Thứ năm, 25/04/2024

Giải đáp các vấn nạn liên quan đến Đức tin và Khoa học (tuần 1)

Cập nhật lúc 15:03 14/11/2015
LỜI NÓI ĐẦU
 
Ngày nay, trong bầu khí đối thoại cách cởi mở của thời hậu công đồng Vatican II, nhiều vấn đề mới mẻ liên quan tới đức tin tôn giáo đã được đặt ra cho người tín hữu công giáo, đặc biệt giới trẻ. Chẳng hạn, vấn đề tương quan giữa khoa học và tôn giáo, vấn đề chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa, của linh hồn nơi con người, vấn đề sáng tạo vũ trụ vạn vật theo khoa học và Kinh Thánh, và rất nhiều vấn nạn về những mầu nhiệm trong đạo công giáo, về những hoạt động trần thế của Giáo hội, cùng những thắc mắc khác về giáo lý.
  Đây là những vấn đề khá mới mẻ đối với phần lớn giới thanh thiếu niên công giáo, mà với vốn liếng giáo lý thô sơ ít ỏi, thu lượm được ngày còn nhỏ dại, không đủ để tự giải quyết vấn đề một cách thỏa đáng. Do đó, mỗi ngày họ cần được tiếp tục đào sâu, tìm hiểu thêm về tôn giáo để có thể giữ vững đức tin, và không mang mặc cảm tự ti về đức tin ấy khi tiếp xúc với các bạn bè không cùng lập trường tôn giáo với mình.
  Hơn lúc nào hết, các vị lãnh đạo tinh thần phải quan tâm đặc biệt tới việc củng cố niềm tin tôn giáo nơi các thanh thiếu niên, giúp họ sống đức tin trong mọi hoàn cảnh, mọi biến cố xảy ra chung quanh và trở thành những tông đồ giáo dân nhiệt thành giữa bạn hữu mình. “Giới trẻ phải làm tông đồ trước tiên và trực tiếp cho giới trẻ” (Sắc lệnh Tông Đồ Giáo Dân số 12). Họ phải trở nên như men ở trong thúng bột để làm cho tất cả bột đều dậy men (Mt 13,33).
  Với mục đích giúp đỡ các vị hữu trách phần nào trong việc soạn tài liệu để dạy giáo lý bổ túc cho các thanh thiếu niên, đang khi chờ đợi một chương trình giáo lý chính thức và đầy đủ của giáo quyền, chúng tôi đã cố gắng sưu tầm một số vấn nạn giáo lý đang được đề cập tới rất nhiều rồi sắp xếp lại thành hệ thống NHỮNG VẤN ĐỀ KHOA HỌC VÀ ĐỨC TIN. Trong phần giải đáp, chúng tôi cố gắng khai triển, đào sâu đề tài với nhiều tài liệu để giúp các giảng viên dễ dàng sử dụng, và cuối cùng tóm kết lại cho dễ nhớ.
  Những lời giải đáp này không có mục đích cổ vũ những cuộc tranh luận cãi vã vô ích giữa người công giáo với anh em không theo đạo, mà chỉ nhằm nói lên cách trung thực quan điểm của Giáo hội công giáo về những vấn đề thiết thực thuộc phạm vi đức tin, được rút ra hoặc được tổng hợp từ những sách giáo lý có giá trị trước đây như : Giải quyết vấn đề nhân sinh ; Người công giáo trước vấn đề đức tin ; Đi về đâu ? Đạo công giáo là gì ? Những thắc mắc của cuộc đời ; Giáo lý Công giáo Đức ; Trả lời vắn tắt ; Lịch sử nhân loại ; Con người và vấn đề Thượng Đế…v.v.
  Tuy vậy, những lời giải đáp này chắc chắn còn nhiều khuyết điểm lầm lẫn, chưa có thể được coi là những lời giải đáp tiêu biểu. Nhưng chúng tôi cũng hy vọng tài liệu này sẽ giúp ích phần nào cho một số vị chủ chăn có nhiệt tâm, muốn hướng dẫn giáo lý cho giới trẻ công giáo trong giai đoạn này, mà không đủ thì giờ và hoàn cảnh thuận tiện tra cứu sách vở, hoặc ít có dịp tiếp xúc với tuổi trẻ để tự tìm hiểu những vấn đề đang được đặt ra cho họ một cách cặn kẽ hơn.
  Dù chỉ là một viên gạch nhỏ bé tầm thường, nhưng chúng tôi cũng xin hân hạnh đóng góp vào nỗ lực xây dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô của mọi kitô hữu trong giai đoạn này. 


