không cải chính, mà còn nhấn mạnh hơn sự thật Ngài muốn bày tỏ.
c) Chúa thiết lập thật sự : Vào ngày thứ Năm Tuần Thánh khi Chúa Giêsu biết sắp tới giờ Ngài phải xa lìa các tông đồ và tín hữu, Ngài đã thương yêu họ cho đến tột cùng, không muốn họ phải nheo nhóc thiệt thòi, nên Ngài đã thực hiện ý định đã tiên báo trước, là lập phép Thánh Thể để ở lại với họ luôn mãi (Mt 26,26-29 ; Mc 14,22-23 ; Lc 22,14-20 ; 1Cr 11,23-25).
Để việc làm đó của Chúa được tiếp tục cách vững bền trong tương lai, Chúa ra lệnh cho các tông đồ : “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta” (Lc 22,19). Từ đó, các tông đồ và những người nối nghiệp các ngài đã thi hành lệnh Chúa truyền trong Thánh Lễ cho tới tận thế.
Tóm lại, đây thật là một mầu nhiệm, một điều có thật, nhưng lại có tính cách siêu nhiên, vượt quá khả năng tiếp nhận của giác quan con người. Tuy khó hiểu, nhưng là điều hợp lý vì Chúa là Đấng toàn năng và chân thật vô cùng. Ngài có thể làm được cho cả vũ trụ từ hư không trở thành hiện hữu, thì chắc chắn Ngài cũng làm được cho bánh rượu trở nên Thịt và Máu Ngài sau lời truyền phép của vị chủ tế trong Thánh Lễ, như Ngài đã làm xưa.
III. MẦU NHIỆM ĐỨC MẸ SINH CON MÀ VẪN ĐỒNG TRINH
Theo thường tình, đứa con trong bụng mẹ là kết quả của tình yêu và sự hòa hợp của đôi vợ chồng. Nhưng nơi Thiên Chúa, Ngài muốn làm một công việc phi thường là dùng quyền phép toàn năng để làm cho Đức Maria sinh con mà vẫn còn đồng trinh : “Này đây, một trinh nữ sẽ thụ thai và sinh một con trai, đặt tên là Emmanuel” (Is 7,14). “Chúa Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ bao trùm bà. Bởi đó, Đấng bà sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1,35).
1. Những bằng chứng về sự đồng trinh nơi Đức Maria :
Để xác nhận về sự đồng trinh của Đức Mẹ như thế nào, công đồng Lateranô lên tiếng như sau : “Đức Maria sinh nở chẳng nhơ nhớp, thân mình vốn tinh tuyền, và sau khi sinh nở vẫn đồng trinh trọn đời”. Đức Giáo Hoàng Phaolô IV cũng nói : “Đức Mẹ vốn luôn trinh trong tuyền vẹn, nghĩa là đồng trinh trước, đang và sau khi sinh”. Vậy đâu là bằng cớ ?
a) Bằng chứng về phía Đức Mẹ :
- Chính Đức Maria đã quí trọng đức đồng trinh khác hẳn với những phụ nữ đương thời. Ngài chọn cuộc sống đồng trinh để trọn vẹn thuộc về Thiên Chúa và có thể dễ dàng cầu nguyện cho nhân loại. Do đó, khi nghe sứ thần báo tin Thiên Chúa đã chọn mình làm mẹ Đấng Cứu Thế, Maria đã thưa : “Việc ấy xảy ra làm sao được, vì tôi không biết đến người nam ?” (Lc 1,34).
- Hơn nữa, Maria không ưa đời sống múa may, chưng diện, mà trái lại ngài thích một nếp sống trầm lặng, yên tĩnh, một mình ở nơi cung phòng hầu dễ dàng kết hợp với Chúa (Lc 1,28).
- Ngoài ra, Maria còn tỏ ra quý trọng nhân đức trong sạch qua thái độ “bối rối thắc mắc” khi thấy sự hiện diện đột ngột của thiên sứ dưới hình dạng một nam nhân trong tư phòng vắng vẻ. Sự bối rối đó là dấu chứng tích cực nói lên một tâm hồn yêu quý đức trinh khiết cách tột độ.
b) Bằng chứng về phía Thiên Chúa :
Phúc Âm thuật lại việc Đức Maria đã thụ thai Chúa Giêsu cách lạ lùng, do quyền năng của Chúa Thánh Thần : “Việc Chúa Cứu Thế giáng sinh xảy ra thế này : Maria, Mẹ Ngài, đã đính hôn với Giuse, song chưa đoàn tụ, thì thấy mình thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần » (Mt 1, 18; Lc 1, 26-38). Thiên Chúa là Đấng toàn năng, đã có thể sáng tạo mọi sự từ hư vô, thì cũng có thể bảo toàn sự đồng trinh của Đức Mẹ khi sinh con : “Vì chẳng có việc gì mà Chúa không làm được” (Lc 1, 37).
Nhưng có người thắc mắc tự hỏi tại sao Thiên Chúa lại làm công việc ngược đời, cho Đức Mẹ thụ thai mà còn đồng trinh làm chi ?
Các nhà thần học công giáo đã lên tiếng trả lời :
- Để chứng tỏ Đấng Cứu Thế có hai bản tính : bản tính Thiên Chúa và bản tính nhân loại. Là Con Thiên Chúa toàn năng, nên Ngài không phải bó buộc theo cách thức thông thường của loài thụ tạo.
- Để Ngôi Hai Thiên Chúa thỏa mãn sự quí trọng đức trong sạch của Đức Mẹ (Lc 1,34).
- Để bản tính nhân loại của Chúa Giêsu khỏi mắc tội tổ tông, vì Ngài không chịu thai theo lối thường tình, không phải lệ thuộc vào dòng máu tội lỗi của con cháu Ađam, Evà như mọi người khác.
2. Một ít thắc mắc về sự đồng trinh của Đức Maria :
a) Nếu Đức Maria đã sinh con thì Ngài còn đồng trinh sao được ?
Bình thường, theo khoa học cho biết thì người nữ không thể vừa có con, vừa đồng trinh. Nhưng Đức Maria chịu thai và sinh con không theo cách thức bình thường, mà cách đặc biệt do quyền năng của Chúa Thánh Thần (Lc 1,34-35). Chính vì sinh nở cách đặc biệt, nên Ngài sinh con mà không cần có ai giúp đỡ và tự mình lấy khăn bọc Con, rồi đặt trong máng cỏ (Lc 2,7).
b) Dựa vào một ít câu trong Phúc Âm, một ít người cho rằng sau khi sinh Chúa Giêsu, Đức Mẹ đã có những người con khác với thánh Giuse, chẳng hạn “Giuse đã vâng lời Sứ Thần nhận Maria làm vợ mình, nhưng không biết đến (không có chung sống với nhau) cho đến khi đã sinh con trai, đặt tên là Giêsu” (Mt 1,25). “Người đã sinh con trai đầu lòng” (Lc 2,7). “Ông ta không có mẹ là bà Maria và anh em là Giacôbê, Giuse, Simon và Giuđa đó sao ?” (Mt 13,55).
- “Cho đến khi” : Thoạt mới nghe, người ta có cảm tưởng Đức Mẹ đã không giữ đức đồng trinh nữa, sau khi sinh ra Chúa Giêsu. Nhưng nếu xét kỹ, thì mấy chữ “cho đến khi” ở đây chỉ diễn tả một sự việc đương xảy ra, chứ không đặt ra một giới hạn nào cả. Thánh Luca chỉ mô tả việc xảy ra, dù đã đính hôn, nhưng Đức Maria không về chung sống với Giuse cho đến khi đã sinh con là Chúa Giêsu, chứ Luca không quả quyết Maria nhất định phải ăn ở với Giuse sau khi Maria sinh con. Cũng giống như trong câu nói: “Ông X qua đời, bà X thương khóc chồng cho đến khi hết tang”. Tiếng cho đến khi ở đây không có nghĩa quả quyết hết tang rồi thì bà X không còn có thể khóc thêm được nữa. Trái lại, chỉ có nghĩa là trong thời gian chịu tang, bà X đã khóc thương chồng, và sau khi mãn tang, bà X có thể khóc hay không, ta không chú ý đến nữa.