 
VẤN ĐỀ ĐỨC TIN VÀ KHOA HỌC
 
Vấn đề 1 : Chỉ có khoa học mới là tiếng nói chân chính của loài người tiến bộ, vì khoa học có khả năng giải quyết được mọi vấn đề liên hệ đến cuộc sống con người. Còn đức tin tôn giáo chẳng qua là sự mê tín, bắt nguồn từ sự dốt nát của những người thời tiền sử. Ngày nào khoa học hoàn toàn tiến bộ, thì ngày ấy tôn giáo đương nhiên sẽ bị đào thải.

TRẢ LỜI
 
1. Khoa học chỉ có giới hạn và không thể giải quyết được mọi vấn đề liên hệ đến con người.
  Vào thế kỷ XIX, khoa học đã tiến một bước nhảy vọt, đem lại những phát minh mới lạ làm đảo lộn mọi hiểu biết của con người về vũ trụ thiên nhiên, khiến cho một số người quá lạc quan, tin tưởng khoa học có khả năng vô hạn, có thể giải quyết mọi vấn đề mà không cần tới Thượng Đế hay Thần Minh nào giúp đỡ. Renan đã mạnh dạn tuyên bố : “Tổ chức nhân loại theo phương pháp khoa học, đó là câu nói cuối cùng của tân khoa học. Dĩ nhiên lý trí sẽ điều định nhân loại trước rồi điều định tới Thiên Chúa sau” (L’Avenir de la science, tr.37).
  Nhưng giây phút phấn khởi ban đầu qua đi, và người ta đã dần dần ý thức được sự bất lực của khoa học, sản phẩm của lý trí con người. Những giả thuyết khoa học mà người đi trước coi là chân lý đã không còn đứng vững trước những khám phá mới lạ hợp lý hơn của người đi sau.
  P. Termier đã tỏ ra khiêm tốn hơn khi tuyên bố: “Khoa học liền với bất khả tri. Khoa học đầy bí ẩn phần nhiều, không giải thích được. Khoa học khêu gợi bí nhiệm hơn là giải thích”.
  Thực vậy, ngay trong lãnh vực vật chất, là đối tượng nghiên cứu của khoa học, thế mà các nhà bác học cũng gặp rất nhiều trở ngại không thể vượt qua được : nhìn một bông lúa ngoài đồng, khoa học có thể cho biết sẽ có hạt lúa (do kinh nghiệm quan sát được trong quá khứ), nhưng lại bất lực không thể hiểu thấu bí nhiệm của việc nảy mộng. Cho đến nay, sau bao nhiêu cố gắng, khoa học vẫn không thể làm được một con vật bé nhỏ tầm thường như một con sâu, một con kiến với đời sống tự lập, đang khi chung quanh họ có không biết bao nhiêu sinh vật khác phức tạp hơn gấp trăm ngàn lần.
  Như vậy, phải nhận rằng khoa học có giới hạn và không thể tự hào giải quyết được mọi vấn đề, nhất là những vấn đề siêu hình không thuộc đối tượng nghiên cứu của nó như Thượng Đế, linh hồn, đời sau…v.v. Những vấn đề này thuộc phạm vi đức tin mà chỉ có triết học và tôn giáo mới có khả năng và có quyền chính thức lên tiếng mà thôi.
 2. Đức tin không phải là sự mê tín, nhưng là thái độ cần thiết và hợp lý của con người có lý trí
a. Đức tin chân chính khác hẳn với sự mê tín dị đoan.
- Mê tín là quá tin tưởng một điều gì cách mù quáng, thiếu sự hợp lý. Mê tín do sự ngu dốt, kém hiểu biết khoa học mà ra. Chẳng hạn ngày xưa người ta tin tưởng các hiện tượng thiên nhiên như mưa bão, sấm chớp… là những thần minh, mà con người muốn được an thân cần phải cầu khấn để được ngài che chở. Hoặc ngày nay ở các dân tộc kém văn minh, dân chúng dốt nát tin tưởng ở tài chữa bệnh của các thầy mo thầy pháp, thay vì uống thuốc lại vâng lời quỉ thần để uống tàn nhang nước thải… Trong trường hợp này, khi con người càng tiến bộ về khoa học thì những sự mê tín kia cũng dần dần không còn lý do tồn tại.
Trái lại, đức tin chân chính là chấp nhận chân lý một cách sáng suốt, dựa trên những bằng chứng đáng tin. Dù mắt ta không nhìn thấy Thiên Chúa, nhưng khi nhìn vào vũ trụ thiên nhiên mênh mông vô tận, với những trật tự hoàn hảo lạ lùng trong đó, ta dễ dàng dùng trí khôn suy luận ra nguyên nhân, nhận biết phải có một Đấng nào đó đã sáng tạo ra và an bài mọi sự. Đấng ấy được gọi là Thiên Chúa, Tạo Hóa. Ngài không phải chỉ là một vị thần xa vời, nhưng là một người cha đầy yêu thương, hằng tỏ mình ra qua các tổ phụ, các tiên tri, và còn sai chính người Con Một đến để dạy loài người con đường cứu độ. Dĩ nhiên con người phải tỏ lòng hiếu thảo biết ơn bằng cách nhận biết, tôn thờ, yêu mến, cầu xin và vâng lời Ngài.