Hơn nữa, tiếng “cho đến khi” trong Kinh Thánh còn có ý nghĩa độc đáo của nó như trong Thánh vịnh 109,1: “Con hãy ngự bên hữu Cha, cho đến khi Cha đặt kẻ thù làm bệ kê dưới chân Con”. Nếu hiểu ý nghĩa mấy chữ “cho đến khi” một cách sai lạc như mấy người trên, thì sau khi Chúa Cứu Thế thắng được kẻ thù rồi, thì mất quyền ngồi bên hữu Thiên Chúa hay sao ?
- “Con trai đầu lòng” : Trong la ngữ, primogenitus là người được sinh ra trước hết (nghĩa là trước khi sinh Chúa Giêsu thì Đức Mẹ chẳng sinh ra ai), là người con độc nhất (nghĩa là trước sau chỉ có một). Chúa Giêsu được gọi là con đầu lòng không phải vì có các con khác theo sau, như có lời chép trong luật pháp Chúa “Hễ con trai đầu lòng thì gọi là thánh, thuộc về Chúa” (Lc 2,23). Có con đầu lòng cũng không nhất thiết đòi buộc phải có thêm các con khác nữa. Chẳng hạn bà X mới sinh một cậu con trai, một người hỏi : “Đứa này là con thứ mấy của chị ?” – “Nó là con đầu lòng của tôi đấy”. Rõ ràng bà X chưa hề có con thứ hai mà cũng có thể nói đó là con “đầu lòng” của bà. Vậy tiếng đầu lòng chỉ có nghĩa là “con một”.
- “Anh em” Chúa Giêsu : có nhiều thứ anh em như anh em cùng lý tưởng, chí hướng, anh em cùng màu da, ngôn ngữ, anh em họ hàng bà con... chứ không hẳn chỉ là anh em ruột. Trong trường hợp anh em Chúa Giêsu được nói đến trong Phúc Âm cũng chỉ là anh em họ hàng, giống như anh em con chú con bác theo tục lệ người Việt Nam chúng ta.
Đàng khác, cũng theo Kinh Thánh : “…có nhiều phụ nữ đứng xa mà nhìn, trong nhóm có Maria Mađalêna, và Maria vợ của Clêophas…” (Ga 19,25 ; Mt 13,55). Đọc gia phả của Chúa Giêsu theo Luca (3,23) thì Hêli là ông nội Chúa Giêsu : “Theo người ta tưởng nghĩ, Ngài là con Giuse, Giuse con Hêli…”. Ông Hêli sinh được 3 người con là Clêophas, Maria (không phải là Đức Mẹ), và thánh Giuse (chồng Đức Mẹ). Clêophas sinh hai người con là Giuđa (Thađêô) và Simon. Và Maria, chị thánh Giuse có hai người con là thánh Giacôbê (hậu) và Gioan. Còn Giuse bạn của Đức Mẹ thì theo người ngoài nghĩ là Cha Chúa Giêsu. Như thế, theo về bên họ nội thì Chúa Giêsu có 4 anh em họ : Giuđa, Simon, Giacôbê, và Gioan (tất cả là anh con ông bác). Còn bên họ ngoại thì Phúc Âm nhắc đến bà Isave và ông Giacaria, cha mẹ thánh Gioan Tẩy giả (Lc 1,36).
            Sau cùng, chúng ta đừng quên Phúc Âm đề cao nhân đức của thánh Giuse : “Giuse, bạn Người là người công chính” (Mt 1,19). Công chính nghĩa là người luôn tuân phục ý Thiên Chúa, ăn ở theo đường lối của Ngài. Vậy một khi đã biết Maria khấn giữ trinh khiết “không biết đến người nam”, thì không lẽ gì Giuse lại không tôn trọng. Còn Đức Maria đã quí trọng đức trinh khiết đến nỗi chẳng thà không làm Mẹ Đấng Cứu Thế miễn giữ được đức trong sạch là đủ (Lc 1,34), đến nỗi sứ thần phải cho biết việc thụ thai ấy là do quyền năng của Chúa Thánh Thần, người mới cúi đầu xin vâng. Vậy thì không lẽ gì Ngài lại chịu mất đức trinh khiết để làm mẹ mấy người thế gian. Và nếu thực sự Đức Mẹ có mấy người con khác ngoài Chúa Giêsu thì tại sao lúc gần tắt thở, Chúa Giêsu lại trao phó Đức Mẹ cho thánh Gioan làm chi (Ga 19,26).
            Giả như Đức Maria khấn giữ mình đồng trinh thì tại sao người còn nhận lời làm vợ thánh Giuse ?
            Theo phong tục người Do Thái thời bấy giờ, hầu như mọi người đều coi trọng bậc sống gia đình để sinh con cháu đầy đàn, và khinh bỉ những người lớn tuổi mà còn ở độc thân, hoặc những đôi vợ chồng đã lấy nhau lâu ngày mà không có con cái nối giòng (Lc 1,25). Chính vì tôn trọng bậc sống đôi bạn nên hàng tư tế có nhiệm vụ lo việc phụng tự thuộc chi họ Lêvi cũng có gia đình con cái như mọi người (1Sm 2,29). Do đó, để tuân giữ tục lệ cha ông, Maria dù đã khấn giữ đồng trinh cũng nhận lời đính hôn với Giuse là người công chính thánh thiện, với điều kiện coi nhau như anh em. Nếu không khấn giữ trinh khiết thì chắc chắn Đức Mẹ đã không từ chối chức vị làm Mẹ Đấng Cứu Thế, “việc đó xảy ra thế nào được, vì tôi không biết đến người nam” (Lc 1,34).
            Hơn nữa, đây cũng là sự an bài của Thiên Chúa :
* Để tránh cho Đức Maria khỏi bị ném đá theo luật Mai-sen vì tội không chồng mà có thai.
* Để bảo toàn danh dự cho Chúa Giêsu khi đi giảng dạy sau này. Vì chắc chắn không ai thèm tin một người bị mang tiếng là con hoang.
* Để thánh Giuse giúp đỡ Đức Maria trong việc nuôi dưỡng Con Thiên Chúa khi sinh ra cho đến ngày khôn lớn.
            Tóm lại, với những bằng chứng rõ ràng trong Kinh Thánh cũng như những lý do thần học ở trên, những người có đức tin đều chấp nhận sự thật dù vượt quá tầm hiểu biết của trí khôn tự nhiên của chúng ta. Đó là Đức Maria đã được Thiên Chúa toàn năng ban cho một đặc ân : SINH CON MÀ CÒN ĐỒNG TRINH. ĐỒNG TRINH TRƯỚC, ĐANG, VÀ SAU KHI SINH CON.

 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Giáo xứ Cát Ngòi – Thánh lễ Tiệc ly chiều Thứ Năm tuần Thánh
Giáo xứ Cát Ngòi – Thánh lễ Tiệc ly chiều Thứ Năm tuần Thánh
Vào lúc 19g30, Thứ Năm Tuần Thánh, ngày 28.3.2024, tại giáo xứ Cát Ngòi, cha xứ Đaminh Hoàng Thế Bằng đã chủ sự Thánh lễ Tiệc Ly khai mạc Tam Nhật Thánh, đông đảo bà con giáo dân trong và ngoài giáo xứ tham dự với tâm tình sốt mến thờ phượng.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log