b. Đức tin là điều hợp lý và cần thiết :
- Hợp lý vì ngay trong đời sống thường ngày, con người muốn tiến bộ và sống an vui với người khác cũng cần phải tin tưởng lẫn nhau. Thế thì tại sao sau khi đã biết có Thiên Chúa, ta lại không muốn tin tưởng chấp nhận những lời Ngài mặc khải, nếu những điều ấy có những bằng chứng đáng tin, phát xuất từ những nguồn gốc có giá trị mạc khải, có những phép lạ đi kèm, đồng thời rất nhiều lời tiên tri đã được ứng nghiệm trong lịch sử, và dù do nhiều tác giả khác nhau, ở nhiều thời đại khác nhau, nhưng vẫn luôn có sự đồng nhất với toàn bộ hệ thống giáo lý.
Đàng khác, đức tin chân chính không phải là mê tín, vì không phủ nhận vai trò tìm hiểu của lý trí. Lý trí (trí khôn) là một tài năng đặc biệt của con người, có quyền điều tra tìm hiểu những bằng chứng thiết yếu trước khi chấp nhận. Đức Piô IX đã nói : “Để tránh mọi lầm lạc lừa dối trong một việc quá quan trọng như thế, lý trí con người phải điều tra rất cẩn thận xem sự Thiên Chúa mạc khải có thật không, để biết chắc chắn rằng Thiên Chúa đã có nói thực sự” (Thông điệp Qui pluribus năm 1846).
- Đức tin còn là điều cần thiết để được hạnh phúc vĩnh cửu.
Đời sống con người không chỉ bao gồm các việc như ăn uống, ngủ nghỉ, chơi giỡn, sinh ra rồi chết đi như một con vật tầm thường, mà trái lại có giá trị trổi vượt nhờ có hồn thiêng bất tử. Chết không phải là hết, nhưng linh hồn con người sẽ còn tồn tại mãi mãi, và sẽ được hạnh phúc hay chịu trầm luân đau khổ là do những công việc họ đã làm khi còn sống. Chỉ những người nào biết mở lòng chấp nhận đức tin và trung thành thể hiện đức tin ấy trong đời sống hằng ngày mới hy vọng được cứu rỗi: “Ai tin Ta sẽ được sống đời đời” (Ga 6,47), ngược lại “Ai không tin đã bị đoán xét rồi” (Ga 3,18).
Tóm lại, tuy khoa học ngày nay có sự tiến bộ trong việc khám phá những sự kỳ diệu trong vũ trụ thiên nhiên, nhưng sự tiến bộ mới chỉ ở lãnh vực tìm hiểu chứ không sáng tạo, thay đổi được những trật tự ấy. Do đó, sự tiến bộ không phải là lý do để phủ nhận Thiên Chúa. Khoa học cũng không thể tự hào giải quyết được mọi vấn đề liên hệ đến con người, vì khoa học chẳng qua cũng chỉ là sản phẩm của trí khôn nông cạn của con người. Đối tượng nghiên cứu của nó là những vật hữu hình, có thể xem được, cân đo được…, thì làm sao có cao vọng lên tiếng trong những vấn đề ngoài khả năng thực nghiệm của nó, siêu vật chất như Thiên Chúa, linh hồn… Khoa học không thể phủ nhận Đức tin chân chính, nhưng đóng vai trò thanh luyện Đức tin mỗi ngày một thêm vững mạnh và sáng suốt hơn.
 
XƯƠNG NÀO NẶNG HƠN ?
Trong giờ sinh vật, thầy hỏi học sinh :
- Em nào có thể cho thầy biết, xương đàn ông và xương đàn bà, xương nào nặng hơn?
Bé Hoa nhanh nhẩu trả lời :   - Thưa, xương đàn bà nặng hơn ạ.
Thầy thắc mắc :  - Em có chắc chắn như thế không?
Bé Hoa cương quyết : - Thưa chắc, là vì khi dựng nên bà Evà, Thiên Chúa đã rút mất một cái xương sườn của ông Adong.
Thầy "bó miệng" luôn !!!
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Caritas Hưng Hóa thực hiện chương trình mổ mắt miễn phí cho người nghèo tại Trung tâm Y tế huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ
Caritas Hưng Hóa thực hiện chương trình mổ mắt miễn phí cho người nghèo tại Trung tâm Y tế huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ
Từ ngày 16 – 20/04/2024, Caritas Hưng Hóa đã nhận được sự hỗ trợ từ Hội Từ Thiện Minh Tâm và quý ân nhân để thực hiện chương trình khám và mổ mắt miễn phí cho người nghèo tại Trung tâm Y tế huyện Tam Nông, thuộc huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log